Nếu bạn muốn biết trào lưu thời trang nào sẽ thống lĩnh sàn catwalk thế giới trong thập kỷ tới, đừng hỏi nhà thiết kế mà hãy hỏi các nhà khoa học - những người đang phát triển nhiều ý tưởng có tiềm năng thay đổi phong cách ăn mặc của nhân loại.
Chẳng hạn như nhà thiết kế Manel Torres của Tây Ban Nha vừa cho ra đời loại quần áo phun lên da. Vải được tạo ra bằng cách phun trực tiếp một lớp hóa chất vô hại lên cơ thể, sau đó rắc hàng nghìn sợi chỉ nhỏ lên da người mặc và để chúng kết dính lại với nhau tạo thành bộ quần áo dùng một lần. Nếu thành công, loại “trang phục phun” này sẽ mang đến phong cách thời trang mới lạ.
Không chỉ chú trọng tạo ra loại vải mới, ngành dệt còn nghiên cứu loại vải biết phản ứng với môi trường xung quanh. Điều đó không còn xa vời khi Đại học Bath và Đại học Thời trang Luân Đôn (Anh) đang phát triển vải có khả năng hiệu chỉnh nhiệt độ theo môi trường để giữ ấm hoặc làm mát cho người mặc. Xa hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ nano vào ngành dệt sẽ giúp tạo loại vải “thông minh”, cho phép một căn phòng điều chỉnh mùi hương, màu sắc, nhiệt độ, bề mặt tường, âm thanh của nó phù hợp với tâm trạng của những người trong đó. Trong tương lai, loại vải nano này thậm chí còn được dùng vào nhiều mục đích khác, như làm “ông tơ, bà nguyệt”. Theo đó, trang phục sẽ có thêm khả năng cảm nhận dấu hiệu thu hút của cơ thể, bằng cách gia tăng thân nhiệt, nhịp tim, lượng mồ hôi, và tiết ra các hoóc-môn hấp dẫn người khác phái.
Không chỉ vậy, các nhà khoa học và nhà thiết kế còn nghiên cứu loại quần áo có khả năng giám sát hệ hô hấp, nhịp tim cũng như kiểm soát thân nhiệt và thay đổi tâm trạng hoặc sức khỏe của người mặc. Jenny Tillotson, nhà thiết kế của Trường Nghệ thuật và Thiết kế Central St. Martins ở Luân Đôn, đang phát triển loại trang phục thông minh kết hợp công nghệ tích tụ hương thơm vĩnh viễn. Ví dụ, quần áo và trang sức có thể tỏa ra hương thơm của tinh dầu bạc hà, giúp giảm nhẹ bệnh suyễn.
Trong thập niên tới, chúng ta có thể nhìn thấy các cửa hàng thời trang bày bán áo sơ-mi “biến” người mặc thành trạm năng lượng mini. Các nhà khoa học đang tìm cách phát triển loại vải tích tụ năng lượng, theo đó, công nghệ nano kết hợp bên trong sẽ biến đổi những cử động của người mặc thành điện năng dùng cho các thiết bị điện tử như máy hát MP3, điện thoại di động... Hiện các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm làm thế nào loại vải tích tụ năng lượng có thể biến những chuyển động nhỏ thành điện năng bằng cách dệt những sợi dây nano xen lẫn với sợi vải, mà không ảnh hưởng tính thẩm mỹ của trang phục.
Không chỉ mang đến sự thuận tiện cho người dùng, thời trang công nghệ mới còn giúp ích cho môi trường. Đơn cử, dự án “thời trang sinh thái” của Suzanne Lee, giảng viên Đại học Thời trang Luân Đôn, người đang nghiên cứu sử dụng xenlulo tạo bởi vi khuẩn nuôi trong phòng thí nghiệm để “may” trang phục. Thay vì dùng vải sợi có nguồn gốc từ động thực vật, chúng ta có thể may quần áo trong hồ chứa chất lỏng.
Không ít người sẽ cho rằng những công nghệ thời trang nói trên là mơ ước hão huyền, nhưng tất cả sẽ sớm thành hiện thực. Thực tế chứng minh khoa học có thể tác động đến cách mặc của con người và thời trang công nghệ thực sự đã có mặt trên sàn diễn. Điển hình như váy áo làm bằng đèn 15.000 đèn LED, cho phép các họa tiết trên áo luôn biến đổi một cách ấn tượng, hay quần áo tự thay đổi kiểu dáng trước mắt khán giả (mà không cần người mặc động tay vào) nhờ sử dụng những bộ điều chỉnh, công tắc và động cơ cực nhỏ...
(Theo THANH TRÚC (Theo Telegraph)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com