Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bộ trưởng Hoàng Văn Phong thăm và làm việc với 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận

Từ ngày 6 đến 8.11.2008, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cùng đại diện một số vụ chức năng của Bộ KH&CN đã về thăm và làm việc với 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

Đón tiếp và làm việc với Bộ trưởng tại Ninh Thuận có Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Hoàng Thị Út Lan; Phó Bí thư Thường trực tỉnh uỷ Nguyễn Đức Dũng, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Ninh Thuận. Trong báo cáo đánh giá tổng quan tình hình kinh tế - xã hội 2006-2008 và hoạt động KH&CN Ninh Thuận từ năm 2000 đến nay, Giám đốc Sở KH&CN Trần Phong đã nêu bật những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp - xây dựng; các ngành dịch vụ; giáo dục - đào tạo; y tế; quốc phòng an ninh. Trong đó, nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành trên 60% so với mục tiêu đến 2010; tiềm năng và lợi thế về kinh tế biển được đánh giá đúng mức, huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; tốc độ tăng GDP bình quân 11,4%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 8,4 triệu đồng (năm 2008). Về kết quả triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2002 đến nay, đã có 45% số đề tài/dự án được áp dụng ngay trong quá trình triển khai, 23% được ứng dụng hiệu quả sau khi nghiệm thu, 14% chưa thành công (giai đoạn trước, tỷ lệ này chiếm 40%), 18% chưa có báo cáo. Kinh phí đầu tư cho triển khai 16 đề tài/dự án điển hình của Ninh Thuận từ năm 2000 đến nay lên đến 35,5 tỷ đồng, trong đó, vốn từ ngân sách nhà nước cho sự nghiệp KH&CN chỉ chiếm 21%, còn lại là từ nhiều nguồn vốn khác mà tỉnh thu hút được. Ngân sách chi cho KH&CN Ninh Thuận đạt bình quân 6,1 tỷ đồng/năm, chiếm 0,45-0,64% tổng chi ngân sách của tỉnh. Với quan điểm: Khoa học phải đi vào đời sống, nhiều kết quả KH&CN đã được ứng dụng có hiệu quả trong giai đoạn qua, như: Xây dựng chữ viết, sách dạy và học, từ điển tiếng Raglai, phần mềm từ điển Việt - Chăm, Chăm - Việt; Xây dựng được các thương hiệu nho sạch Ba Mọi, Ninh Phú; các dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông thôn - miền núi Phước Hòa, phát triển nông nghiệp vùng gò đồi xã Ma Nới... đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi cho vùng núi, đồng bào dân tộc; xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi tôm sú trên vùng đất cát ven biển; mô hình tưới tiết kiệm; sản xuất rong sụn, cây neem, rau an toàn; ngăn ngừa hoang mạc hóa, bảo tồn hệ sinh thái biển san hô, rùa biển… Báo cáo cũng chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm nhằm thúc đẩy, phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội Ninh Thuận thời gian tới. Đó là: KH&CN cần được xem là một yếu tố cần thiết trong các kế hoạch phát triển các ngành kinh tế cấp tỉnh, thành phố/huyện; Thông tin KH&CN, nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, hệ thống quản lý chất lượng, sở hữu trí tuệ cần được xem là những yếu tố đồng bộ đảm bảo chất lượng đầu tư sản xuất; Truyền thông về KH&CN đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa nghiên cứu ứng dụng và nhu cầu thực tiễn về KH&CN; Vốn KH&CN của tỉnh nên là nguồn “đối ứng” với kinh phí sự nghiệp của các ngành trong tỉnh và kinh phí tài trợ từ ngoài tỉnh; Liên kết, hợp tác về KH&CN giữa các vùng, viện, trường với tỉnh để tiết kiệm thời gian, kinh phí, nâng cao hiệu quả đầu tư.
 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả đã đạt được của Ninh Thuận trong lĩnh vực KH&CN, cảm ơn sự quan tâm  của lãnh đạo tỉnh đối với ngành, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn của tỉnh trong việc thu ngân sách (mới đạt khoảng 1/3 nhu cầu chi). Bộ sẽ bố trí ngân sách cho tỉnh tăng từ 2 đến 2,5 lần so với hiện nay và sẽ làm đầu mối giúp tỉnh hợp tác với các Bộ liên quan và các tổ chức quốc tế. Bộ trưởng đề nghị, Sở KH&CN phải là cầu nối giữa Bộ và tỉnh trong việc chuyển giao tiến bộ KH&CN, nắm bắt thông tin; tỉnh cần đẩy mạnh các chương trình sản xuất hàng hóa, chương trình nông thôn - miền núi, tạo điều kiện cho Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ KH&CN hoạt động có hiệu quả đặc biệt trong việc chuyển giao tiến bộ KH&CN. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Dũng và bà Hoàng Thị Út Lan đã khẳng định vai trò động lực của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp lãnh đạo tỉnh ban hành nhiều văn bản pháp quy về KH&CN, chính sách, nghị quyết về tôn giáo và dân tộc phù hợp với điều kiện thực tế.

Chiều 6.11.2008, Bộ trưởng và đoàn công tác đã có cuộc gặp mặt thân mật với các cán bộ, nhân viên của Sở KH&CN Ninh Thuận. Bộ trưởng đã lắng nghe và chia sẻ với những tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ quản lý KH&CN tỉnh Ninh Thuận, đồng thời yêu cầu Sở KH&CN cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các sở: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính; đa dạng hoá những kênh đầu tư cho KH&CN.

Ngày 7.11.2008, Bộ trưởng và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Dũng Nhật; Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở KH&CN Lê Văn Tiến, cùng đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh. Theo báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội, KH&CN của tỉnh Bình Thuận, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 14,43%/năm, bình quân thu nhập đầu người đạt 837 USD/năm. Từ năm 2004 đến nay, tỉnh đã có 58 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, với tổng kinh phí 26,7 tỷ đồng; 4 nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng. Từ những nhiệm vụ KH&CN này, đã ứng dụng rộng rãi mô hình trồng lúa giống mới, bắp lai, trồng điều ghép, chăn nuôi heo kết hợp với túi ủ khí sinh vật ở các xã nghèo thuộc huyện Đức Linh; đã chuyển giao áp dụng dây chuyền công nghệ bảo quản đóng gói xuất khẩu quả thanh long (5 tấn/ca) từ nguồn hỗ trợ của Bộ KH&CN với thời gian bảo quản 4 tuần, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thị trường các nước và lãnh thổ: EU, Trung Quốc, Đài Loan; ứng dụng 5 giống nho mới trong sản xuất nho ăn quả tại huyện Tuy Phong và mô hình trồng nho giống mới, phát triển chăn nuôi heo, chuyển giao kỹ thuật sinh sản giống heo, trồng nho trên đất cát khô hạn, xây dựng túi ủ khí biogas và đào tạo cán bộ tại chỗ về kỹ thuật chăn nuôi - thú y, trồng trọt cho hơn 300 hộ thuộc các xã nghèo huyện Tuy Phong. Hiện nay, Bình Thuận đang triển khai dự án Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật để phát triển một số cây nông nghiệp như: Thanh long, xoan chịu hạn, nho... Bình Thuận đã có 2 chỉ dẫn địa lý được đăng bạ quốc gia: Quả thanh long và nước mắm Phan Thiết, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm này. Đánh giá về các hoạt động KH&CN thời gian qua, ông Hồ Dũng Nhật khẳng định vai trò quan trọng của KH&CN trong việc góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đảm bảo luận cứ khoa học cho việc xây dựng các định hướng, chủ trương, chính sách, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận. Do sử dụng nhiều giống tốt, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, phát huy hiệu quả các công trình thuỷ lợi, nên sản lượng cây trồng và sản phẩm nông nghiệp hàng năm đều tăng (hiện nay là 539.000 tấn, so với 385.482 tấn năm 2001). Cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng sử dụng ít nước, rút ngắn thời gian sản xuất, có khả năng kháng sâu bệnh, cho năng suất cao...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong đánh giá cao sự chỉ đạo và đầu tư của tỉnh Bình Thuận cho ngành KH&CN của tỉnh, mặc dù còn nhiều khó khăn (thu không đủ chi). Bộ trưởng yêu cầu Sở KH&CN Bình Thuận cần chủ động, tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành làm rõ và báo cáo với lãnh đạo tỉnh những vấn đề còn khó khăn để cùng tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bộ trưởng ủng hộ những đề xuất của Bình Thuận, đặc biệt là về phát triển cây thanh long, giải quyết vấn đề hoang mạc hoá, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn - miền núi, những dự án thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng đã đến thăm các cán bộ, nhân viên của Sở KH&CN Bình Thuận, động viên họ phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp KH&CN của tỉnh. Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống KH&CN cấp huyện, yêu cầu Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN phải có cộng tác viên đắc lực trong hệ thống KH&CN cấp huyện để có thể nắm bắt tình hình và kịp thời giải quyết những vấn đề về KH&CN.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Thuận, Bộ trưởng và đoàn công tác đã đi thăm Công ty TNHH Thanh long Hoàng hậu - cơ sở sản xuất thanh long lớn nhất Bình Thuận và đã bước đầu có hàng xuất khẩu sang Mỹ.

 

(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị