Lần đầu tiên ở VN, Viện Hải dương học (TP. Nha Trang), một con cá mập vây đen đã sinh 6 con tại hồ nuôi nhân tạo của Viện. Những chén súp vây cá mập có giá hàng triệu đồng, cộng với những truyền tụng về công dụng của chúng, đã làm cho cá mập trở thành đối tượng tận diệt của ngư dân, gây ra nhiều di họa cho môi trường. Ông Chu Anh Khánh, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật và Truyền thông Bảo tàng Hải dương học cho biết, do có lợi ích kinh tế nên cá mập hiện bị vây bắt khá nhiều. Các chuyên gia về hải dương học cho rằng, không bảo đảm sự sống của cá mập, hệ sinh thái biển bị đe dọa. Là một loài ăn thịt hàng đầu, loài cá này là kẻ thu dọn rác dưới đại dương, thanh toán những sinh vật bệnh, yếu dưới nước, giữ cho hệ sinh thái trong lành và cân bằng sinh thái. Bởi vậy, Liên hiệp quốc đã yêu cầu tất cả các nước thành viên xây dựng và ban hành những kế hoạch nhằm hạn chế việc săn bắt cá mập. Vì thế việc cá mập vây đen sinh sản trong hồ nuôi nhân tạo của Viện có ý nghĩa rất lớn. Chăm sóc cá mập con được xác định là nhiệm vụ vất vả. Hiện nay, các nhà khoa học của Viện đang cố gắng bảo vệ an toàn cho cá mập con bằng cách cho những con lớn ăn no để cá lớn không để ý, tấn công các con nhỏ. Ngoài ra phải tập cho cá mập con ăn các thức ăn cá, mực bé... “Đặc biệt phải canh cả ngày lẫn đêm, đêm phải thắp đèn để cá lớn tưởng là ban ngày, không ăn cá bé” – ông Khánh nói. Kinh nghiệm của các cán bộ phòng thuần dưỡng sinh vật biển của Viện cho thấy, dù rất mất công, vất vả nhưng vẫn cần phải nuôi chung cá bé và cá lớn, khi chúng đã quen sự có mặt của nhau sẽ không còn tấn công những cá thể bé. Mặt khác, bắt cá mập con ra môi trường khác cần phải kiểm tra vài ngày mới có môi trường thích hợp để nuôi, rất bất tiện. Cá mập con mới sinh hiện được nuôi chung hồ với cá mập lớn, khỏe mạnh, nặng chừng 0,7kg, dài khoảng 35cm. Sau hơn chục năm nuôi tại Viện Hải dương học, đây là lần đầu tiên cá mập vây đen sinh sản trong môi trường nhân tạo. Đây cũng là lần đầu tiên cá mập vây đen sinh sản trong bể nuôi nhân tạo ở Việt Nam. Trước đó, đã nhiều lần cá nhám tro (một trong 27 loài cá mập) đã sinh sản trong môi trường nhân tạo. Ông Chu Anh Khánh cho rằng, việc có thể nuôi dưỡng, tạo môi trường sinh sản thuận lợi cho cá mập trong hồ nuôi nhân tạo có ý nghĩa rất lớn về mặt khoa học. Cho thấy các nhà khoa học của Viện Hải dương học đã thành công trong việc tạo điều kiện môi trường, cách chăm sóc hợp lí, phù hợp với sự phát triển của loài cá mập. Bảo tàng Hải dương học đang nuôi nhiều loài cá mập, trong đó cá mập vây đen có bốn cá thể trưởng thành, gồm một con đực, ba con cái được thuần dưỡng từ nhỏ và 5 cá con vừa sinh ( 1 trong 6 con không nuôi được). Hiện còn hai con cái đang mang bầu (mỗi con nặng khoảng 30kg, dài trên dưới 1m). Viện Hải dương học chưa thể xác định cá mập vây đen mang thai trong thời gian bao lâu, do không xác định được thời điểm thụ thai. Cá mập vây đen có tên khoa học là Carcharinus melanoptderus, có kích thước tối đa khoảng 4m; thức ăn chủ yếu là cá nhỏ, tôm, cua, rắn biển...; thường sống ở vịnh, trong các rạn san hô, nơi nước cạn, độ sâu khoảng 20m; phân bố chủ yếu ở Ấn Độ Dương và vùng biển các nước Úc, Nhật Bản, VN... Ở biển Việt Nam hiện có 27 loài cá mập, trong đó nhiều nhất là cá nhám tro và cá mập Mã Lai. Những loài cá có kích thước lớn thuộc họ cá mập: cá mập chồn dài 8m-9m, cá mập xanh dài 6m-7m, cá mập vây đen dài 4m. Cá mập thường sống ở độ sâu 20m-60m. Ở VN, cá mập thường gặp ở vùng biển đảo Bạch Long Vĩ, Hòn Mê và các vùng biển gần bờ biển Thái Bình, Ninh Bình, Bình Thuận.Cá mập con vài ngày tuổi chỉ bằng con cá lóc cỡ trung bình.
Điều này được đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và góp phần thiết thực trong việc phát triển cân bằng hệ sinh thái biển.
(Theo VNN)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com