Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quảng Trị: Hiệu quả từ mô hình làng sinh thái ở Triệu Trạch

Thực hiện Nghị quyết của Đảng uỷ, HĐND xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong) về phát triển kinh tế- xã hội nhằm giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân bằng việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng cát trên địa bàn, được sự giúp đỡ của các cấp các ngành, đặc biệt là sự quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ, đầu tư của dự án Nauy, từ năm 2002, xã Triệu Trạch có chủ trương giãn dân ra vùng cát thành lập các làng sinh thái để có cuộc sống ổn định và sản suất lâu dài cho bà con. Bước đầu xã đã chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn tương đối đồng bộ như: Xây dựng được 5 tuyến đường với chiều dài 25 km cùng với các hệ thống mương tiêu, điện các làng sinh thái, trường mầm non...đặc biệt hỗ trợ 10 triệu đồng/ hộ khó khăn để tạo dựng nhà cửa. Với đầu tư ban đầu, đến nay hình thành 3 làng sinh thái, đó là: Linh An, An - Long - Vân, Lệ Xuyên với tổng số 140 hộ, 525 khẩu và 250 lao động.

Sau 5 năm xây dựng mô hình làng sinh thái, từ việc chú trọng nơi ăn chốn ở, đặc biệt là quan tâm vấn đề sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cuộc sống hàng ngày, đến nay, đại đa số bà con của các làng sinh thái đã sản xuất ổn định, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng và phù hợp với chân đất cát vào gieo trồng trên diện tích đất của 3 làng sinh thái như: Giống ngô nếp, lạc, hành, ớt... đặc biệt cây dưa hấu đã phát huy được hiệu quả, giá trị 1 ha trồng dưa hấu đạt 80 triệu đồng/năm. Mô hình sản xuất cây màu vùng cát, cây công nghiệp ngắn ngày ở các làng sinh thái từng bước đã làng ổn định và phát triển kinh tế.

Trong chăn nuôi người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên trong những năm qua đã đem lại thu nhập khá cao. Cụ thể, được sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước về cấp giống lợn, qua đó đã có nhiều hộ đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại có quy mô lớn để chăn nuôi như: Hộ anh Lê Văn Vững ở sinh thái Linh An; hộ anh Đặng Công Thành, Trần Nhật Linh ở sinh thái Long Quang; Nguyễn Toản ở sinh thái Vân Tường; hộ anh Nguyễn Khánh Hưng ở sinh thái Lệ Xuyên...hàng năm mang lại thu nhập 20 - 30 triệu đồng. Mô hình nuôi cá nước ngọt cũng được người dân chú trọng và quan tâm, nhìn chung các hộ đều có ao nuôi với diện tích khoảng 0,5 ha. Đến nay, trên 3 làng sinh thái đã hình thành nhiều mô hình VAC kết hợp đem lại hiệu quả kinh tế lớn, điển hình trong mô hình này có hộ anh Lê Vang, Mai Niếm, Lê Công Thăng ở sinh thái Linh An mang lại thu nhập 25 - 30 triêụ đồng, số còn lại bình quân thu nhập 10 - 15 triệu đồng/năm. Ngoài ra, mỗi hộ đã được chia đất vườn 0,7 - 1 ha trồng cây chắn gió với hàng ngàn cây keo lá tràm, có hộ đã trồng hàng chục héc ta rừng tràm, đến nay cây đã phát triển khá tốt trong tương lai đem lại nguồn thu khá cao, điển hình trong mô hình trồng rừng có hộ anh Nguyễn Toàn ở sinh thái Lệ Xuyên. Từ hiệu quả đó, những năm tới diện tích rừng trồng của xã Triệu Trạch sẽ được mở rộng, vì ở vùng cát còn 145 l,8 ha.

Từ thực tế, hiệu quả sau 5 năm xây dựng làng sinh thái ở Triệu Trạch và nhất là qua trao đổi với người dân, có thể thấy rằng, việc thực hiện mô hình làng sinh thái đã làm thay đổi quan điểm về sản xuất nông nghiệp, bước đầu tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị cao giúp người dân thoát nghèo và tiến tới làm giàu. Việc xây dựng mô hình làng sinh thái ở những vùng này đã khai thác tốt lợi thế và tiềm năng của vùng, khai thác các diện tích đất cát hoang hoá đưa vào sản xuất nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng.

Việc mô hình làng sinh thái giúp người dân tiếp cận và nắm bắt khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến, ứng dụng và đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân. Người nông dân học hỏi được nhiều kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, các quy trình quản lý tiên tiến của sản xuất nông nghiệp, thay đổi nhận thức và cách làm nông nghiệp của người dân, đã thu hút một lượng lớn vốn của người dân vào sản xuất, xu hướng tích tụ và chuyên môn hoá sản xuất phát triển mạnh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập. Việc phát triển làng sinh thái ở các vùng cát khó khăn còn tạo nhanh việc phủ xanh đất trống đồi trọc, đẩy nhanh việc xanh hoá vùng cát ven biển theo các chương trình trồng rừng phòng hộ chống cát bay cát lấp, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn phát triển bền vững.

Với thời gian 5 năm, bước đầu xây dựng làng sinh thái đem lại hiệu quả, theo ông Trương Duy, Chủ tịch UBND xã có thể rút ra những kinh nghiệm sau: Thứ nhất, kết cấu hạ tầng nông thôn phải đồng bộ và đi trước một bước; thứ hai, tuyên truyền vận động bà con hiểu rằng nông nghiệp muốn giàu có thì phải có tỷ lệ thuận với quy mô đất đai từ đó làm tốt việc di dân; thứ ba, mỗi vùng đều có địa thế và thổ nhưỡng riêng, do đó việc áp dụng từ mô hình này sang mô hình khác là máy móc và khó thành công. Vì vậy, có thể thấy rằng, muốn xây dựng làng sinh thái có hiệu quả, trước hết phải nghiên cứu điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, biết nắm lợi thế và tiềm năng của vùng đất mình để phát triển chuyên môn hoá và đa dạng hoá cây trồng, từ đó tiến hành sản xuất kinh doanh sẽ phát huy hết tiềm năng thế mạnh và cho thu nhập cao; thứ tư, người dân phải luôn trăn trở, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, tìm hiểu thị trường để nắm bắt thông tin, lựa chọn cây trồng vật nuôi phù hợp hoặc chuyển hướng kinh doanh kịp thời, sản phẩm làm ra phải tiêu thụ được. Đặc biệt, người dân phải chủ động trong sản xuất và đầu tư, không trông chờ, ỷ lại Nhà nước mà phải mạnh dạn trong việc lựa chọn hướng đầu tư, mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, nhất là việc áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Qua thực tiễn từ hiệu quả xây dựng mô hình làng sinh thái đem lại và để phát triển và nhân rộng trong tương lai, lãnh đạo xã và người dân nơi đây đề nghị với Nhà nước, các ban, ngành cấp trên liên quan tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng, thực hiện chương trình vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ giống cây con phù hợp với vùng cát, tập huấn và đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ứng dụng, đem năng suất cao trong nông nghiệp để người dân yên tâm ổn định sản xuất ở làng sinh thái.

(Theo Tạp chí Hoạt động Khoa Học)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Lật lại hồ sơ tên miền của 8 website nổi tiếng
  • 10 năm tụt hậu và giấc mơ công nghệ cao
  • Chính sách hỗ trợ đầu tư R&D của Hàn Quốc
  • Khác biệt giữa Obama và Romney về Chính sách KH&CN
  • Sự khác biệt giữa quỹ khoa học quốc gia Mỹ và Việt Nam
  • Bí quyết: Mười nguyên tắc vàng cần áp dụng khi xảy ra động đất
  • Giải mã hiện tượng người bỗng dưng... bốc cháy
  • Luật sư Ý bị bác yêu cầu đòi 5,2 triệu Euro từ Vietnam Airlines
  • GPMB tại đường Lạch Tray, Hải Phòng: 5 năm vẫn ngổn ngang
  • Chúa là không cần thiết cho cuộc đại thiết kế vũ trụ?
  • Vì sao nhà phát minh không thể trở thành tỉ phú?
  • Giải Nobel và những con số thú vị