Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự án “rùa” của EVN

Các nhà máy điện do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đầu tư trễ tiến độ hòa lưới điện quốc gia đến vài năm nhưng EVN lại đổ lỗi thiếu điện do... trời

Trong tình trạng thiếu điện đang trầm trọng và hậu quả là cúp điện diễn ra khắp nơi thì hai nhà máy điện lớn (tổng công suất gần 6,3 tỉ KWh/năm) do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đầu tư ở phía Bắc là nhiệt điện Hải Phòng và nhiệt điện Uông Bí đều chậm tiến độ.

Nhiệt điện ì ạch

Ngày 24-6, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công Thương, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng khẳng định tiến độ của dự án nhiệt điện Hải Phòng I hiện đã chậm khoảng 21 tháng so với hợp đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là do địa chất phức tạp, gặp nhiều hang carter, túi bùn nên thời gian thi công kéo dài; giá cả vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng tới khả năng tài chính của nhà thầu; kinh nghiệm quản lý gói thầu còn thiếu nên ảnh hưởng đến tiến độ.

Đặc biệt, nhân lực và thiết bị thi công của nhà thầu trên công trường chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ công việc. Bên cạnh đó, công tác khắc phục các khiếm khuyết của tổ máy số 1 kéo dài, nhất là công tác sửa chữa biến dạng ống quá nhiệt cấp 2.

Công ty cũng nhìn nhận, đối với dự án nhiệt điện Hải Phòng II, do vướng mắc hợp đồng vay vốn với ngân hàng Trung Quốc nên chỉ mới thực hiện các công việc, hạng mục chung với Hải Phòng I và một số phần việc như cọc móng ống khói, đường ống tuần hoàn...

Ông Trần Hữu Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng, nhận xét: Hiện nay, việc tập trung nhân lực và máy móc thi công của nhà thầu rất ít. Dự án Hải Phòng II sẽ chậm 24 tháng so với hợp đồng. Dự án Hải phòng I và II khi hoàn thành sẽ cung cấp 3,6 tỉ KWh/năm.

Công trường mở rộng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí vẫn còn ngổn ngang

Dự án mở rộng giai đoạn 1 của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), dự kiến hòa lưới điện quốc gia vào ngày 15-9-2006. Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp sản lượng điện bình quân 2,68 tỉ KWh/năm.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí Phùng Văn Sinh, đến ngày 27-11-2009, giai đoạn 1 mới bàn giao cho chủ đầu tư và ngày 18-12-2009 hòa lưới điện quốc gia, chậm so với hợp đồng 41 tháng. Đến nay, thỉnh thoảng giai đoạn 1 vẫn bị gián đoạn sản xuất và vận hành rất khó khăn.

Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng giai đoạn 2 khởi công xây dựng ngày 23-5-2008, theo kế hoạch sẽ được thi công trong 36 tháng và bàn giao vào tháng 6-2011. Riêng nhiệt điện Uông Bí mở rộng giai đoạn 2 có khả năng bổ sung cho điện lưới quốc gia 1,98 tỉ KWh/năm.

Ông Sinh cũng cho rằng với hàng loạt vấn đề về thiết bị và những vướng mắc mới có thể nảy sinh thì tiến độ của giai đoạn 2 vẫn có thể chậm trễ so với mục tiêu đề ra.

Đoán mò về phụ tải

Theo EVN, mực nước hồ Hòa Bình hiện chỉ nhỉnh hơn 81m, cách mực nước chết khoảng 1,5 m; các hồ Tuyên Quang, Thác Bà cũng đang cận kề mực nước chết trong khi lũ tiểu mãn đã không về như dự tính. Đến ngày 24-6, mực nước về hồ Hòa Bình chỉ đạt 1.450 m³/giây, tại hồ Tuyên Quang khoảng 568 m3/giây, hồ Thác Bà gần 100 m³/giây.

Do nước về hồ quá thấp nên các nhà máy thủy điện phía Bắc phải vận hành cầm chừng để không bị rơi vào mực nước chết và nước về hồ đến đâu phát điện đến đó.

EVN cho rằng nguồn thủy điện chiếm trên 34% nguồn cung ứng điện cả nước nhưng công suất thực tế lại chỉ phát chưa được 1/3 khiến cho tình trạng thiếu điện càng thêm trầm trọng.

Hiện nay, công suất huy động từ các nguồn thủy điện chỉ còn ở mức 40-45 triệu KWh/ngày, thấp hơn mức khống chế ban đầu của EVN là 5 triệu KWh/ngày. Riêng thủy điện Hòa Bình chiếm tới 12% sản lượng điện cả nước cũng đang phải hoạt động cầm cự với sản lượng điện phát ra thấp hơn gần 1 tỉ KWh so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình đạt tới 5.000 - 6.000 m3/giây thì các nhà máy thủy điện mới chạy hết công suất.

Để giải hạn cho các nhà máy thủy điện, EVN đã tăng cường mua điện từ Trung Quốc (14,5 triệu KWh/ngày) nhưng do nhu cầu phụ tải quá cao nên vẫn không thể đáp ứng nổi. Không còn cách nào khác, điện lực các địa phương vẫn phải thực hiện cắt điện luân phiên trên cơ sở sản lượng điện được phân bổ.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, cho rằng thiếu điện có nguyên nhân từ thiếu nước sản xuất của các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, theo ông Ngãi, có một nguyên nhân chủ quan là từ lâu nay ngành điện gần như đoán mò về phụ tải của năm sau.

“Năm 2010, phụ tải tăng nhanh đã làm ngành điện bất ngờ, trong khi nguồn cung bổ sung lại không đáp ứng kịp. Dự kiến phải đến năm 2015 mới hết tình trạng căng thẳng về điện” – ông Ngãi bày tỏ.

Khổ vì độc quyền

Công ty Cổ phần Thủy điện Bình Điền (Thừa Thiên – Huế), gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 22 MW, phát điện thương mại từ tháng 5-2009 và bán cho EVN. Theo ông Hoàng Tuấn Hưng, Trưởng Phòng Hành chính Tổng hợp - Công ty Cổ phần Thủy điện Bình Điền, hiện EVN mua điện của các nhà máy với hai cách tính: thứ nhất, tính giá theo giờ thấp điểm, giờ cao điểm, theo mùa khô và mùa mưa; thứ hai, mua với một giá đã được hợp đồng sẵn.

Công ty Cổ phần Thủy điện Bình Điền chỉ áp dụng một giá bán cho EVN là 634 đồng/KWh, giá này vào mùa hè sẽ thấp hơn so với giá bán của các nhà máy khác vì đây là thời điểm thiếu điện trầm trọng, EVN sẵn sàng mua với giá cao. Nhưng vào mùa mưa thì giá này cao hơn so với giá bán của các nhà máy thủy điện khác.

Vào mùa mưa do lượng nước của các hồ thủy điện dồi dào nên EVN hoàn toàn thoải mái lựa chọn nhà máy để mua điện với giá rẻ. Sự độc quyền của EVN đã tạo ra tình trạng có nhà máy được phát điện ít, nhà máy được phát điện nhiều, thậm chí có nhà máy không hoạt động được vì EVN không mua.

(Bài và ảnh: Thế Dũng // Nguoilaodong Online)

  • Vì sao Việt Nam vẫn phải mua điện từ Trung Quốc?
  • Xăng dầu: Cuộc chơi vẫn của các 'ông lớn'
  • Giá điện sẽ được điều chỉnh từ ngày 1/7?
  • Tổng giám đốc Petrolimex nói gì về “minh bạch xăng dầu”?
  • Sếp Petro Vietnam “chẳng tin” dự án lọc dầu 27 tỷ USD
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container