Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hiệu quả từ một dự án

Xây dựng công trình khí sinh học.
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, hơn 3.200 công trình khí sinh học được nông dân Tiền Giang áp dụng đã đạt hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, cũng như giải quyết giảm thiểu môi trường rất tốt. Nông dân Tiền Giang cho đây là cơ hội thuận lợi để tiếp tục mở rộng sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng quY mô trang trại.

Tiền Giang có gần 20 nghìn hộ chăn nuôi với tổng đàn gia súc hơn 500 nghìn con và hơn 5 triệu con gia cầm. Mỗi ngày, hàng trăm tấn chất thải được đưa ra môi trường, gây tình trạng ô nhiễm ở mức cao. Ðó chính là nguyên nhân Tiền Giang là tỉnh đầu tiên tham gia Dự án Khí sinh học do Chính phủ Hà Lan tài trợ.

Mục tiêu của dự án là góp phần phát triển nông thôn thông qua việc sử dụng công nghệ khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi, cung cấp năng lượng sạch và rẻ tiền cho người nông dân; đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm phát khí  thải nhà kính...

Phó Giám đốc Dự án Khí sinh học tỉnh Bùi Ngọc Phùng cho biết: "Tuy mục tiêu là bảo vệ môi trường cũng như các lợi ích về kinh tế, đồng thời khi tham gia mỗi hộ được hỗ trợ một triệu đồng/công trình, nhưng những năm đầu, dự án gặp không ít khó khăn do người dân chưa hiểu lợi ích từ công trình mang lại. Tuy nhiên, khi hoàn chỉnh công trình đi vào áp dụng thì người dân rất ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án phát triển".

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, 3.200 công trình khí sinh học được nông dân xây dựng hoàn chỉnh và áp dụng từ năm 2003 đến nay đều vận hành tốt, chất lượng bảo đảm, phát huy hiệu quả về lợi ích kinh tế - xã hội, môi trường cũng như chất lượng công nghệ xử lý chất thải tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ phát triển kinh tế trang trại, mở rộng chăn nuôi. Theo tính toán cho thấy, 3.200 công trình đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải từ chăn nuôi, xử lý chất thải từ 4,4 đến 7,5 nghìn tấn; giảm khí thải nhà kính ước tính tương đương từ 20.672 đến 38.144 tấn CO2/năm.

Bên cạnh đó, năng lượng từ khí sinh học còn thay thế được 5.250 tấn phế phẩm nông nghiệp làm chất đốt, 6.980 tấn củi, 110 tấn khí hóa lỏng/năm. Ngoài tác dụng bảo vệ môi trường, các công trình khí sinh học còn được ứng dụng nhiều vào cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế không nhỏ. Ðó là, ga khí sinh học có thể sử dụng để đun nấu, chạy máy phát điện thắp sáng phục vụ sinh hoạt hằng ngày, góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí cho hộ gia đình. Bình quân mỗi hộ chăn nuôi có xây dựng công trình khí sinh học sẽ tiết kiệm 1,825 triệu đồng tiền đun nấu và thắp sáng trong một năm. Và với hơn 3.200 công trình trong toàn tỉnh hiện nay đang vận hành tiết kiệm được khoảng 5,8 tỷ đồng/năm.

Sau khi không còn khả năng sinh ra khí, chất bã thải khí sinh học còn được dùng vào việc bổ sung chất dinh dưỡng cho đất, cải tạo môi trường nuôi thủy sản và làm thức ăn. Khi đó, bã khí sau khi thoát ra bể phân hủy là chất hữu cơ rất tốt và giàu chất dinh dưỡng bón cho rau, quả, nâng năng suất, chất lượng, giảm sử dụng lượng chất vô cơ; cải tạo lại đất bạc màu và môi trường nước ao hồ để nuôi cá; đồng thời có thể làm thức ăn bổ sung cho lợn. Hiệu quả của những mô hình này đã được dự án kiểm chứng qua các mô hình trình diễn ứng dụng chất bã khí sinh học vào các lĩnh vực trên.

Cụ thể, trong các mô hình trình diễn sử dụng bã thải khí sinh học làm phân bón trên cam, bưởi, sầu riêng, cây thanh long, sơ ri, đu đủ, kết quả, những cây trên có mầu lá tốt bền lâu, giảm được 1/3 đến 1/2 lượng phân bón vô cơ bón cho cây trong một lần cho trái. Trái cây thu hoạch, mầu vỏ bóng đẹp, to và chất lượng trái tốt, sâu bệnh ít. Việc kết hợp công trình khí sinh học vào ao nuôi cá, dùng làm thức ăn trong chăn nuôi cũng cho hiệu quả rất tốt, giảm chi phí đầu tư thức ăn từ 10 đến 14%.

 
Nói về lợi ích của hầm khí sinh học, ông Nguyễn Ngọc Châu, ấp Bình Hòa Ðông, Bình Nhì, (Gò Công Tây), hộ áp dụng khí sinh học để làm nguồn điện thắp sáng, chạy máy nổ, đun nấu, cho biết: "Với 40 lợn nái và 150 lợn thịt, hằng tháng tôi tiết kiệm điện được từ 200 nghìn đến 250 nghìn đồng, 150 nghìn đồng tiền củi. Trung bình cả năm, tôi tiết kiệm từ 3,6 đến 4,2 triệu đồng. Ðiều quan trọng nhất của công trình là không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế bệnh cho lợn, giảm giá thành chăn nuôi". Còn ông Võ Văn Minh, ấp Ruộng Cạn, xã Bình Nghị (Gò Công Ðông) áp dụng thử nghiệm sử dụng phụ phẩm khí sinh học bón cho vườn sơ ri 34 gốc của mình. Kết quả, trái sơ ri thu được có mầu sắc tươi, trái to và bóng bán với giá cao, năng suất tăng 30%; đồng thời tiết kiệm được khoảng 100 nghìn đồng/tháng (thay thế phân bón hóa học)...

 
TỪ những ưu điểm và hiệu quả của dự án mang lại, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Dự án Khí sinh học tỉnh đánh giá: Dự án vừa bảo vệ môi trường, hạn chế hiệu ứng nhà kính lại vừa ứng dụng vào sản xuất như làm thức ăn cho vật nuôi, thủy sản; dùng làm phân bón cho cây trồng... Những ứng dụng trên không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, mà còn có thể áp dụng tốt trong quy trình sản xuất rau, quả an toàn. Ðiều đáng ghi nhận ở đây là tính tiện ích trong sinh hoạt hộ gia đình của nông dân, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, là cơ hội tốt cho nhà nông phát triển mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại trong thời gian tới.

( Theo báo điện tử Nhân dân)

  • Vì sao Việt Nam vẫn phải mua điện từ Trung Quốc?
  • Xăng dầu: Cuộc chơi vẫn của các 'ông lớn'
  • Giá điện sẽ được điều chỉnh từ ngày 1/7?
  • Tổng giám đốc Petrolimex nói gì về “minh bạch xăng dầu”?
  • Sếp Petro Vietnam “chẳng tin” dự án lọc dầu 27 tỷ USD
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container