Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không nhất trí với Đề án tái cơ cấu ngành điện do Bộ Công thương đề xuất, bởi cho rằng, như vậy sẽ không còn EVN theo đúng nghĩa của tập đoàn.
Mặc dù nhất trí với chủ trương xây dựng thị trường điện, nhưng EVN cho rằng, Đề án tái cơ cấu ngành điện do Bộ Công thương đề xuất mới đây "thiếu tính khả thi và ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia", do mới chỉ tập trung chủ yếu vào sắp xếp EVN và chưa phù hợp với các chủ trương của Đảng, Chính phủ về mô hình Tập đoàn Điện lực.
Với Đề án đề xuất, dường như EVN không còn là người giữ vai trò chính trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia và thực hiện các chính sách công ích, xã hội, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong khi lại chưa chỉ rõ đơn vị nào sẽ thực hiện nhiệm vụ này.
Lãnh đạo EVN cho hay, EVN hiện là đơn vị nòng cốt trong việc phát triển hệ thống điện bởi những thế mạnh như có uy tín để vay số lượng vốn lớn cho đầu tư, có đủ lực lượng và kinh nghiệm quản lý để xây dựng đồng thời nhiều dự án lớn, có trình độ quản lý vận hành hệ thống điện. Chính bởi vậy, xem ra, việc tách các công ty nguồn điện khỏi EVN sẽ làm cho các công ty này chưa đủ uy tín để vay vốn với số lượng lớn cũng như không có bộ máy đủ mạnh để chỉ đạo đầu tư các dự án điện mới sao cho theo kịp tiến độ đề ra.
Không chỉ phàn nàn về việc EVN bị chia nhỏ ra theo Đề án tái cơ cấu ngành điện do Bộ Công thương xây dựng, EVN còn cho rằng, "Đề án chỉ đề cập việc chia tách các đơn vị của EVN, mà không xem xét các đơn vị sản xuất điện khác cùng do Nhà nước sở hữu là không toàn diện và khó khả thi". Theo EVN, việc tái cấu trúc mô hình tổ chức của EVN theo hướng tách các khâu đầu tư nhà máy điện - truyền tải điện - phân phối điện được EVN cho là không cần thiết và đầy rủi ro, nhất là trong tình trạng còn thiếu điện như hiện nay.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, với mô hình hiện nay, khi EVN chiếm tỷ lệ chi phối trong sản xuất điện, đồng thời còn là nhà bán lẻ duy nhất, nhưng vẫn luôn xảy ra tình trạng thiếu điện, cắt điện không báo trước, khiến người dân và doanh nghiệp sử dụng điện bức xúc. Hơn nữa, việc EVN, với tư cách là tập đoàn lớn được giao trách nhiệm chính trong việc phát triển nguồn điện, nhưng lại phải trả lại một số dự án điện do thiếu vốn hay cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư khác góp cổ phần đầu tư nhà máy điện, thì việc tách các nhà máy điện khỏi EVN có lẽ chỉ là vấn đề sớm hay muộn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư rằng, "liệu có phải EVN không đồng ý với Đề án tái cơ cấu ngành điện được Bộ Công thương xây dựng là do lo mất đi vị thế tập đoàn như hiện nay", ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN đã cho biết, bản thân EVN cũng muốn có thị trường điện, bởi giá thành khâu phát điện của EVN hiện rẻ nhất trong số các doanh nghiệp sản xuất điện hiện nay, nhờ có các nhà máy thủy điện, có kinh nghiệm đầu tư và vận hành...
Theo Quyết định 26/2006/QĐ-TTg về lộ trình hình thành thị trường điện, giai đoạn 2009 - 2014 là thời gian thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Để thực hiện được bước đi này, các chuyên gia cho rằng, các nhà máy điện thuộc EVN phải tách ra thành các đơn vị phát điện độc lập, không có chung lợi ích kinh tế với người mua duy nhất -hiện vẫn là EVN, đơn vị truyền tải và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện.
Ngoài ra, công suất lắp đặt của từng đơn vị phát điện này cũng không được vượt quá 25% công suất lắp đặt của toàn hệ thống. Hiện tại, công suất lắp đặt của toàn hệ thống vào khoảng 15.000 MW và phần các nhà máy do EVN nắm giữ 100% vốn hay có cổ phần chi phối, hiện chiếm tỷ trọng hơn 60%.
( Theo báo Đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com