Theo chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện đến năm 2015, VN sẽ thiếu than cho sản xuất điện. Nhằm duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện với mục đích phục vụ nhu cầu phụ tải của sản xuất và đời sống, nước ta buộc phải nhập khẩu than. Để giải bài toán nhu cầu năng lượng, 3 tập đoàn gồm Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV), Dầu khí VN và Điện lực VN vừa hoàn tất đề án trình Chính phủ xin thành lập Ban Chỉ đạo nhập khẩu than cho tổng sơ đồ phát triển điện VN. Tuy nhiên, phương án nhập khẩu than của VN đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng khó khả thi bởi giá thành sẽ rất cao và việc mua than không hề đơn giản như... ra chợ mua rau!
Với đà khai thác hiện tại, đến năm 2012, nguồn than của VN sẽ cạn và phải nhập từ nước ngoài
Thiếu than cho sản xuất điện
Theo chiến lược phát triển ngành điện, đến năm 2005, sản lượng điện đạt khoảng 53 tỉ KWh, năm 2010 đạt khoảng từ 88 - 93 tỉ KWh và năm 2020 đạt từ 201 - 250 tỉ KWh. Trong đó, nhiệt điện than đến năm 2010 có tổng công suất khoảng 4.400 MW, giai đoạn 2011-2020 xây dựng thêm khoảng 4.500-5.500 MW (phụ tải cơ sở), 8.000-10.000 MW (phụ tải cao). Trong khi đó, theo TKV, do các mỏ khai thác than ở Quảng Ninh và nhiều tỉnh, thành khác thuộc tập đoàn đã gần “kịch trần” đối với loại than cho sản xuất điện nên kể từ năm 2015 trở đi, VN sẽ buộc phải nhập khẩu số lượng than lớn cho sản xuất điện và đến năm 2020, số lượng than sẽ phải nhập mỗi năm lên tới 100 triệu tấn.
Còn theo báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) vào cuối năm 2009 về “Việc thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện đến năm 2015” (gọi tắt là chiến lược), công suất nguồn điện chạy than lớn hơn số định hướng trong chiến lược (do nhu cầu tăng nhanh) và cao hơn khả năng cung ứng than nội địa, vì thế phải nhập khẩu than nếu muốn duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, cho rằng do công suất nguồn điện chạy than lớn hơn định hướng trong chiến lược nên tình trạng thiếu than có thể bắt đầu từ năm 2012. Theo ông Hiền, từ năm 2015, tổng công suất nguồn điện chạy than lên đến trên 43.660 MW và dự báo nhu cầu than khoảng 78 triệu tấn/năm, vượt hơn rất nhiều khả năng cung ứng trong nước.
Nên dùng năng lượng tái tạo
Điều lo ngại là, theo ông Hà Văn Hiền, việc nhập khẩu than từ ngay năm 2012 cũng hết sức khó khăn do thị trường than trên thế giới đã định vị tương đối ổn định và việc chen chân để mua được than không hề đơn giản. Hậu quả là dẫn đến việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than đã có trong danh mục phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện VI, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện chạy than đặt ở phía Nam, không tránh khỏi khó khăn về tiến độ thực hiện, đồng thời nếu nhập được than thì giá thành sản xuất điện sẽ tăng cao.
TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng (thuộc TKV), khẳng định: “VN sẽ không bao giờ nhập khẩu được than cho sản xuất điện vì không đủ năng lực tài chính để đầu tư khai thác than ở nước ngoài và giá thành quá chênh lệch so với giá thành sản xuất hiện nay ở trong nước”. Ông Sơn dẫn chứng cho nhìn nhận của mình bằng việc mới đây Trung Quốc đầu tư 5,6 tỉ USD vào Úc để khai thác 30 triệu tấn than/năm. Theo ông Sơn, để tránh việc nhập khẩu than chỉ còn cách sử dụng tiết kiệm điện, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, tự nhiên (gió, mặt trời...), phát triển nhà máy điện nguyên tử và giải pháp khả thi nhất là khai thác bể than sông Hồng.
Tổng Giám đốc TKV Trần Xuân Hòa cho biết vào thời điểm năm 2020, VN sẽ phải nhập khẩu trên 100 triệu tấn than/năm để duy trì sản xuất điện với mức giá 120 USD/tấn (thời điểm hiện nay) là một khoản chi ngoại tệ rất lớn, nếu không có ngay biện pháp cho bài toán cạn than sản xuất điện thì nguy cơ thiếu điện rất dễ xảy ra.
Kiến nghị tái lập Bộ Năng lượng Trong tình thế nan giải về bài toán thiếu than cho sản xuất điện, Ủy ban Kinh tế của QH kiến nghị thành lập một cơ quan đủ thẩm quyền (có thể là Ủy ban An ninh năng lượng quốc gia hoặc tái lập Bộ Năng lượng) để giúp Chính phủ chỉ đạo và phối hợp thực hiện chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, chỉ đạo đồng bộ các vấn đề liên quan đến lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Mặt khác, EVN tiếp tục nghiên cứu, xem xét và lấy ý kiến các cơ quan hữu quan trong quá trình xây dựng đề án tái cơ cấu ngành điện, chống độc quyền trong kinh doanh điện. |
(Theo Thế Dũng // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com