![]() |
Ngày càng có nhiều công trình thủy điện được triển khai trên khắp cả nước |
Bộ Công Thương mới đây đã đề nghị loại bỏ 38 dự án thủy điện, chủ yếu là thủy điện vừa và nhỏ, khỏi quy hoạch đã phê duyệt tại tỉnh Đắk Lắk và yêu cầu điều chỉnh quy mô của 35 dự án khác nhằm không gây ra ảnh hưởng lớn tới môi trường.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề nghị của Bộ Công Thương lên Chính phủ sau khi đi kiểm tra, rà soát các dự án thủy điện tại 9 tỉnh miền Trung. Còn trên thực tế, liệu các địa phương có chịu lắng nghe và làm theo những đề xuất này hay không thì còn phải chờ. Ông Đỗ Đức Quân, Phó vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), Trưởng đoàn kiểm tra lần này cho hay, để các đề xuất có hiệu lực thì địa phương phải ra văn bản tuyên bố đưa các dự án này khỏi quy hoạch hay yêu cầu dự án khác phải điều chỉnh quy mô. Bản thân đề nghị của Bộ Công Thương, theo ông Quân, không phải là văn bản mà các chủ đầu tư nhìn vào đó để mà tuân theo, tuy bộ ông là cơ quan quản lý nhà nước về ngành điện.
Cho tới nay, tại 36 tỉnh, thành phố trong cả nước, đã có tới 1.021 dự án thủy điện với tổng công suất 24.246 MW đã được phê duyệt Quy hoạch. Trong đó có 138 dự án quy mô lớn với công suất 18.366 MW thuộc Quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng chính các sông lớn được Bộ Công Thương phê duyệt, hầu hết đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Không biết có phải nhận thấy cơ hội làm giàu với “vàng trắng” qua việc khai thác dòng chảy tự nhiên của sông, suối ở quy mô vừa và nhỏ, không phải đầu tư lớn vào xây đập, mà làn sóng đầu tư vào thủy điện nhỏ đã bùng nổ ở nhiều tỉnh thời gian qua. Chỉ riêng tại 9 địa phương được kiểm tra lần này gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đã có tới 472 dự án, vị trí tiềm năng, với công suất hơn 7.500 MW được quy hoạch làm thủy điện. Nhưng ngoài một số ít các dự án đã hoàn tất đầu tư và đi vào hoạt động, hiện có tới 226 dự án và vị trí tiềm năng với công suất 2.275 MW đang được các nhà đầu tư quan tâm ở mức lập dự án và được cấp phép. Còn lại 120 dự án, vị trí chưa có nhà đầu tư quan tâm với quy mô công suất 220 MW.
Câu chuyện UBND huyện Sa Pa (Lào Cai) mới đây đã phải đề nghị UBND tỉnh Lào Cai cân nhắc việc tiếp tục cho phép triển khai xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện này cũng cho thấy một thực tế đáng báo động là, nhiều địa phương đang tận thu nguồn “vàng trắng” của thiên nhiên tới mức gần như cạn kiệt. Dù là một trọng điểm du lịch của Lào Cai, nhưng tới nay tại Sa Pa đã có tới 17 dự án thủy điện được cấp phép. Tuy mới có 4 dự án đang được xây dựng là Nậm Củm (xã Thanh Phú), Sử Pán 1 (xã Sử Pán), Sử Pán 2 (xã Bản Hồ), Séo Chung Hô (xã Tản Van) nhưng đã gây ảnh hưởng xấu tới cảnh quan thiên nhiên và cuộc sống của người dân bản địa. Theo thống kê của Phòng Văn hóa huyện Sa Pa, riêng tại xã Bản Hồ, nơi có nhiều mô hình du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách nước ngoài, năm 2008 đón hơn 10.000 lượt du khách, nhưng đến năm 2009, khi công trình thủy điện Sử Pán 2 được thi công, lượng du khách đã giảm một nửa.
Không chỉ ồ ạt cấp phép cho các dự án thủy điện nhỏ nhằm mang thêm giá trị sản xuất công nghiệp và nguồn thu cho địa phương, cuộc kiểm tra mới đây cũng cho thấy vấn đề giám sát triển khai các dự án thủy điện nhỏ hậu cấp phép đang quá lơi lỏng.
Đã tham gia thẩm định, kiểm tra thực tế nhiều dự án thủy điện quy mô lớn, ông Quân cho hay, nhiều tỉnh không hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc quản lý các dự án thủy điện do mình cấp phép trên địa bàn. Thậm chí các sở, ngành của tỉnh còn ngại rằng, nếu đến kiểm tra thì có thể làm nhà đầu tư kêu là bị gây khó khăn. “Có dự án đã xây dựng xong và khi chúng tôi kiểm tra hồ sơ của chủ đầu tư thấy có biên bản nghiệm thu công trình với đầy đủ chữ ký của các bên nhưng lại không hề có nội dung, số liệu của quá trình xây dựng kèm theo”, ông Quân cho hay.
Tất cả những điều này được ông Quân cho là “rất đáng báo động”, bởi nói đến thủy điện tức là nói đến hồ chứa và an toàn của dân cư ở xung quanh và các khu vực hạ lưu. “Nếu không giám sát chủ đầu tư xem họ có làm theo các quy định hiện hành và những gì đã được phê duyệt hay không thì hậu quả có khi khó lường. Vì thế chúng tôi phải nhắc nhở các địa phương, các Sở Công Thương về chuyện mình có quyền kiểm tra chủ đầu tư tuân thủ ít nhất là về hồ sơ giấy tờ và công tác thi công theo các quy định hiện hành trong quá trình triển khai dự án mà ở đây là theo Luật Điện lực, Nghị định 209/2004/NĐ-CP hay Quyết định 30/2006/QĐ-BCN…”, ông Quân nói.
Nói đến thủy điện tức là nói đến hồ chứa và an toàn của dân cư ở xung quanh và các khu vực hạ lưu. |
Với thực tế các đập thủy điện trên cùng một dòng sông đang được sở hữu, quản lý bởi nhiều đầu mối, việc phối hợp vận hành bậc thang thủy điện đang trở thành vấn đề cấp thiết. Cần phải có một cơ chế quản lý, vận hành thống nhất trong việc điều tiết nguồn nước. Ở đây cũng cần phải nói tới trách nhiệm của Bộ Tài nguyên Môi trường khi tới nay vẫn chưa ban hành được quy định vận hành liên hồ chứa để đảm bảo cho các nhà máy thủy điện vận hành tốt và phát huy được hiệu quả của các hồ chứa.
Tiến sĩ Đào Ngọc Tứ - nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cũng cho hay, việc phát triển ồ ạt các công trình thủy điện nhưng không được quản lý chặt chẽ như hiện nay khiến nguy cơ rủi ro luôn tiềm ẩn.“Những đơn vị tư nhân, những doanh nghiệp không có kinh nghiệm về thủy điện cũng làm thủy điện; các công trình hồ, đập chứa nước dùng cho thủy điện mạnh ai nấy làm và tự do vận hành, điều tiết - điều đó sẽ tạo nên những hệ lụy hết sức nguy hiểm” - ông Tứ nói.
Đáng nói là trong khi chưa quản lý được các dự án thủy điện hiện đã cấp phép trên địa bàn thì các địa phương lại đang lăm le mở rộng phạm vi cấp phép cho lĩnh vực thủy điện. Theo Bộ Công Thương, rất nhiều địa phương đề nghị cho UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động phát điện đối với các dự án có công suất lắp máy tới 10 MW, so với quy định hiện nay là 3 MW, bỏ thủ tục thỏa thuận đấu nối với Tập đoàn Điện lực đối với các dự án thủy điện nhỏ. Thực tế này cũng cho thấy, ý đồ khai thác tối đa lợi ích kinh tế từ những dòng sông, dòng suối, không cần biết đến hệ lụy sau đó, vẫn đang phổ biến ở các cấp chính quyền của những tỉnh có tiềm năng về thủy điện.
(Theo Xuân Diệu // Báo Doanh nhân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com