Đi dọc các khu tái định cư của thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, chúng tôi ngỡ như đi vào “mê hồn trận”, thật khó phân biệt đâu là công trường, đâu là khu tái định cư. Từng đoàn xe ôtô chở đồ đạc, người dân đổ ào xuống khu đất còn lạo xạo đá dăm và trong khói bụi mù trời rồi lại hối hả quay về chạy chuyến khác.
![]() |
Vừa đưa dân lên tái định cư vừa san gạt mặt bằng. Ảnh: Vũ Duy |
Không điện, thiếu nước uống, đặc biệt là thiếu rau xanh – đó là điều dễ thấy nhất tại một số khu tái định cư của thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Nhiều gia đình ở đây đã phải chuyển nhà đến ba lần mới có được đất tái định cư.
Dời nhà ba lần
Dừng tay bốc xếp những đồ đạc từ trên xe xuống khu tái định cư Bản Hốc, Lò Thị Đoan, 36 tuổi, dân tộc Thái kể hai năm qua, gia đình Đoan đã phải dời nhà đến ba lần. Lần thứ nhất, dời từ Bản Hốc đến nơi ở tạm chân suối Nậm Lay. Ở tạm được năm tháng thì trên lại yêu cầu chuyển tới khu vực khác để lấy mặt bằng san gạt nơi tái định cư. Sau khi mặt bằng được san gạt xong thì gia đình Đoan lại quay trở lại vị trí cũ nay đã được nâng lên trên cao độ 195m. “Người Kinh có câu ba lần chuyển nhà thì thành một lần cháy nhà còn người Thái chúng tôi cũng có câu tương tự ba lần dời nhà thì đi ăn mày!”, Đoan tếu táo nói.
Dẫn chúng tôi vào túp lều lợp tạm bên cạnh con đường đất bụi mù vì cứ chừng hai ba phút lại có xe tải chạy qua, Đoan cho hay mọi đồ đạc đều phải bọc gói bằng nilông để “trốn” bụi. Nhiều hôm mưa to, củi dự trữ cũng bị ướt hết nên có khi gia đình Đoan phải nấu một nồi cơm to dùng cho cả ngày. Tối đến vẫn phải dùng đèn dầu để thắp sáng. Nước dẫn về trên khe núi chỉ dùng cho ăn uống, còn tắm giặt và những sinh hoạt khác thì cả bản đều phải xuống suối Nậm Lay.
“Không những các hộ dân phải dời nhà ba lần mà ngay cả cơ quan nhà nước trên địa bàn thị xã Mường Lay cũng phải ba lần dời trụ sở”, ông Nguyễn Thanh Vụ, chánh văn phòng UBND thị xã Mường Lay cho hay. Ông Vụ kể thêm, từ tháng 6.2007, khi khu tái định cư Chi Luông chuẩn bị thi công, UBND thị xã ra thông báo cho các gia đình trong khu vực di chuyển để giải phóng mặt bằng. Cán bộ, đảng viên được vận động gương mẫu di chuyển sớm cho dân theo. Nhiều gia đình có “chức sắc” ở thị xã như chủ tịch hội Phụ nữ, bí thư Thị đoàn và ngay cả phó giám đốc ban quản lý dự án thị xã Mường Lay cũng phải đi thuê nhà, thuê đất dựng lều ở tạm. Suốt hơn ba năm thực hiện dự án, hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn phải sống cuộc sống tạm bợ trong những căn nhà tạm bợ… Trụ sở UBND thị xã hiện tại vẫn phải đóng nhờ tại trường THPT Nậm Cản.
Tại khu tái định cư Nậm Cản, khu tái định cư đầu tiên của thị xã Mường Lay được thành lập cách đây hơn hai năm. Cuộc sống của người dân tạm thời đã ổn định về nhà ở, có điện và nước nhưng vấn đề đi lại, giao thông cực kỳ khó khăn. Ngày nắng thì bụi mù và trời mưa thì lầy lội. Hơn hai năm nay, người dân ở đây hầu như không kinh doanh, không tăng gia sản xuất vì thiếu đất canh tác. Một số trường học mầm non của các khu tái định cư đã tạm thời đóng cửa, khiến các bậc cha mẹ vô cùng lúng túng vì vừa lo chuyển nhà, vừa lo trông trẻ.
Lúng túng tái thiết
“Vừa đưa dân lên tái định cư, vừa thi công giải phóng mặt bằng”, ông Đinh Tiến Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nói về thực trạng công tác tái định cư còn rất bộn bề, ngổn ngang của thị xã Mường Lay. Ông Dũng cho biết, mặt bằng thi công các công trình hạ tầng bố trí dân cư trên địa bàn thị xã Mường Lay rất khó khăn, phải di chuyển tạm nhiều lần; đất cho nông dân hạn chế không đủ để sản xuất. Công cuộc tái thiết thị xã theo quy hoạch để người dân ổn định cuộc sống như ban đầu phải mất 3 – 5 năm nữa.
Ông Thào Xuân Thơi, ở khu tái định cư Bản Ho cho biết, nền nhà của gia đình ông vẫn chưa được đầm và lu nền nên chưa dám dựng nhà. “Đành phải cất tạm một cái lều thôi”, ông Thơi nói. Bà vợ ông đứng bên cạnh, nước mắt lưng tròng nhìn xuống suối Nậm Lay, ngần ngại: “Đường xuống suối lấy nước xa quá, mình phải ở đây bao lâu thì mới có nước dùng?”
Không cây xanh, các khu tái định cư của Mường Lay như những công trường dã chiến. Đi mãi trong làn bụi đặc, chúng tôi gặp lác đác các hàng quán tạm bợ. Giá cả thị trường ngày 15.4 vừa qua tại chợ mới Nậm Cản khiến chúng tôi ngỡ ngàng: 1kg rau cải có giá 15.000 đồng, thịt lợn 100.000 đồng/kg. Chiều vào nghỉ tại khách sạn Lan Anh – khách sạn duy nhất của thị xã Mường Lay – hiện còn mở cửa đón khách, chúng tôi choáng váng khi nghe người đầu bếp hét giá với khách: 500.000 đồng/một con gà chừng 1,3kg. Bà Lê Thị Thuý, chủ khách sạn nói: “Các anh thông cảm, hơn ba năm nay, dân Mường Lay không sản xuất gì, mọi thứ đều trông chờ bạn hàng từ Lai Châu và Điện Biên vận chuyển lên, cước vận chuyển cao nên giá tăng như thế!”
(Theo Vũ Duy – Duy Thông // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com