Sữa bột ở hầu hết các siêu thị đều tuân thủ việc ghi nhãn tiếng Việt. |
Trước tình hình Trung Quốc đang thu hồi hơn 700 tấn sữa bột đang lưu thông trên thị trường do bị ô nhiễm hoá chất độc hại melamine và thông tin về các trường hợp tử vong và bị sỏi thận ở hàng chục trẻ sơ sinh do dùng sữa kém chất lượng, PV Lao Động đã khảo sát thị trường sữa TPHCM.
Sữa không xuất xứ vẫn tràn lan
Ngày 14.9, khảo sát thị trường sữa bột tại TPHCM cho thấy, so với năm 2004 - thời điểm thị trường sữa bột trong nước được nhiều người, cơ quan chức năng quan tâm đến do có thông tin khoảng 170 trẻ em Trung Quốc bị "Hội chứng đầu to" do dùng sữa kém chất lượng gây suy dinh dưỡng - hiện nay thị trường sữa bột TPHCM đã có một số thay đổi.
Điểm khác biệt rõ nét nhất là tại khu vực chuyên kinh doanh mặt hàng sữa bột Nguyễn Thông, quận 3 và các quầy hàng kinh doanh sữa bột ở một số chợ, hầu như các cửa hàng chỉ tập trung kinh doanh những loại sữa được đóng hộp, có bao bì - nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng như các loại sữa Enfa, Friso, Abbott, Dutch Lady, Nutifood, Meji, Dumex, Nestle...
Các loại sữa bột dạng cân ký, chứa trong túi nylon, không nhãn hiệu hầu như không thấy bán tại khu vực này. Tuy vậy, tại khu vực này vẫn xuất hiện các hộp sữa ngoại nhập - hoàn toàn ghi tiếng nước ngoài (theo dạng tiếng Hoa), không hề có nhãn phụ tiếng Việt được người bán giới thiệu là sữa bột của Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan...
Tại khu vực kinh doanh sữa đường Nguyễn Thông này, PV Báo Lao Động vẫn được những người bán giới thiệu đến cửa hàng H.Yến nếu muốn mua sữa dạng cân ký. Tại cửa hàng này hiện đang treo biển chuyên kinh doanh sữa béo, sữa gầy, bột dạng sữa và bày khá nhiều bao hàng dạng 50kg, nhưng có những bao hàng hầu như không ghi nhãn mác, thành phần trên bao bì. Được biết, các điểm kinh doanh sữa dạng cân ký bán lẻ, các mối lái mua hàng về tỉnh bán hoặc một số điểm có nhu cầu sữa bột về chế biến vẫn tìm đến nguồn hàng này.
Trong khi đó, tại khu vực chuyên kinh doanh thực phẩm ngoại - sữa bột đường Nguyễn Tri Phương, khách hàng vẫn có thể dễ dàng mua được các loại sữa bột dạng cân ký, không nhãn hiệu, xuất xứ, hạn dùng với giá chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Tương tự, tại khu vực chợ Bình Tây và rải rác một số cửa hàng khu vực chợ Kim Biên vẫn bày bán các loại bột sữa không nhãn mác, xuất xứ, hạn dùng được người bán giới thiệu là hàng của Thái Lan, Hà Lan, New Zealand kể cả Trung Quốc.
Chủ một cửa hàng kinh doanh sữa trên đường Nguyễn Tri Phương tiết lộ: "Nguồn hàng sữa bột dạng cân ký trên thị trường hiện nay chủ yếu là hàng trôi nổi, không có hoá đơn chứng từ. Giá cả của mặt hàng này cũng đủ loại từ rẻ nhất là 30.000 đồng đến 70.000 - 80.000 đồng/kg. Hàng của Trung Quốc có giá rẻ nhất. Do trên thị trường vẫn còn có nhu cầu mua sản phẩm này nên một số tiểu thương vẫn kinh doanh nguồn hàng này".
Kiểm soát chỉ là hình thức
Trong khi thị trường sữa bột đang khá hỗn loạn và đang là thị trường béo bở bởi thu lợi nhuận cao, nhất là đối với sữa không nhãn mác thì việc kiểm soát về chất lượng của các cơ quan chức năng lại chưa chặt chẽ.
Theo một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết: "Chủ yếu việc quản lý mặt hàng sữa bột được kiểm soát qua các hoá đơn chứng từ, nguồn gốc. Còn kiểm tra về chất lượng sản phẩm này, lực lượng QLTT không thể đánh giá qua cảm quan. Do vậy, để kết luận chất lượng sản phẩm sữa bột, đòi hỏi phải lấy mẫu kiểm tra. Việc làm này, chủ yếu chỉ áp dụng đối với những trường hợp kiểm tra phát hiện nguồn hàng không rõ nguồn gốc, chứng từ".
Hiện nay, chất lượng của các sản phẩm sữa bột trên thị trường hầu như dựa vào sự tự công bố của nhà sản xuất - nhà nhập khẩu, Nhà nước hầu như không quản lý gì về chất lượng ở khâu nhập sữa, ngoại trừ việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. "Một số cơ sở sản xuất sữa hiện nay thực chất là đóng gói sữa bột vào hộp. Nguyên liệu đầu vào có đảm bảo chất lượng - an toàn hay không?
Quá trình đóng gói có đảm bảo vệ sinh hay không đều còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, NTD lại ít quan tâm đến nguồn gốc, thành phần..." - một cán bộ QLTT cho biết thêm. Ngoài ra, qua khảo sát cho thấy, không chỉ những loại sữa không nhãn mác có nguồn gốc không rõ ràng, mà ngay cả một số sản phẩm của các Cty có tên tuổi cũng ghi rất chung chung về nguồn gốc nguyên liệu sữa.
(Theo LĐ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com