Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu xuân nói chuyện Sửu

Là con vật quen thuộc với người Việt, từ lâu hình ảnh một con trâu béo tốt hiền lành đang chậm rãi đi từng luống cày trên đồng ruộng đã trở nên một nét chấm phá tuyệt đẹp của  nông thôn Việt Nam. Chào năm mới Kỷ Sửu, hãy cùng tìm hiểu đôi nét về con vật đặc biệt này.


Theo tài liệu khoa học, trâu được chia làm 3 giống chính. Giống trâu hoang dã châu Á đang có nguy cơ tuyệt chủng, sống dưới chân dãy Hymalaya, trong vườn quốc gia Myanmar và khoảng 50 con được tìm thấy ở dãy Trường Sơn, Việt Nam. Giống trâu sông sống ở độ cao 2.800 m thuộc Nepal và vùng Nam Á. Cuối cùng là giống trâu đầm lầy được nuôi nhiều ở châu Phi và vùng Đông Nam Á. Đây là loài sinh vật thích nghi với hệ sinh thái đầm lầy, sống thành bầy đàn, có thủ lĩnh đầu đàn và cũng chính là tổ tiên của loài trâu nhà hiện nay tại Việt Nam.

 

Cách đây khoảng 6.000 năm, cùng với sự ra đời của nghề trồng lúa nước ở các thung lũng, sườn núi và đồng bằng ven biển, giống trâu hoang dã này đã được người nông dân thuần dưỡng để phục vụ cho công việc nhà nông. Trâu đảm nhận việc cấy cày, dọn cỏ, sục bùn, sửa soạn đất đai trồng lúa và làm vật hiến sinh trong nghi lễ nông nghiệp. Đồng hành cùng cuộc sống của người nông dân, dần dần nó trở thành người bạn, là cơ nghiệp, của cải quý giá của họ. Vì thế, dân gian ta có rất nhiều câu thành ngữ, tục ngữ liên quan mật thiết đến trâu như: “Làm nhà, lấy vợ, tậu trâu”, “Con trâu là đầu cơ nghiệp” hay “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”… Không những thế, họ còn xem nó như người bạn tâm giao, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, vui buồn: “Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta. Cấy cày vốn nghiệp nông gia, ta đây trâu đấy ai mà quản công. Bao giờ cây lúa còn bông, thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.  

 

Trong lịch sử quân sự, Đinh Bộ Lĩnh đã từng cưỡi trâu rước cờ lau tập trận cùng đám trẻ mục đồng, Lê Đại Hành lùa trâu cùng quân sĩ đứng bên hai bờ sông Hoàng Long thị uy lực lượng với sứ thần nhà Tống, trâu được cho uống rượu say để phá rối đội hình quân địch… Trâu bước vào đời sống văn hóa - tinh thần của người Việt trong các bức điêu khắc gỗ tại các đình làng cổ, tượng trâu bằng đất nung, vật trang trí hình đầu trâu bằng đá… có niên đại hơn 3000 năm.
 

 

Đặc biệt, dòng tranh Đông Hồ có một bức tranh chú bé thổi sáo trên lưng trâu rất nổi tiếng luôn được treo ở những nơi trang trọng trong dịp Tết. Tranh có bố cục chặt chẽ, đường nét hài hòa, màu sắc tươi sáng với các gam chủ đạo: đen, xanh, hồng, đỏ, nâu, trắng… thể hiện tình yêu và ước mong hòa hợp cùng thiên nhiên của người Việt. Chú trâu trong tranh cũng thật đáng yêu: đôi tai vểnh lên nghe tiếng sáo, chân nhảy tung tăng, chiếc đuôi phe phẩy…

 

Việt Nam có một truyền thuyết rất độc đáo về con trâu, được lưu truyền cho đến tận hôm nay. Chuyện kể rằng, xưa tại kinh thành Thăng Long có vị cao nhân đã thu hết đồng đen của phương Bắc đem đúc thành một chiếc chuông khổng lồ. Tiếng chuông đánh lên vang xa đến tận phương Bắc. Vì đồng đen là mẹ vàng nên con trâu vàng nơi này nghe thấy tiếng chuông bèn chạy đi tìm mẹ. Nhưng khi đến đây, nó quần thảo mãi mà không thấy mẹ, đất dưới chân sụt xuống tạo thành hồ Tây – một danh thắng nổi tiếng của thủ đô Hà Nội ngày nay. Sea Games lần thứ 23 được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2003, người ta đã chọn trâu vàng làm linh vật và tại quận Hai Bà Trưng có một con phố mang tên Kim Ngưu để kỷ niệm huyền thoại này.

 

Khắp nơi trên đất nước hình chữ S thân yêu, đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh con trâu trong những lễ hội văn hóa lớn, thu hút hàng triệu người dân tham gia. Đầu tiên, là lễ tạ ơn trâu của đồng bào Thái ở vùng núi Tây Bắc được tiến hành vào ngày 14/07 âm lịch. Ông thầy cúng khăn áo chỉnh tề, bê mâm cúng gồm: gà luộc, đĩa xôi, chai rượu, đĩa trầu cau, bó cỏ non, đến từng con trâu và đọc lời khấn vái, tạ ơn. Sau đó, chủ nhà tận tay đút cho trâu ăn những gói cỏ non có thịt gà và xôi, rồi thả nó ra rừng, kiêng mắng mỏ, không được đánh và bắt trâu làm việc nặng trong mấy ngày liên tục. Hằng năm, người dân xứ biển Đồ Sơn, Hải Phòng cứ vào ngày 10/08 âm lịch lại háo hức tham gia và cổ vũ cho lễ hội chọi trâu truyền thống. Đây là dịp các chủ trâu khoe tài chăm sóc và huấn luyện trâu, các con trâu tranh tài cao thấp. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có lễ hội đâm trâu truyền thống được tổ chức vào khoảng tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch với mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bày tỏ sự thành kính đối với thần linh…

 

Cuối cùng, nhân dịp xuân Kỷ Sửu, chúng ta hãy tìm hiểu một chút về những người cầm tinh con vật quen thuộc này nhé. Người ta cho rằng người tuổi trâu tính chậm chạp nhưng chắc chắn, là người khỏe mạnh, độ tin cậy cao, thích làm lãnh đạo, cần cù, làm việc không biết mệt. Tuy nhiên, họ là người bảo thủ, cố chấp, rất khó thay đổi quan điểm của mình. Họ ít nói và không thích đám đông nhưng nếu cần một lời khuyên chân thành, bạn nên tìm đến những người tuổi trâu.

 

(Theo travel)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Phong tục đón năm mới của dân tộc Tày
  • Mâm ngũ quả ngày Tết
  • Lễ hội mùa xuân: Nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa làng
  • Tục tảo mộ trong tâm thức người Việt
  • Những điều cần thực hiện trước giao thừa
  • Làng gốm thủ công Phù Lãng
  • Cơ hội mới cho Kiên Giang
  • Chắp cánh cho tre, trúc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com