Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Di sản Hội An qua bảng hiệu

Ít người biết, hành trình của những bảng hiệu nhà buôn chính là hành trình hình thành và phát triển của khu đô thị cổ Hội An (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) - Di sản Văn hoá Thế giới. Không đâu như ở di sản này, nơi mà quá khứ đến hiện tại và cả tương lai vẫn luôn gắn với quá trình mở cửa giao thương, những bảng hiệu nhà buôn lại "nói" được nhiều điều đến thế.

Những bảng hiệu kinh doanh từ tận thế kỷ XVIII đến bây giờ vẫn nghiễm nhiên an ngự trên các ngôi nhà cổ vẹn nguyên, như một lối viết sử độc đáo chỉ có ở Hội An, như kể về những thăng trầm của phố, kể về những con người, những gia tộc, những nhà buôn nổi tiếng "khu kinh tế mở" này từ thuở mới hình thành ở xứ Đàng Trong cho đến ngày nay.
 
"Văn hoá bảng hiệu"
 
Ở những trục đường trong khu phố cổ, những bảng hiệu buôn cổ nằm trên đôi mắt cửa - cũng là một nét kiến trúc độc đáo của Hội An - tạo cho mỗi ngôi nhà cổ một dấu ấn riêng biệt. Những bảng hiệu buôn rất đa dạng và trang trọng cứ ngời ngời khắp phố rất dễ khiến du khách bắt mắt. Các tuyến đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học hay Trần Quý Cáp tập trung "dày đặc" đến 75 bảng hiệu, gắn liền với tên các hiệu buôn của người Việt, người Minh Hương và người Việt gốc Hoa. Đường Nguyễn Thái Học cũng có 40 bảng hiệu buôn như vậy.
 
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, có đến 45 bảng hiệu buôn niên đại từ 100 đến 200 năm, 30 bảng hiệu buôn dưới 100 năm tuổi. Nhiều tên hiệu buôn đến giờ vẫn còn được nhiều người nhắc đến, vốn nổi tiếng một thời ở Hội An và cả xứ Đàng Trong thuở trước như Đức Hưng, Xán Thạnh, Vạn Bửu, Tấn Ký, Tường Lan, Chấn Nam Hưng, Thuận An đường, Quân Thắng Sạn...
 
Bà Thái Thị Sâm (90 tuổi, nhà số 77 đường Trần Phú) hồi tưởng: "Bảng Quân Thắng Sạn viết bằng tiếng Hoa treo trước cửa ra vào nhà này vốn có từ hồi ông nội tôi mới mở nghiệp buôn bán tảo tần, hơn 200 năm rồi chứ không ít đâu. Cái bảng hiệu ni nhiều lần chuyển dời chừ mới an trí ở đây, dẫu không còn buôn bán như xưa nhưng giá nào cũng giữ cho bằng được tên tuổi ông bà, giữ nền nếp nhà từ thuở hàn vi lao khổ làm ăn cho con cháu noi theo".
 
Lần theo lai lịch của tấm bảng hiệu cổ kính Quân Thắng Sạn, thì ngay nơi nó được an ngự cũng chính là một trong những ngôi nhà đẹp nhất di sản Hội An, tiêu biểu cho lối kiến trúc vùng Hoa Hạ - Trung Hoa, chủ nhân hiện tại là ông Diệp Bảo Hùng, thuộc thế hệ thứ 7, chắt ngoại của một thuyền trưởng người Hoa tên là Thái Kế Trinh, chuyên buôn thuốc Bắc từ Trung Hoa sang các nước Châu Á.
 
Theo khảo sát của Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, các chủ bảng hiệu luôn cùng chung quan niệm chọn kích thước trong cung tốt của thước Lỗ Ban như các cung tấn tài, trường mạng, đăng khoa, nhằm tôn kính, cầu mong hưng thịnh, phát đạt. Tuy vậy, giữa "một rừng" bảng hiệu buôn, vẫn có thể dễ dàng nhận ra bảng hiệu mỗi nhà mỗi khác về quy cách kích cỡ, trang trí...
 
Hầu hết bảng hiệu của người Hoa đều viết bằng chữ Hoa theo lối chân phương, tên hiệu mang từ Trung Hoa sang với chữ viết luôn thể hiện khí sắc thanh thoát. Bảng hiệu gỗ thì chạm nổi, đục lõm, thếp vàng. Các bảng hiệu Chấn Nam Hưng, Tường Lan, Tấn Ký được trang trí hoa dây, lá ngọc, hồi văn hay lưỡng long tranh châu, chim hạc, xung quanh có hoa vải đỏ.
 
Lại có một số bảng hiệu làm bằng bêtông đắp nổi trên tường, xung quanh trang trí một hay nhiều đường chỉ và hồi văn như Thái Vĩnh Xương, Nam Phát, Cẩm Thạch...
Giá trị truyền thống
 
Việc đặt tên bảng hiệu buôn cũng thể hiện lịch sử vùng đất mở Hội An, vốn là thương cảng được hình thành bởi chính sách "mở cửa giao thương" của nhà Nguyễn xứ Đàng Trong, với các dân tộc Việt, Hoa, Nhật, Hà Lan... mở mang nghề buôn bán. Các tên bảng hiệu buôn luôn mang theo những ý nghĩa tốt lành, kết hợp giữa tên chủ nhân với tên chữ.
Đặc biệt, nhiều tên hiệu đặt theo tên địa phương Hội An kết hợp với tên chữ riêng như Hoà An đường, Chấn Nam Hưng, Bảo An Long, Nam Phát, An Thái... Sở dĩ như vậy vì người Hoa các bang Phúc Kiến, Triều Châu, Gia Ứng, Hải Nam, Quảng Đông ở Hội An muốn thể hiện ý nguyện an cư lập nghiệp ở vùng đất phương Nam này và cầu mong mọi việc phát triển thịnh vượng.
 
Hơn thế nữa, cách ứng xử với bảng hiệu buôn cũng bộc lộ đặc trưng tính cách con người Hội An. Hằng năm, bảng hiệu buôn được lau sạch bằng khăn thấm rượu chứ không dùng chổi quét cũng như không bao giờ sơn phết lại. Ngày Tết, các bảng hiệu được trang trí hoa vải đỏ, bên dưới dán tờ xuân liên với nội dung "Xuất nhập bình an" hay "Tài nguyên quảng tấn"... Hai bên cửa thường dán câu đối xuân mang ý nghĩa cầu chúc buôn bán phát đạt.
 
Mỗi khi treo bảng hiệu, chủ nhân thực hiện đủ các lễ nghi như xem ngày, giờ và chọn cả người chủ tế. Lễ vật bao giờ cũng có hoa, quả, trầu, cau, rượu, xôi, gà, thịt, vàng bạc, hương trầm và tờ khai trương hồng phát. Riêng hiệu buôn người Hoa, lễ vật có thêm tô mì ống và miếng giấy đỏ đặt trên con gà và đĩa xôi nhằm hướng đến sự trường tồn, may mắn. Trong khi cúng khai trương có người mua hàng thì tiền bán hàng sẽ được cất cẩn thận để năm sau mới dùng.
 
Đối với các hiệu thuốc Bắc, ngày khai trương bán được cam thảo thì sẽ mua may bán đắt, hàng ngày tuyệt đối không được phá cốt giã và bàn tán (chày, cối). Trong thực tế, nếu tiệm thuốc nào chuyển nghề thì cốt giã và bàn tán vẫn giữ lại vì nó mang ý nghĩa phồn vinh, rất được quý trọng. Mới đây, nhà Thuận An đường đã gửi cốt giã và bàn tán về bản quán Trung Hoa sau khi nghỉ nghề làm thuốc.
 
Bà Lê Thị Tuấn - cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An - cho biết: "Từ mấy thế kỷ qua, hoạt động thương mại luôn là nền tảng của Hội An, chính vì thế mà chủ hiệu buôn rất coi trọng bảng hiệu. Bảng hiệu chính không bao giờ thay đổi vị trí, phải đặt nơi khang trang và xoay theo hướng nhà. Mỗi hiệu buôn có từ 2 đến 4 bảng hiệu, một treo giữa căn trung xoay theo hướng nhà, một bảng ở gian tiếp khách xoay vào bàn thờ, còn lại treo ngoài hiên hoặc hai bên cửa hiệu. Ngay cả khi chuyển đổi nghề, bảng hiệu vẫn luôn được giữ nguyên như một sự tôn kính truyền thống".

Ý nghĩa hiện đại
 
Quả thật hiếm thấy ở đâu ngoài Hội An, những tấm bảng hiệu buôn chứa đựng bên trong nó nhiều giá trị văn hóa vật thể lẫn phi vật thể như vậy. Từ việc nhìn thấy bảng hiệu, đến tiếp xúc với chủ nhân của nó, có thể tìm hiểu cả đời sống sinh hoạt, tập quán và quá trình buôn bán của từng gia đình, dòng tộc cũng như sự hưng thịnh của đô thị Hội An từ quá khứ đến hiện tại. Chính vì thế, cũng ít có nơi nào khác ngoài Hội An, chính quyền lại có một quy chế riêng để quản lý bảng hiệu buôn như vậy.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng Phòng VHTT-TDTT Hội An - cho biết: "Từ năm 1997, Hội An đã có quy định về bảng hiệu trong khu phố cổ với những nguyên tắc chặt chẽ dựa trên cách thức sử dụng của các bảng hiệu buôn từ xưa đến nay. Một khi quản lý tốt các hình thức quảng cáo, với nét độc đáo của Hội An là những bảng hiệu buôn có giá trị đặc biệt, thì Hội An mới có thể vừa bảo vệ được di sản, vừa phát triển kinh doanh, buôn bán trong hiện tại để phục vụ đời sống".
 
Quy chế Quản lý bảng hiệu "chẳng đụng hàng" của Hội An cũng có lắm điều khác lạ. Đầu tiên là quy định bảng hiệu không được ảnh hưởng đến cảnh quan chung của phố cổ. Bảng hiệu phải được trình bày rõ ràng, dễ hiểu, tránh nhầm lẫn và phù hợp với văn hoá phong cách truyền thống Hội An, khuyến khích đặt bảng hiệu mang tính truyền thống, đậm nét cổ xưa.
 
Cụ thể hơn nữa, là các quy định kích thước ngang bảng hiệu không quá 1/3 chiều ngang mặt tiền kinh doanh. Mỗi mặt tiền kinh doanh chỉ được treo một bảng hiệu và không được che lấp chi tiết kiến trúc cũng như mái ngói nhà cổ.
 
Trong khu vực I của phố cổ, các bảng hiệu phải dùng màu sắc nâu, đá, vàng sẫm, khuyến khích bảng hiệu làm bằng chất liệu gỗ và nghiêm cấm sử dụng cót ép, nilon, hộp đèn formica, vải màu sặc sỡ. Riêng chữ viết trên bảng hiệu phải là tiếng Việt, nếu dùng chữ nước ngoài thì tiếng Việt viết trước, phía trên, kích thước lớn hơn chữ nước ngoài...
 
Hiện nay, trong gần 1.000 bảng hiệu ở phố cổ thì có đến 70% được làm bằng chất liệu gỗ với nhiều cách thức trang trí theo phong cách cổ xưa. Vấn đề còn lại là Hội An làm sao giới thiệu một cách hệ thống "văn hoá bảng hiệu" độc đáo này đến du khách như một sản phẩm văn hoá du lịch "độc nhất vô nhị". 


( theo báo xây dựng )

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Mùa sứa ở Vạn Gia
  • Bình yên biển Ninh Thuận
  • Nắng chiều Tây Bắc
  • Những truyền thuyết về Thất Sơn kỳ bí
  • Vẻ đẹp Phú Yên
  • Xóm tượng cầu ông Buông
  • Phát hiện 36 hang động tuyệt đẹp ở Quảng Bình
  • Khám phá Cần Giờ bằng xe buýt
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com