Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày 13 tháng Giêng (26/2/2010) hàng năm, các anh hai, chị hai quan họ vùng Kinh Bắc và hàng vạn du khách thập phương nô nức trẩy hội Lim.
![]() |
Đồi Lim nơi diễn ra lễ hội - Ảnh Chinhphu.vn |
Đến với hội Lim (thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh), một lễ hội truyền thống đặc sắc, du khách được thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, say đắm. Đặc biệt, khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận dân ca quan họ là di sản văn hóa thế giới thì hội Lim còn góp phần đáng kể vào việc giữ gìn và phát triển loại hình văn hóa nhân loại này.
Nét độc đáo hội Lim
Trong suốt hai ngày ở làng Lim, một trong 49 làng quan họ cổ, chúng tôi được gặp các liền anh, liền chị đang say sưa luyện hát quan họ để đón khách bốn phương đến với lễ hội.
Ông Bạch Công Thưởng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lim, Phó trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: “Hội Lim là một trong những lễ hội nổi tiếng, có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần, văn hóa đối với người dân địa phương và thu hút hàng vạn người dân ở khắp nơi đến trẩy hội. Chúng tôi xác định việc tổ chức lễ hội phải coi trọng nét đẹp truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa của ông cha”.
Hàng năm, người dân làng Lim (nay là thị trấn Lim) đều tổ chức lễ hội từ ngày 12 tháng Giêng (25/2/2010) và đến ngày 13 là chính hội, vừa để các chị hai, anh hai đến hát quan họ kết bạn giao duyên vừa để giữ gìn một nét văn hóa đặc sắc vùng Kinh Bắc.
![]() |
Các liền anh, liền chị hát quan họ tại hội Lim - Ảnh Chinhphu.vn |
Hội Lim năm nay mở rộng hình thức hát giao lưu quan họ tại nhà 8 gia đình nghệ nhân quan họ trong các thôn Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông thuộc thị trấn Lim.
Ban tổ chức đã phân công lực lượng đưa đón khách đến nghe quan họ và giao lưu với các liền anh, liền chị. Các lán quan họ dựng bằng khung cố định, giả mái ngói, mang dáng dấp hiện đại và sân khấu được dựng lên quanh khu đồi Lim phục vụ các du khách yêu dân ca quan họ.
Để đảm bảo không gian truyền thống của lễ hội, Ban tổ chức phân các hàng quán thành một số khu dịch vụ như khu bán đồ lưu niệm, khu văn hóa ẩm thực và khu tổng hợp ở xung quanh khu vực hội.
Tối ngày 12 và ngày 13 các gia đình trong làng tổ chức hát tại tư gia. Vào hai buổi tối này, các gia đình mời những bạn bè gần xa yêu quan họ hoặc các liền anh, liền chị quen biết tại lễ hội về hát tại nhà mình, có khi hát suốt đêm. Hát tư gia vừa thể hiện tinh thần hiếu khách của người quan họ vừa thắt chặt tình cảm bạn bè, tình làng nghĩa xóm.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ nhiệm câu lạc bộ quan họ người cao tuổi huyện Tiên Du |
Trong một canh hát đối quan họ bao giờ cũng phải trai qua ba giai đoạn. Mở đầu là giọng lề lối, những bài hát ở giọng này thường là những bài hát khó, đòi hỏi giọng hát phải trong sáng, đầm ấm. Đây là giai đoạn dọn giọng để người hát hát đúng với âm điệu quan họ. Tiếp theo là giọng vặt, giai đoạn này có nhiều bài hát quan họ nhất, nội dung thể hiện mọi mặt hoạt động của cuộc sống đời thường. Cuối cùng là giọng giã bạn là những bài hát ẩn chứa nỗi niềm nhớ nhung, luyến tiếc.
Giữ gìn di sản văn hóa cho đời sau
Bà Nguyễn Thị Nhung chủ nhiệm Câu lạc bộ quan họ người cao tuổi huyện Tiên Du chia sẻ: “Việc lưu truyền những làn điệu quan họ cho con cháu đời sau luôn được những người cao tuổi và người dân ở đây quan tâm, tất cả đều bắt nguồn từ niềm đam mê, tình yêu quan họ”.
Ngay từ năm 2000, Câu lạc bộ quan họ người cao tuổi đã mở các lớp dạy hát quan họ miễn phí cho mọi lứa tuổi tại đình làng. Hàng ngày, nhiều thành viên trong câu lạc bộ tranh thủ những lúc các cháu không phải học tập để dạy các cháu nhỏ hát quan họ và vận động những người yêu thích quan họ ở địa phương đến tham gia sinh hoạt.
Thêm vào đó, ở mỗi làng đều tổ chức xây dựng từ một đến hai câu lạc bộ quan họ để người dân tham gia hát và dạy hát quan họ được thường xuyên, có bài bản. Nhờ vậy, người dân ngày càng yêu thích, gắn bó với quan họ hơn, số người tìm đến học hát quan họ ngày càng nhiều hơn.
Đến nay, câu lạc bộ đã mở được bốn lớp dạy hát quan họ tại các làng và một lớp học thường xuyên vào buổi chiều Chủ nhật hàng tuần tại trung tâm văn hóa huyện cho người dân địa phương và các huyện khác trong tỉnh.
![]() |
Các chị hai quan họ đã sẵn sàng cho hội Lim - Ảnh Chinhphu.vn |
Trong gần 10 năm hoạt động, các lớp dạy hát quan họ đã giúp hàng trăm học viên biết hát quan họ, trở thành những anh hai, chị hai quan họ thực thụ. Đặc biệt, không ít người yêu thích quan họ ở Hà Nội và những nơi khác đã tìm đến học hát các làn điệu quan họ tại đây.
Ông Nguyễn Hữu Thoa, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ quan họ người cao tuổi, một trong những nghệ nhân quan họ, cho biết trong gia đình, các nghệ nhân đều chú trọng việc truyền dạy hát cho con cháu, nhất là những cháu nhỏ, có những cháu mới chỉ 7 - 8 tuổi đã có thể hát được quan họ.
Các câu lạc bộ quan họ trong các thôn đều tiến hành sinh hoạt hàng tháng ở đình làng. Ngoài ra, các câu lạc bộ còn phục vụ hát quan họ cho các gia đình mỗi khi có đám cưới hay đám chúc thọ. Từ đó, các làn điệu quan họ dần dần ngấm vào máu giới trẻ, lan tỏa đến từng người dân.
Chỉ tay vào cô cháu gái Nguyễn Thùy Trang ngồi bên cạnh, mới 12 tuổi (đang học lớp 4), ông Thoa khoe với chúng tôi, cháu Thùy Trang đã hát được một số bài quan họ thông thường. Như một lẽ tự nhiên, cô bé Nguyễn Thùy Trang nhẹ nhàng cất lên những câu hát say đắm, người ơi, người ở đừng về…
(Theo Nguyễn Thắng // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com