Ngay từ những ngày đầu tháng năm âm lịch, các gia đình ở làng Tó (Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) đã tấp nập đong gạo, đồ xôi, ủ rượu nếp để chuẩn bị cho Tết giết sâu bọ vào mùng năm.
Đến làng Tó những ngày này, đâu đâu cũng thấy người ta nhộn nhịp nổi lửa đồ xôi, vào men, ủ rượu. Nhà nào nhà nấy lá sen tươi để thành từng xếp, xôi nếp trắng, nếp cẩm được rải tràn trên các tấm nia. Tiếng giã men thậm thịch vang xa... Chị Duyên tay thoăn thoắt xới mẻ xôi cuối cùng trong ngày cho kịp vào men, nói: “Rượu nếp có hai loại, một làm từ nếp trắng, một làm từ nếp cẩm. Chỉ riêng dịp này mới có lá sen để gói ủ rượu, hương nếp quyện với hương sen sẽ làm rượu rất thơm”.
Cũng theo chị Duyên, đây là thời điểm sôi động nhất ở làng nghề rượu nếp: “Quanh năm phải đạp xe đi bán rong, đây là dịp cánh rượu nếp chúng tôi được nở mày, nở mặt vì được đặt mua nhiều”.
Trung bình mỗi ngày, chị Duyên làm 3 - 5 kg gạo xôi ủ rượu nếp để chở đến các phố trong nội thành bán rong. Nhưng đến dịp Tết Đoan ngọ, chị đong đến gần một tạ gạo. Chị bảo: “Toàn người quen đặt mua để ăn Tết giết sâu bọ thôi. Người một cân, người vài ba cân làm quà biếu người thân, bạn bè”. Chồng chị Duyên mất sớm từ hơn hai chục năm nay. Nhờ gánh rượu nếp, chị đã nuôi cô con gái nên người.
Vào dịp này, nhà nào ở làng Tó ít cũng phải làm 10 - 15 kg gạo nếp để ủ cơm rượu, còn trung bình mỗi hộ làm khoảng 80 - 100 kg. Cá biệt có nhà anh Dũng, chị Thắm làm tới 500 - 600 kg để phục vụ khu vực nội thành. Với khoảng 13.000 - 15.000 tiền lãi cho mỗi kg gạo nếp, riêng Tết Đoan ngọ, các hộ thu về ít nhất cũng 1 - 2 triệu đồng tiền lãi, hộ nhiều có khi tới hàng chục triệu đồng.
Ở làng Tó Tả, không ai nhớ được nghề làm rượu nếp có từ bao giờ. Người già kể, xưa có một cô gái dịu dàng, nết na, chăm chỉ về làm dâu làng Tó, mang theo về nghề làm rượu gia truyền. Ngày Tết Đoan ngọ, cô lặng lẽ dâng lên cha mẹ chồng món rượu nếp đặc trắng. Người trong làng được mời thưởng thức, thấy lạ mà ngon, bèn đề nghị cô truyền lại. Từ đó, dân làng Tó không chỉ quẩn quanh với công việc đồng áng mà còn có thêm nghề làm cơm rượu.
Bà Thủy, 60 tuổi, người xóm Văn Lâm, cho biết từ nhỏ bà đã thấy ngoại mình bảo đấy là nghề gia truyền. Ngoại bà cũng là người làm cơm rượu ngon có tiếng trong làng. Ngày ngày, cụ quảy trên vai đôi quang gánh, đi bộ lên mãi tận Ô Chợ Dừa để bán. Nhẩm tính từ đời cụ ngoại đến đời bà Thủy cũng trên 100 năm. “Đời bà tôi làm rượu nếp, đến mẹ tôi và giờ đến tôi và các con gái tôi”, bà Thuỷ nói.
Cũng theo bà Thủy, rượu nếp chủ yếu là đi bán rong nên hầu như đây là nghề dành cho phụ nữ, đàn ông chỉ phụ giúp vài khâu như nhóm bễ, thổi lò… Sáng sáng, phụ nữ theo các chuyến xe khách, xe lam vào nội thành để tiêu thụ hàng, đấy là chưa kể đội ngũ các bà, các chị bán rong, gánh hoặc đạp xe tới khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố đi rao. “Làm nghề này được cái không bao giờ lỗ. Sản phẩm chẳng may hỏng, ế đều không phải bỏ đi mà có thể tận dụng để ngâm nấu rượu, chăn nuôi được”, bà Thủy nói.
Làm rượu nếp cũng khá công phu. Xưa, cơm rượu được làm bằng hạt thóc trồng ngay trên đồng đất quê hương. Người làng Tó xưa gọi món này là rượu nếp gảy vì hạt gạo nếp sau khi đã được sàng sảy sạch, đồ chín hai lượt, để nguội rồi ủ men ba ngày trở nên tơi, săn và thơm, đến độ rượu sẽ tiết ra nước cốt màu vàng nâu, thơm, cay mà ngọt. Khi mang đi bán, các bà, các mẹ dùng đũa gảy ra cái bát nhỏ, rồi tưới nước cốt vào để ăn. Người bán gảy càng khéo, bát càng đầy nhanh, trông tơi ngon, bồng bềnh mà bán có lãi, nếu gảy vụng thì vừa tốn, ít lại, vừa trông không ngon mắt.
Làng Tó Tả đang trong quá trình đô thị hóa, ruộng đất cũng ít đi nhiều. Vì thế, người làm rượu nếp không còn phải qua các khâu giã, dần, sàng gạo mà mua gạo từ các thương lái; men khô cũng được bán khắp các chợ nên không cần dùng công tự chế như xưa. Cách bán cũng thay đổi khá nhiều. Nếu xưa kia, dân làng Tó thường để sản phẩm trong một cái rá tre, dưới đáy lót một lớp lá chuối tươi, bên trên đậy miếng vải màn trắng muốt. Chiếc bát sành được đặt ở dưới để hứng chất nước men sánh ngọt và cay dịu màu vàng, đỏ. Mỗi khi đầy bát, cô bán hàng lại rót vào cái bình để khi có khách thì rưới lên bát cơm rượu. Chiếc rá tre ngày nào giờ cũng được thay bằng chiếc chậu, xô nhựa nhỏ xinh, nước rượu tiết ra được giữ lại ở phía dưới… Cách làm, cách bán của người làng Tó nay tuy có khác nhưng hương vị rượu nếp nơi đây vẫn không hề thay đổi.
Mấy năm nay, những người sành ăn ở nội thành thường kết hợp sữa chua với nếp cẩm. Vì thế, món đặc sản làng Tó không chỉ thịnh vào dịp Tết giết sâu bọ mà nhanh chóng trở thành món quà quê thời thượng. Thế là làng rượu nếp lại có thêm “đất dụng võ”, sản phẩm được làm nhiều hơn. Nhiều hộ gia đình không chỉ sống được mà còn khấm khá lên nhờ rượu nếp.
Theo truyền thống, trong ngày Tết Đoan ngọ, mùng 5/5 âm lịch, gngoài việc cúng lễ, người dân còn có tục ăn các món giết sâu bọ, nhuộm móng chân, móng tay, đeo bùa, tắm nước lá, khảo cây lấy quả, đi sêu... Ở miền Bắc, đến nay, tục giết sâu bọ là phổ biến hơn cả. Dân gian quan niệm rằng trong cơ quan tiêu hoá của con người có các loại sâu bọ gây hại, nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mùng 5/5 là chúng thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn đặc biệt, chẳng hạn như rượu nếp, để loại bỏ chúng.
(Theo Vân Nhi // Hanoimoi Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com