Nằm ngay dưới chân núi Tuyết Sơn, giữa cánh đồng mênh mông có một ngôi chùa cổ kính được xây dựng từ năm 1801. Trải qua thời gian với nhiều đổi thay của thời cuộc, ngôi chùa đã xuống cấp trầm trọng và đang kêu cứu...
Cho đến nay, sau hơn 200 năm tồn tại, ngoài sự chăm sóc của các bô lão và người dân trong làng, ngôi chùa không nhận được sự quan tâm chính đáng của chính quyền địa phương và di tích này gần như bị bỏ hoang giữa cánh đồng.
Phải đi men theo những quả núi cao, chằng chịt những hố rãnh sâu hoắm bị nước sói mòn, băng qua một ngôi làng nhỏ, thưa thớt dân cư, chúng tôi mới đến được xóm 8, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) để tận mắt chứng kiến một ngôi chùa được xây dựng vào năm đầu tiên của thế kỷ XIX đã gần như bị lãng quên - chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát.
Theo ghi chép còn lại của làng, thực địa nguyên thủy của chùa được xây dựng trên một khu đất có chiều dài 85m, chiều rộng 82m, tổng diện tích lên đến 6970m vuông. Chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát là một ngôi chùa lớn và quan trọng về giá trị văn hóa và tâm linh lúc bấy giờ. Cấu trúc của chùa gồm chùa Thượng và chùa Hạ, lợp ngói vảy cổ kính. Phía trên cửa cổng chùa Thượng đắp nổi hình con Hổ Long lớn. Phía trong chùa trên vẽ hình 2 con rồng chầu mặt nguyệt lẫn vào các đám mây đoạn khuất, đoạn hở, nhiều pho tượng đồng, tượng gỗ được đúc, chạm khắc tinh xảo...
Các vị bô lão trong làng cho biết, chùa Bạch Y Tuyết Sơn Bồ Tát là một ngôi chùa thiêng. Khoảng năm 1972 - 1973, một trại nuôi lợn được chuyển đến ngay bên cạnh ngôi chùa, trong năm đó, một con lợn mẹ đã đẻ ra một con voi con. Ngay sau đó, con voi con chết, được người dân trong làng chôn cất trên một gò nhỏ cạnh chùa rồi thờ cúng từ đó.
Cho đến tận bây giờ, những người trong làng qua cổng chùa đều phải bỏ nón, khom người và thành kính nếu không sẽ bị “ngài quở” sinh ốm đau. Chính vì ngôi chùa linh thiêng như vậy mà người dân trong làng vẫn đều đặn hàng trăm năm nay đều tổ chức lễ bái vào các ngày rằm tháng giêng, 19/01 âm lịch, 03/03 âm lịch, 10/10 âm lịch.
Không chỉ mang giá trị tinh thần, ngôi chùa này còn chứng kiến và tham gia vào nhiều biến cố lịch sử. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, do địa thế nằm giữa cánh đồng, chùa đã được dùng làm nơi huấn luyện dân quân, du kích địa phương. Vườn chùa qua nhiều năm tháng là nơi diễn ra các cuộc họp bí mật của Đảng bộ địa phương và nhiều cán bộ lão thành cách mạng.
Đặc biệt, theo sách vở ghi chép để lại, chùa từng có một tấm bia đá lớn có 17 dòng chữ Hán được khắc theo hàng dọc từ trên xuống ghi lại sắc chức các vị quan tướng có công. Sau nhiều năm bị mất tích, mới đây người dân trong vùng đã tìm được phần chân của bia đá. .
(Theo Dân Trí)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com