Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Paul Krugman: Khủng hoảng có thể đã chạm đáy

Cần kích cầu nội địa để giảm suy thoái là lập trường của GS. Paul Krugman.

“Một trật tự mới sẽ được thiết lập và thế giới sẽ không bao giờ quay trở lại như trước khủng hoảng”.

GS. Paul Krugman - chủ nhân duy nhất của giải Nobel Kinh tế 2008, người vừa được tạp chí Time bình chọn là một trong “20 nhà khoa học và nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2009” - tin tưởng như vậy. Ông cho rằng, thế giới sau khủng hoảng sẽ cân bằng hơn, và sẽ không còn “kịch tính” trong thâm hụt và thặng dư.

Ngày 21/5 tại Tp.HCM, hội thảo “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Paul Krugman, nhân chuyến thăm của ông tại Việt Nam từ ngày 20 - 22/5.

Tại đây, ông đã có một cuộc bàn luận sôi nổi, thú vị với gần 700 cử tọa là các nhà hoạch định chính sách, các học giả, các nhà nghiên cứu kinh tế và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực.

Sau khi phân tích khái quát tình hình diễn biến khủng hoảng từ vài năm trở lại đây ở góc độ toàn cầu, nhất là cuối năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, GS. Paul Krugman cho rằng kinh tế thế giới đặc biệt là Mỹ, EU, Nhật Bản,... đã có dấu hiệu chững lại và không có hiện tượng rơi tự do như những lần suy thoái kinh tế trước.

Từ đó, ông cho rằng “cuộc khủng hoảng có thể đã thực sự chạm đáy, bởi sự kiện bong bóng nổ chỉ diễn ra một lần, không có tính liên tục, cùng lúc với việc chính phủ các nước đã có các gói giải cứu khá hữu hiệu tuy chưa đủ sức để kéo lại hoặc chặn đứng sự tuột dốc này!”.

Cần kích cầu nội địa để giảm suy thoái là lập trường của GS. Paul Krugman. Theo ông, để phát triển nhanh chóng, nhất là đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, tư duy chiến lược dựa vào xuất khẩu vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu. Nhưng chính điều này đã làm cho các nước vốn dựa vào xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn khi gặp suy thoái từ các quốc gia nhập khẩu.

Bởi vậy, ông cho rằng ít nhất trong ngắn hạn, kích cầu nội địa là một việc làm vô cùng cần thiết để vượt qua khủng hoảng; và riêng đối với các nước đang phát triển, điều này sẽ góp phần đẩy nhanh việc “giải cứu” nền kinh tế thế giới mau thoát khỏi suy thoái.

Trước một vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra là, liệu kích cầu nội địa có dẫn đến tình trạng lạm phát gia tăng trong tương lai, GS. Paul Krugman cho rằng lạm phát hoàn toàn không phải là vấn đề xấu, giảm phát mới là vấn đề làm thế giới lo ngại.

Bởi trên thực tế, đã xảy ra hiện tượng nhiều người dân có tiền nhưng không dám tiêu xài, các ngân hàng được bơm tiền nhưng lại ngần ngại trong cho vay. Ông gọi đây là hiện tượng “lạm phát âm”.

Gói kích cầu tiêu dùng nội địa mà chính phủ các nước đã và đang áp dụng, theo GS. Paul Krugman là chưa thực sự đủ mạnh. Ông cho rằng phải tăng gấp đôi số tiền mà các chính phủ bơm vào gói kích cầu này.

Ông cũng ủng hộ những giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đưa ra và cho rằng, có thể Việt Nam là một trong những bài học về sự thành công trong vượt qua khủng hoảng.

Và một điều cực kỳ quan trọng, theo GS. Paul Krugman là: “Đừng bỏ tiền chính phủ vào các công cụ tài chính phát sinh, bởi không nhiều người hiểu rõ về nó!”.

(Theo Xuân Thái // Vneconomy)

  • Từ Fukuzawa Yukichi nhìn về Nguyễn Trường Tộ
  • George Box và hành trình đến khoa học thống kê
  • John Mackey: nhà quản lí vĩ đại?
  • Học hỏi từ mọi người
  • Sử gia kinh tế hàng đầu Đặng Phong qua đời
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com