Emerging Markets – những thị trường mới nổi – là cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong Hội nghị NetEvents APAC Press Summit 2009 diễn ra hồi đầu tháng 6 ở Singapore như một cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau, nhưng điều đáng nói là những thị trường này cũng đang thay đổi nhanh chóng.
Trong bài phát biểu “Những cơ hội tiềm năng cho các thị trường mới nổi”, ông Sunil Johsi, Chủ tịch Tata Communications Enterprise, cho biết Tata đã đạt được mức tăng trưởng 20% bất chấp những thách thức trong môi trường kinh doanh mà họ đang đối mặt.
“Kết quả này chứng tỏ chiến lược của Tata nhắm vào các thị trường mới nổi và cách liên kết những thị trường đã phát triển hoặc phát triển ổn định với các thị trường mới nổi là đúng đắn. Và Tata sẽ tiếp tục đầu tư theo chiến lược này,” ông Sunil khẳng định.
Nói là vậy, nhưng việc nắm bắt các cơ hội ở thị trường mới nổi, theo ông Sunil, đòi hỏi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phải hiểu biết các thị trường này và phải gắn bó lâu dài với chúng.
Những điểm tạo sự khác biệt
Vào những năm 1980-1990, nền kinh tế Mỹ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu với mức GDP chiếm 30% GDP toàn cầu và là nơi tập trung các nguồn đầu tư của nước ngoài.
Nhưng đến những năm đầu thập niên 2000, các nền kinh tế BRIC (Brazil, Russia – Nga, India – Ấn Độ và China – Trung Quốc) bắt đầu được biết đến và đã thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư của nước ngoài, góp phần vào sự tăng trưởng của kinh tế thế giới. Cũng vào thời điểm này, nhiều nhà đầu tư tỏ ra quan tâm đến những thị trường khác, lân cận các nền kinh tế BRIC nhằm tìm kiếm cơ hội cho riêng mình. Và những thị trường mới nổi bắt đầu được chú ý.
Theo các số liệu nghiên cứu của Tata, năm 2008, những thị trường mới nổi phát triển ở mức 6-11%, cao hơn nhiều so với một số thị trường đã phát triển và ổn định. Khi khủng hoảng kinh tế bùng nổ vào năm ngoái, các thị trường mới nổi này vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng GDP – như ở Ấn Độ và Trung Quốc – từ 5% đến 6%, 7% hay 8%.
Cùng với sự tăng trưởng này, nhu cầu nội địa của Ấn Độ và Trung Quốc tăng cao, sự hiện diện của họ ở nước ngoài cũng rõ nét hơn. Trong khi đó, một số quốc gia đã phát triển thuộc nhóm các thị trường mới nổi, như Singapore, lại bắt đầu có những dấu hiệu phát triển chậm lại. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và GDP của những quốc gia trong nhóm những thị trường mới nổi sẽ tiếp tục tăng cao trong nhiều năm tới và dự kiến sẽ đóng góp khoảng 50% vào GDP toàn cầu vào năm 2030.
Điều gì tạo nên sự khác biệt của những thị trường mới nổi này ? Theo kinh nghiệm của Tata, có những yếu tố chính tạo nên những khác biệt giữa các thị trường mới nổi như tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu trên tổng dân số, tác động của sắc thái địa phương, nền văn hóa đối với thói quen tìm kiếm và sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ, thu nhập bình quân thấp và thị trường nhạy cảm với giá cả.
Ngoài yếu tố về dân số học, tính cạnh tranh ở những thị trường mới nổi cũng rất đáng nói. Ví dụ, các đối thủ cạnh tranh địa phương có được lợi thế về chi phí xây dựng thấp, nhân lực dễ thích ứng với những môi trường làm việc khác nhau. Tính cạnh tranh cao hay thấp còn dựa vào những yếu tố như hệ thống bán lẻ và phân phối không hoàn chỉnh, ảnh hưởng của các chính sách của chính phủ, chính sách địa phương…
Một yếu tố khác rất quan trọng quyết định đến sự khác nhau giữa các thị trường mới nổi là cấu trúc hạ tầng cơ sở, nguồn tài nguyên, nguồn nhân lực có kỹ năng. Với những yếu tố nói trên, có thể chia các thị trường mới nổi thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là những thị trường mới nổi đã phát triển như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, nơi có GDP bình quân đầu người cao và dự kiến sẽ tăng 1-3% trong những năm tới.
Nhóm thứ hai gồm những thị trường mới nổi nhưng chưa hoàn toàn phát triển như Nga, Malaysia, Thái Lan và nhóm còn lại là những thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Việt Nam… nơi có GDP bình quân đầu người thấp nhưng tăng trưởng GDP được dự báo tăng cao từ 6 đến 11% vào những năm tới.
Thách thức - cơ hội
Nói đến các thị trường mới nổi, người ta nói đến mức chi tiêu của tầng lớp trung lưu trong xã hội. Tỷ lệ tăng trưởng trong chi tiêu của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia sẽ gia tăng đạt mức hai con số trong giai đoạn 2008-2012. Mức gia tăng này rất có ý nghĩa vì nếu thu nhập bình quân tăng cao, nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng sẽ được nhân lên.
Ước tính, mức chi tiêu của giới trung lưu tại Trung Quốc sẽ tăng đột biến vào năm 2025, sẽ làm bùng nổ các nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ địa phương và trên quy mô toàn cầu. Một trong những lĩnh vực phát triển mạnh nhất ở các quốc gia này trong giai đoạn 2005-2025 là ngành công nghiệp viễn thông.
Cùng với tầng lớp trung lưu, tỷ lệ dân số trẻ cao (Trung Quốc: 38% dân số dưới 24 tuổi hay Philippines, Ấn Độ có 52% dân số dưới 24 tuổi) với nhu cầu sử dụng các nhãn hiệu hàng hóa quốc tế cho các mục đích đặc biệt cũng sẽ có tác động mạnh mẽ đến các thay đổi thị trường và tạo ra những cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.
![]() |
Lực lượng mua sắm trẻ này giữ vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường mới nổi. |
Bức tranh về những nội dung như game, hình ảnh, video, nhạc, tài liệu… đang được giới trẻ chia sẻ mỗi ngày qua kênh mạng xã hội và thiết bị di động hứa hẹn rất nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư trong việc thiết kế nội dung, sản phẩm lẫn cung cấp dịch vụ.
Trong lĩnh vực bán lẻ, với xu hướng chuộng các nhãn hiệu toàn cầu cho những mục đích sử dụng riêng và thể hiện cá tính, giới trẻ dành chi tiêu ngày càng nhiều để mua sắm các thiết bị cũng như học tập.
Sự xuất hiện những công ty toàn cầu cũng có nghĩa là sẽ có nhu cầu về một hạ tầng tốt hơn và các dịch vụ viễn thông tốt hơn.
Công nghệ xanh – Green IT – cũng nổi lên như một ngành công nghiệp đầy tiềm năng khi các quốc gia đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ phải đối mặt với vấn đề nguồn năng lượng, sử dụng than cũng như các loại khoáng sản khác và vấn đề bảo vệ môi trường sống. Mức tiêu thụ dầu, ga và than của Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng đột biến từ năm 1965 đến 2007, Trung Quốc hiện chiếm khoảng 45% tổng lượng than được tiêu thụ trên toàn cầu.
Đó là chưa kể đến tốc độ đô thị hóa ở những thị trường mới nổi. Dù tốc độ này vẫn chậm so với ở những quốc gia đã phát triển, nhưng cứ tỷ lệ đô thị hóa tăng 1% thì nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ tăng lên 1,5% (theo số liệu thống kê của Merrill Lynch).
Ở thị trường mới nổi, sự tiếp nhận công nghệ diễn ra rất nhanh, đặc biệt là với giới trẻ. Đặc điểm này đã được một số nhà đầu tư viễn thông biến hóa thành cơ hội kiếm tiền và tạo ra các ngành kinh doanh mới. Ấn Độ là một ví dụ về mô hình kinh doanh sáng tạo trong ngành viễn thông. Nước này hiện là một trong những nước có mức cước phí điện thoại thấp nhất trên thế giới, cước gọi di động là 1 xu/phút, trong khi cước gọi điện thoại đường dài trong nước cũng chỉ 1 xu/phút, còn gọi điện thoại quốc tế là 10 xu/phút. Mức cước phí này chỉ bằng 1/4 so với các mức cước phí tương tự ở một số thị trường phát triển ổn định. Ngay cả khi giá cước giảm thấp hơn, các công ty ở Ấn Độ vẫn duy trì được lợi nhuận và đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ với tầm nhìn ra toàn cầu.
Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động cũng đã phát huy được thế mạnh của mình và biến Philippines trở thành đất nước của các cuộc nhắn tin di động. Trung Quốc với thị trường thương mại điện tử B2B, điển hình là alibaba.com, đã gặt hái được thành công nhờ cung cấp các dịch vụ phù hợp cho đối tượng phù hợp. Việt Nam trở thành trung tâm game trong khu vực, đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành viễn thông cũng như phát triển ngành công nghiệp game khu vực.
Nay nếu xem xét viễn cảnh công nghệ băng thông rộng, không dây hay có dây, sự thâm nhập của công nghệ không dây ở những nước mới nổi mạnh hơn so với ở các nước đã phát triển một phần vì chi phí xây hệ thống bằng cáp hay cáp đồng rất đắt tiền. Đó là chưa kể đến sự xuất hiện rất cạnh tranh của các công nghệ 3G, WiMAX.
Tất cả những điều này nói lên rằng, thị trường mới nổi đang mở ra cho nhiều nhà đầu tư nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Một trong những lợi ích mà các thị trường mới nổi có thể thấy được là nguồn đầu tư từ nước ngoài liên tục đổ về và tạo ra cho các doanh nghiệp trong các thị trường mới nổi đó cơ hội tiến vào các thị trường khác trên quy mô toàn cầu cũng như có thể cạnh tranh với những công ty đã nổi tiếng thế giới. Nhưng quan trọng không kém là những thị trường mới nổi hiện đang lèo lái xu hướng sáp nhập – mergers và thâu tóm – acquisitions (M&A).
Trong nhiều năm qua, tập đoàn Tata đã phát triển các công ty trong ngành viễn thông của mình, xây dựng những tên tuổi như Tyco, Teleglobe ở những thị trường đã phát triển và hình thành những Neotel, CEC China ở các thị trường mới nổi hay thâu tóm các công ty Jaguar và Land Rover... Đó là lý do vì sao có thể thấy một số công ty không hề nghe tiếng cách đây 15-20 năm bây giờ lại rất nổi tiếng ở những thị trường toàn cầu.
Toyota vào Mỹ và chiếm giữ một vị trí rất quan trọng trong ngành công nghiệp xe hơi ở đây. Vì vậy, có sự dịch chuyển nguồn đầu tư hai chiều với một đi vào thị trường mới nổi và hai là từ thị trường mới nổi đi ra. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư đang có một thị trường tiềm năng vì sự hòa trộn kinh tế-xã hội và những cơ hội nó tạo ra cho nhiều nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và cũng đóp góp vào sự phát triển của nền kinh tế đó.
Nói như ông Sunil, quy mô của thị trường mới nổi rất lớn và có nhiều lĩnh vực để đầu tư. Nhưng tùy theo nền văn hóa, sự an ninh xã hội, các chính sách riêng của các chính phủ mà mỗi quốc gia trong nhóm các thị trường mới nổi có một bản sắc riêng và sức mạnh riêng.
Thực tế là hiện trạng về hạ tầng, nguồn nhân lực, các chính sách kinh tế hiện có ở những thị trường này tạo ra vừa những thách thức và vừa những cơ hội đằng sau đó nếu nhà đầu tư vượt qua được. Nhưng điều quan trọng đối với Tata cũng như bất cứ doanh nghiệp nào là phải xem xét và xây dựng một kế hoạch phù hợp để có thể phát triển kinh doanh.
(Theo Phương Anh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com