![]() |
Lớp học thí điểm chương trình “School of One” tại trường Dr. Sun Yat Sen Middle School 131. |
Việc cải cách giáo dục để tìm kiếm một mô hình dạy và học phù hợp đã và đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, nhưng tất cả đều dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin. Dự án lớp học của tương lai – School of One – tại NewYork (Mỹ) là một ví dụ.
Tại một lớp học đặc biệt ở trường Dr. Sun Yat Sen Middle School 131 ở New York, việc sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh được so sánh với việc sắp xếp cho máy bay lên xuống ở sân bay. Thời khóa biểu của học sinh được gọi là “playlist”, trong khi kế hoạch học tập được tạo bởi một thuật toán máy tính phức tạp cho 80 học sinh của lớp học.
Đây có thể là lớp học của tương lai, theo lời ông Joel I. Klein, Giám đốc Sở Giáo dục thành phố New York. Ông Klein gần đây đã đến thăm ngôi trường ở khu Chinatown này để thúc đẩy chương trình thí điểm “School of One”.
Trong chương trình này, các học sinh học tập riêng hoặc trong những nhóm nhỏ, sử dụng máy tính xách tay để hoàn thành bài tập toán dưới dạng câu hỏi đố, trò chơi và bảng tính. Mỗi học sinh phải trải qua một cuộc kiểm tra vào cuối ngày. Kết quả sẽ được đưa vào một chương trình máy tính để xác định xem liệu học sinh có chuyển sang học đề tài mới trong ngày kế tiếp hay không.
Theo ông Klein, chương trình “School of One” sẽ cho phép việc học diễn ra theo một cách thức mà không một lớp học truyền thống nào có thể có được do nó thiết kế bài học dựa trên những điểm mạnh, điểm yếu và những mối quan tâm của một học sinh.
Ông nói: “Mô hình giáo dục mà chúng ta đang sử dụng ở khắp nước Mỹ, từ lớp mẫu giáo cho đến lớp 12, về cơ bản không khác gì nhiều so với 100 năm trước. Chúng tôi đang quan sát cách học sinh học tập, tìm kiếm một nhịp độ phù hợp để các em nắm bắt được nội dung, kỹ năng và đạt được thành tích tốt.”
Một khi đến lớp, các học sinh nhận một thời khóa biểu riêng, trong đó cho biết những bài học phải hoàn tất trong ngày. Hình thức học có thể bao gồm học trên mạng, tính toán trên máy tính hoặc học nhóm với giáo viên tại lớp. Thời khóa biểu của học sinh cũng được hiển thị trên những màn hình ti-vi lớn, tương tự như lịch bay được hiển thị tại các sân bay. Tại một phòng gần đó, vài nhà quản trị dành cả ngày theo dõi hơn 10 màn hình máy tính hiển thị những dữ liệu như thời khóa biểu của học sinh, mức độ tiến triển của các em trong quá trình học và những nội dung mà học sinh xem trên máy tính xách tay của chúng.
Kinh phí phát triển chương trình học cho mùa hè này vào khoảng 1 triệu đô-la Mỹ, trong đó 2/3 số tiến đến từ các khoản quyên tặng tư nhân. Các nhà quản lý ước tính mức chi phí này sẽ tăng lên 9,1 triệu đô-la vào năm 2010 và 13,3 triệu đô-la vào năm 2012, thời điểm mà chương trình dự kiến được ứng dụng tại 20 trường.
Joel Rose, người phụ trách bộ phận nguồn nhân lực của Sở Giáo dục New York, cho biết chi phí điều hành những trường dùng mô hình học tập này cũng tương đương với việc điều hành những trường truyền thống. Sở Giáo dục New York có kế hoạch mở rộng chương trình đến hai trường trung học khác vào mùa thu tới. Chương trình thí điểm chỉ mới tập trung vào môn toán, một phần vì số bài học trên máy tính đã có nhiều và đa dạng. Dù vậy, ông Rose cho biết các môn học và cấp học khác sẽ được bổ sung trong thời gian tới.
Cũng theo ông Rose, chương trình không được thiết kế để giảm bớt số lượng giáo viên cần cho các lớp học, nhưng số học sinh trong một lớp học có thể thay đổi. Chương trình nói trên có sự tham gia của bốn giáo viên và bốn người trợ giảng. Lớp học được phân chia thành những khu vực riêng cho những nhóm học sinh khác nhau.
Đối với một số học sinh, một ngày học có thể bao gồm việc chơi những video game sặc sỡ, trong đó những bài toán trở thành chướng ngại vật mà người chơi phải vượt qua để ghi điểm nhiều hơn đối thủ. Một trò chơi như thế là Dimension M, được ba nam sinh chơi trong cái ngày mà ông Klein đến thăm lớp học. Nhìn bề ngoài, nó không khác gì những trò chơi thông thường khác, chỉ trừ lúc những bài toán xuất hiện trên màn hình.
Khi trò chơi hỏi Caleb Deng rằng 5+(6x3) bằng bao nhiêu, em nhanh chóng tính toán trên giấy nháp trước khi chọn câu trả lời đúng. Nhưng khi trò chơi đưa ra một phép tính phức tạp hơn và Caleb Deng chỉ còn chưa đến một phút để trả lời, em không đủ kiên nhẫn nên đành đoán mò. May là em đã đoán đúng và điểm số tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, cuối cùng thì một người bạn của Caleb Deng và là đối thủ của em trong trò chơi là Jason Xin đã giành chiến thắng. Dù vậy, em vẫn không thất vọng với kết quả này, và cho biết: “Học theo cách này rất hào hứng vì chúng em phải tranh đua với người khác.” Jason Xin cũng đồng ý: “Đúng vậy, em không còn cảm thấy chán như trước”.
(Theo H. Minh // Thời báo kinh tế Sài Gòn //The New York Times)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com