Ngay từ khi mới lên nắm quyền, “thủ tướng” Frank Costello đã có một đối thủ tiềm tàng là Vito Genovese. Sinh ra tại Napoli, Vito Genovese cùng gia đình vượt biển tới Mỹ vào năm 1912, khi hắn mới có 16 tuổi. Dù bố có một công việc khá ổn định và lương thiện trong lĩnh vực xây dựng nhưng Vito lại không bằng lòng với việc kinh doanh này.
Kẻ không muốn đứng ở vị trí thứ hai
Năm 1917, hắn bị bắt lần đầu tiên vì tội mang vũ khí và phải vào tù trong 2 tháng. Vito nhanh chóng nổi lên là một tội phạm khét tiếng với nhiều vụ việc vi phạm pháp luật. Ngoài bản chất “máu lạnh” của một sát thủ chuyên nghiệp, Vito còn hết sức khôn ngoan và ranh mãnh. Nhờ đó, hắn may mắn tránh được hầu hết những rắc rối từ phía chính quyền do không có đủ bằng chứng.
![]() |
Frank Costello điều trần trước ủy ban thượng viện |
Trong những năm của luật cấm rượu, Vito đã lọt vào mắt xanh của Charlie Luciano và nhanh chóng trở thành cánh tay phải của ông trùm này. Genovese là một trong 4 sát thủ tham gia vào vụ ám sát Giuseppe Masseria.
Ngay từ những năm 1930, Vito đã phất lên nhanh chóng nhờ kiểm soát được hoạt động xổ số của cộng đồng người Italia cũng như thương vụ thu mua được hết với giá rẻ một loạt các câu lạc bộ ban đêm tại Greenwich Village.
Vito Genovese là thủ lĩnh mafia đầu tiên dính líu tới việc buôn ma túy - điều mà Luciano và Costello trước đó luôn tránh không phải vì vấn đề đạo đức, mà do nguy cơ cao.
Dù đã trở thành nhân vật thứ hai sau Costello nhưng Vito vẫn luôn nung nấu giấc mơ về vị trí của một “capo di tutti capi”. Cách điều hành được coi là “quá mềm mỏng” của Costello làm Vito khó chịu.
Chẳng hạn như việc ông trùm quyết định cho một thành viên người Do Thái vào băng nhóm đã khiến Vito phản đối cật lực – vì theo ý hắn ta, tất cả các thành viên trong băng nhóm phải là người gốc Italia.
Năm 1951, chính quyền Mỹ công khai thừa nhận trước công chúng về sự tồn tại của mafia. Thượng viện Mỹ cho thành lập một Ủy ban đặc biệt điều tra hoạt động tội phạm có tổ chức, đứng đầu là Estes Kefouver.
Nhân chứng chính được yêu cầu phải ra điều trần trong suốt 9 ngày tại ủy ban này là Frank Costello. Kết quả ông trùm này bị tống vào tù vì tội… trốn thuế. Tháng 4-1957, Costello được tạm trả tự do nhờ những nỗ lực bào chữa xuất sắc của luật sư riêng.
Nhưng Vito Genovese giờ đây không muốn chia sẻ quyền lực nữa. Tên sát thủ do hắn phái tới là một tay súng rất xuất sắc nhưng theo truyền thống “chơi đẹp” của mafia, hắn đã gọi tên Costello trước khi bắn. Nhờ quay lại nhanh mà viên đạn chỉ sượt nhẹ qua đầu Costello.
Sau sự kiện này, Costello quyết định không mạo hiểm số phận, từ bỏ mọi quyền hành của mình sau khi ngồi vào bàn đàm phán. Dù vậy, Vito Genovese cũng không tận hưởng được lâu chiếc ghế ông trùm của mình. Tháng 4-1959, hắn bị buộc tội buôn lậu ma túy và nhận bản án 15 năm tù.
Có tin đồn là các gia đình mafia khác đã hợp sức “chơi” Vito. Tuy nhiên, Vito vẫn tiếp tục điều hành mạng lưới của mình ngay cả khi ngồi sau chấn song trước lúc chết vì một cơn đau tim vào năm 1969.
Bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống mafia
Mafia bị giáng đòn nặng nề vào năm 1963 khi Joe Valachi, một thành viên cấp cao của mafia do lo ngại bị sát hại đã quyết định ra khai tất cả những gì biết được trước ủy ban thượng viện. Valachi chính là thành viên cốt cán đầu tiên của mafia dám vi phạm Luật omerta.
Chính nhờ anh ta, người dân Mỹ lần đầu tiên biết được cơ cấu cụ thể và các luật lệ của mafia. Valachi cũng chính là kẻ đã nêu tên những gia đình mafia hàng đầu tại New York khi đó là Lucchese, Gambino, Bonanno, Genovese. Gia đình thứ 5 là Joe Profaci nhưng sang những năm 1960 đã đổi tên theo ông chủ mới là Joe Colombo.
Sau những lời khai quý giá của Valachi, chính quyền Mỹ mới vỡ ra một sự thật rất đơn giản: các nhân chứng im lặng là do sợ bị trừng phạt. Thế là đến năm 1971, chương trình bảo vệ nhân chứng toàn liên bang chính thức có hiệu lực.
Một nhân chứng có cơ sở lo ngại sự trả thù của cộng đồng tội phạm sẽ được tạo điều kiện thay đổi tên họ, nơi cư trú và cả công việc. Từ khi chương trình này ra đời, đã có hơn 7.000 người đưa ra các lời khai chống lại các băng nhóm tội phạm như mafia.
Một nhân vật được mệnh danh là người đấu tranh không khoan nhượng với mafia chính là cựu thị trưởng thành phố New York và hiện là ứng cử viên Tổng thống Mỹ Rudi Giuliani. Ngay từ khi còn là công tố viên liên bang tại khu vực, Giuliani đã thành công trong việc đưa một loạt các ông trùm trong các đại gia đình mafia ra tòa: Tony Salerno (gia đình Genovese), Carmine Persico (gia đình Colombo), Tony Corallo (gia đình Lucchese) - mỗi tên phải nhận bản án ít nhất 100 năm tù.
Năm 1992, đến lượt ông chủ John Gotti của gia đình Gambino cũng phải nhận bản án tù chung thân. Kẻ kế tục Vito Genovese là Vincente Gigante (chính là sát thủ trước đó đã bắn trượt Costello) bị tống giam vào năm 1997 trước khi chết trong tù 3 năm sau đó. Từ đó tới nay, Danny Leo chính là ông trùm trong bóng tối của gia đình Genovese.
Danny Leo trèo lên được cương vị lãnh đạo trong gia đình Genovese chính là nhờ hoạt động buôn ma túy. FBI đã rất khó khăn trong việc tiếp cận được Leo - hắn là kẻ cực kỳ thận trọng, bề ngoài có một cuộc sống đơn độc và không bao giờ bước ra khỏi “bóng tối”. Nhưng trong vài năm gần đây, gia đình Genovese đã phải chịu một vài tổn thất nặng nề: Một số kẻ bị bắt với thỏa thuận giảm bớt án phạt đã đưa ra nhiều lời khai có giá trị.
Ngoài ra, FBI còn thành công trong việc cài được một điệp viên vào trong gia đình này. Kết quả, Danny Leo nhanh chóng rơi vào bẫy của FBI. Tất nhiên, theo truyền thống mafia, vị trí ông trùm trên không bao giờ được để trống. Người kế nhiệm Leo rất có thể là Tino Fumara (65 tuổi), kẻ hai năm trước vẫn còn ngồi trong nhà tù liên bang.
(Theo vietnamnet)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com