Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, ông Dương Hoài Châu, nhân vật quan trọng trong câu chuyện lừa đảo xuất khẩu lao động đình đám được Tiền Phong phanh phui vừa bị Công an Hà Nội bắt khẩn cấp tối 15-3-2010, tại nhà riêng ở Nguyễn Khang, Hà Nội.
![]() |
Ông Dương Hoài Châu (X) bị dẫn giải ra xe công an tối 15-3 - Ảnh: Hồng Vĩnh |
Ông Dương Hoài Châu là mắt xích cuối cùng trong êkíp đưa lao động sang Úc bất hợp pháp với giá 22.400 USD/người (hơn 420 triệu đồng).
Sau khi không đưa được lao động nào sang Úc như cam kết, các nhân vật trong đường dây này đã dùng kế khất lần, đẩy nhiều lao động đến đường cùng, một số lao động đã tan cửa nát nhà, anh em, vợ chồng bất hòa, ly tán và làm đơn cầu cứu báo Tiền Phong.
Tết vừa rồi không ít lao động không dám về nhà vì sợ đối mặt khoản nợ khổng lồ đang lãi mẹ đẻ lãi con. Hơn thế, khi lao động tìm đến đòi tiền, một số người trong đường dây này tỏ ra thách thức người lao động và khi vụ việc được đưa ra công luận họ còn đe dọa nhà báo, dọa mua chuộc công an...
Với việc bắt ông Dương Hoài Châu, vụ án sẽ chuyển sang bước ngoặt lớn, không ít nhân vật cộm cán đứng sau hậu trường giật dây sẽ phải bước ra ánh sáng.
Với mức giá hơn 420 triệu đồng đối với một người sang Úc, đây được coi là chuyện chưa từng có trong xuất khẩu lao động và là cách làm ăn mang màu sắc xã hội đen.
Theo thông tin riêng của Tiền Phong, với việc đặt bẫy người nghèo, đây là chiêu huy động vốn có một không hai của các đại gia trong quá trình thực hiện dự án lớn.
Bộ LĐ-TB&XH gọi đó là biến tướng khó lường của xuất khẩu lao động. Trong vụ việc này còn có sự tham gia của một số đối tác Indonesia.
Trở lại câu chuyện Tiền Phong đã phản ánh, xin nêu lại vắn tắt như sau:
Tháng 3-2009, một nhóm lao động ở nhiều miền quê được một số người quen cho biết, có chương trình sang Úc theo chương trình du lịch tìm việc, lương khoảng 2.000 USD/tháng.
Người lao động thế chấp nhà, đất... vay ngân hàng nộp cho người quen, nhờ làm thủ tục xuất ngoại.
Cuối tháng 3 -2009, số lao động được đưa sang Indonesia. Tại đây lao động tạm lưu trú thời gian ngắn để Cty có trụ sở tại Jakarta, Indonesia làm thủ tục đưa họ sang Úc. Thế nhưng, số lao động này phải đợi hai tháng và chịu đói khát tại đây, sau đó họ được đưa về nước.
Về nước, lao động đòi cò trả tiền. Nhưng qua cả chục lần hứa và thất hứa và từ đó đến nay lao động vẫn chưa nhận lại số tiền đã nộp.
Trả lời trên Tiền Phong, ông Châu khẳng định sẽ trả tiền cho lao động trước Tết nhưng hiện ông vẫn chưa thực hiện lời hứa đó.
Được biết, một số nhân vật khác sẽ bị Công an Hà Nội hỏi thăm trong những ngày tới. Tiền Phong sẽ thông tin diễn biến vụ việc trên số báo tới.
Quảng Ngãi: Công an vào cuộc điều tra vụ xuất khẩu lao động chui. Ông Tiêu Viết Thạnh, Trưởng Công an xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết: Công an tỉnh đang phối hợp với Công an xã Bình Châu điều tra làm rõ vụ 9 lao động ở thôn Định Tân bị lừa đưa sang lao động chui ở Malaysia (Tiền Phong đã đưa tin). Trong đó có 6 lao động trốn thoát về nước, còn 3 lao động bị cảnh sát Malaysia bắt giữ. Cũng theo ông Thạnh, nhờ can thiệp kịp thời của Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia nên phía bạn vừa quyết định thả 3 công dân: Đỗ Văn Dương, Trần Cẩm, Dương Lực và không thu tiền phạt 12 triệu đồng. Hiện 3 gia đình đang gửi tiền để 3 lao động trên mua vé máy bay về nước. Phú Đức |
(Theo Lê Anh Đạt // Tienphong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com