Chậm nhận hàng có được coi là vi phạm cơ bản hợp đồng? Bồi thường thiệt hại khi người mua phải mua hàng thay thế thế nào? Đó là những tranh chấp được giải quyết thông qua Công ước Vienna mà VN là một thành viên.
Tháng 5/1996, người mua Pháp đã đặt hàng từ người bán Tây Ban Nha 860,000 lít nước cam ép nguyên chất. Hợp đồng quy định rằng, hàng sẽ được giao từng đợt từ tháng 5 đến tháng 12. Theo một sửa đổi hợp đồng được hai bên thỏa thuận, hai bên đồng ý rằng đợt hàng giao tháng 9 sẽ được giao vào cuối tháng 8, đồng thời người bán sẽ giảm giá hàng cho người mua. Vào thời gian giao hàng tháng 8, người mua không nhận hàng. Tuy nhiên, đến tháng 9, người mua lại yêu cầu giao hàng. Ngày 3/9 người bán thông báo rằng không còn nước cam ép để giao. Vì người bán không giao hàng, người mua đã phải tìm một nhà cung ứng khác với giá cao hơn và từ chối thanh toán tiền những lô hàng trước. Người mua đã cung cấp hóa đơn mua hàng từ 2 Cty khác với chi phí phát sinh thêm.
Người bán kiện người mua ra Tòa thương mại Romans. Tòa án đã yêu cầu Cty Pháp phải thanh toán tiền hàng với lý do là người bán có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ của mình vì người mua chậm trễ nhận hàng. Người mua kháng cáo tại Tòa phúc thẩm Grenoble.
Người mua cho rằng, Tòa án cấp dưới đã không căn cứ các điều khoản của Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, đặc biệt là các điều 25, 63, 64 trong phán quyết của mình, theo đó, người mua hiểu rằng: “Nếu người bán muốn hủy hợp đồng, một cách hợp lý phải yêu cầu bên mua thực hiện nghĩa vụ nhận hàng của mình và cho thêm một thời hạn bổ sung hợp lý để thực hiện nghĩa vụ nhận hàng”. Người bán không giao hàng khi người mua yêu cầu, như vậy là vi phạm hợp đồng. Người bán nhấn mạnh rằng việc người mua chậm trễ nhận hàng đã gây ra những vấn đề phải cất trữ hàng hóa vào kho và buộc người bán phải cô đặc nước cam ép để đảm bảo nước cam ép nguyên chất không bị hỏng và vì vậy không thể tiếp tục giao hàng.
Quyết định của tòa án
Căn cứ vào Điều 1.1- CISG, vì người mua và người bán trong vụ tranh chấp có trụ sở thương mại ở các quốc gia là thành viên của Công ước (Pháp và Tây Ban Nha), nên Tòa phúc thẩm áp dụng CISG là nguồn luật giải quyết tranh chấp.
Để khẳng định người bán có quyền hủy hợp đồng không, Tòa án xem xét liệu người mua có vi phạm cơ bản hợp đồng không.
Hợp đồng ban đầu quy định rằng, việc nhận hàng vào tháng 9. Việc giao hàng vào cuối tháng 8 là đề xuất sửa đổi hợp đồng của người bán, và được người mua chấp nhận. Tòa án thấy rằng, trong hợp đồng ban đầu, trong hợp đồng được sửa đổi cũng như khi người mua chậm nhận hàng, người bán chưa từng đề cập tới việc nước cam ép không bền và cần thiết phải cô đặc lại nếu để đến sau tháng 8. Đối với người mua, việc giao hàng vào cuối tháng 8 đơn giản là sự tương xứng với một lợi ích tài chính. Người mua không thể hiểu rằng việc chậm một vài ngày nhận hàng bị coi như là một vi phạm cơ bản hợp đồng chiểu theo Điều 25- CISG. Hơn nữa, tòa án cũng thấy rằng, đơn hàng thay thế của người mua cho tới tháng 12/1996 có đối tượng là nước cam ép nguyên chất của mùa năm 1996, điều đó cho thấy, việc cô đặc nước cam ép của người bán ngay lập tức khi người mua chậm nhận hàng là chưa thuyết phục. Như vậy, đáng lẽ người bán phải gia hạn một thời gian bổ sung hợp lý để người mua nhận hàng, nếu người mua không nhận hàng trong thời hạn bổ sung này thì người bán mới được hủy hợp đồng. Ở đây, người bán đã hủy hợp đồng không có căn cứ. Điều 74, 75 - CISG cho phép người mua đòi bồi thường thiệt hại do chênh lệch giá giữa giá hợp đồng và giá mua hàng thay thế.
Theo các lý lẽ trên, Toà phúc thẩm: Tuyên hủy bỏ quyết định của tòa án cấp sơ thẩm. Quyết định người bán đã vi phạm hợp đồng, phải bồi thường thiệt hại chênh lệch giá mua hàng thay thế cho người mua (theo Điều 75 CISG).
Bình luận và lưu ý :
Trong tranh chấp này, người bán đã lập luận rằng việc mình bảo quản hàng là hợp lý, đặc biệt hàng trong trường hợp này là hàng nhanh hỏng, tuy nhiên việc bảo quản bằng cách cô đặc hàng hóa đã làm thay đổi đối tượng hàng hóa theo hợp đồng là nước cam ép nguyên chất. Đặc biệt, người bán không thông báo và nêu lý do về sự cần thiết phải làm điều đó khi người mua chậm nhận hàng. Như vậy, người mua không thể tiên liệu được thiệt hại đó, người mua hiểu rằng họ được cho một thời hạn bổ sung hợp lý để thực hiện hợp đồng chiểu theo Điều 63- CISG.
Như vậy, tính dự đoán trước của thiệt hại đối với bên vi phạm được CISG nhấn mạnh (tại Điều 25 và Điều 74). Pháp luật VN chưa có những quy định tương tự, vì thế các DN VN cần chú ý nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com