Với sự ra đời của Nghị định 56/2009/NĐ-CP, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ( DNNVV ) như trợ giúp về tài chính, mặt bằng sản xuất, năng lực công nghệ, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực...đã đi vào cuộc sống.
![]() |
Cần nâng cao hiệu quả chính sách đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, chính sách phát huy hiệu quả đến đâu còn tùy thuộc khâu thực thi. Đây cũng là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Triển khai thực hiện chính sách trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 9/7, tại Hà Nội.
Tính đến tháng 5/2010, cả nước có thêm 33.982 DN đăng ký thành lập mới, nâng tổng số DN hiện nay lên 496.101 DN; vốn đăng ký gần 2.313.000 tỷ đồng (khoảng 121 tỷ USD); trong đó, DNNVV chiếm đến 97% với trên 50% lao động trong DN, ước tính đóng góp khoảng trên 40% GDP.
Mặc dù vậy, hầu hết các DNNVV vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn, đất đai, mặt bằng; sản xuất công nghệ lạc hậu, quản trị DN yếu kém, thị trường nhỏ, khó liên kết với các DN lớn... Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật đang được xây dựng và hoàn thiện còn chưa đồng bộ, hiệu lực và minh bạch chưa cao... Thêm vào đó, theo ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, công tác trợ giúp phát triển DNNVV còn là lĩnh vực mới mẻ với các cơ quan, cấp chính quyền nên khó khăn khi thực hiện.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động thành lập một trung tâm có nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ cho DN, tuy nhiên, việc hướng dẫn của các bộ, ngành về chương trình trợ giúp phát triển DNVVV còn chậm và chưa đồng bộ, lại chưa có khung hướng dẫn chung nên rất khó thực hiện. Cùng với đó, sự kết hợp giữa các sở, ban ngành trợ giúp doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ nên chính sách đã có, nhưng “trợ lực” cho doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mạnh mẽ.
Điểm đáng chú ý trong Nghị định 56 là việc thành lập Quỹ phát triển DNNVV với mục đích huy động các nguồn tài chính để trợ giúp DNNVV.
Nhiều ý kiến cho rằng nên giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển Doanh nghiệp) với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về công tác xúc tiến phát triển DNNVV chủ trì quản lý Quỹ với hình thức là một nguồn kinh phí tập trung để thực hiện các hoạt động trợ giúp DNNVV.
Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội DNVVV cho rằng hoàn toàn có thể học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc là những quốc gia tương đối thành công trong việc điều hành và quản lý Quỹ dạng này.
Ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN cho biết, trong quý III/2010, Bộ Kế hoạch – Đầu tư sẽ chủ trì xây dựng đề án thành lập Quỹ Phát triển DNNVV trình Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Vũ Quốc Tuấn đánh giá chính sách đối với DNNVV đã có nhiều điểm mới nhưng việc tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế. Ví như chuyện bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp đã có hơn 15 năm rồi, nhưng không tiến triển là bao nhiêu, DNNVV vẫn khó tiếp cận hình thức trợ giúp này.
Ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh thêm, trong thời gian tới chính sách cần ưu tiên tài trợ kinh phí cho DN đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị kỹ thuật nhằm mở rộng sản xuất và xuất khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ và an toàn môi trường; cung cấp thông tin hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho DN...
Đồng thời, cần tài trợ cho các chương trình, sự kiện có khả năng tạo được sự gắn kết, liên kết mạnh mẽ các DNNVV với nhau theo ngành hàng, theo vùng miền... Đây chính là yếu tố nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
(Theo Huy Thắng // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com