![]() |
Ở nhiều chợ đông khách du lịch đến mua sắm, việc niêm yết giá hàng hóa càng lộn xộn. Ảnh: Minh Tâm |
Dù các lực lượng chức năng liên tục kiểm tra nhưng hiện nay quy định về niêm yết giá hàng hóa vẫn bị nhiều tiểu thương tại TPHCM phớt lờ hoặc đối phó bằng nhiều cách. Lực lượng chức năng biết nhưng đành chấp nhận vì “không thể làm xuể”.
Từ trung tâm mua sắm đến chợ Tại trung tâm mua sắm Saigon Square trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, người mua - người bán ra giá, trả giá thoải mái vì rất nhiều mặt hàng, nhất là quần áo không được niêm yết giá. Ví dụ, một bộ đầm được người bán chào giá 520.000 đồng nhưng cuối cùng bán với giá 450.000 đồng; một chiếc giỏ xách bán ra với giá 330.000 nhưng trước đó "thách" đến 550.000 đồng… Chị Vũ Thị Thược, một khách hàng tại đây cho hay: “Tôi từ Hà Nội vào công tác, cứ nghĩ đến trung tâm mua sắm là mua hàng có niêm yết giá, không ngờ cũng trả giá y như ở chợ. Với người lạ như tôi, ngã giá kiểu gì cũng bị mua hớ”. Bà Mai Lan, Phó ban quan lý chợ Bến Thành trong một cuộc trao đổi với PV nói rằng khi kiểm tra tình hình niêm yết giá tại đây, nhiều ngành hàng như vải, giầy dép, đồ lưu niệm… cứ mười sạp thì có đến chín sạp không niêm yết hoặc niêm yết lập lờ, đối phó. Theo giải thích của bà Lan, lập lờ ở đây nghĩa là người bán niêm yết bằng hai con số, ví dụ 30, 70. Khi đó, người mua hiểu là tiền đồng cũng được, đô la Mỹ cũng được. Cũng theo bà Lan, với các mặt hàng "có vẻ được ghi giá bán rõ ràng" thì người bán có thể bán dưới hoặc trên giá niêm yết, tùy theo tình hình chợ ế ẩm hay đông khách và tùy theo "mặt" khách mua hàng. “Nói về việc niêm yết giá ở chợ thì nói hoài không hết, không cách nào kiểm soát nổi. Cứ nhắc nhở hôm trước thì hôm sau đâu lại vào đó. Còn người mua thì dù trả giá nào cũng hớ”, bà Lan kết luận. Ở những mặt hàng mà Bộ Tài chính yêu cầu chú trọng kiểm soát nhằm kiềm chế lạm phát như thép, gas, phân bón, thuốc tây…, việc niêm yết giá cũng bị bỏ qua. Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, mỗi tuần đơn vị này đều bắt lỗi hàng chục vụ vi phạm ở những mặt hàng này. Mới đây nhất, trong tuần từ ngày 2 đến 9-6 vừa qua, đội quản lý thị trường 3B đã lập biên bản đối với cửa hàng thuốc tây trên địa bàn quận 3… Khó kiểm soát Theo ban quản lý các chợ, vi phạm về niêm yết giá hàng hóa tràn lan như hiện nay do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, ở nhiều chợ, trung tâm mua sắm, các chủ hàng thường không trực tiếp đứng bán mà giao cho người phụ việc và đặt chỉ tiêu doanh số. Đổi lại, chủ hàng không niêm yết giá để nhân viên bán hàng được tự do bán theo ý mình từ đó kiếm lời trên chênh lệch giữa giá bán thực tế với giá thỏa thuận của chủ hàng. Người bán sẽ “nhìn mặt” người mua mà ra giá. Bên cạnh đó, rất nhiều người tiêu dùng lại có thói quen thích trả giá và người bán thì có tâm lý ngại phiền phức khi mỗi ngày ghi một số. Hiện tại, ban quản lý chợ - lực lượng theo sát nhất với hoạt động của chợ lại không có bất cứ quyền hạn gì đối với các vi phạm về giá. “Phát hiện hàng không niêm yết giá nhưng ban quản lý chợ chỉ có thể nhắc nhở, không có quyền xử phạt nên tiểu thương không sợ. Thậm chí nhắc nhở nhiều còn bị ghét, đi qua bị nói một câu, đi lại bị nói một câu, rầu lắm!”, bà Lan của chợ Bến Thành bày tỏ. Trong khi đó, đơn vị có chức năng xử phạt vi phạm là QLTT lại đang làm không hết việc vì lực lượng mỏng trong khi thị trường rộng lớn. “Niêm yết giá chỉ là một nội dung trong rất nhiều việc QLTT phải làm. Thực tế là QLTT không thể nào kiểm soát xuể”, đại diện Chi cục QLTT TPHCM cho biết. Mức xử phạt hành chính đối với các vi phạm về niêm yết giá hiện nay là từ 500.000 đồng đến 30 triệu đồng, tùy theo mức độ và mặt hàng. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành đánh giá, mức phạt này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe khi nếu không niêm yết giá rõ ràng, lợi nhuận thu được gấp nhiều lần số tiền nếu chẳng may bị phạt.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com