![]() |
Gia công hàng may mặc xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. |
Vừa qua, chúng tôi có dịp khảo sát tình hình thực tế tại một số doanh nghiệp gia công xuất khẩu các nhóm hàng: dệt may, da giày, thủy sản... và thấy trên thực tế phát sinh không ít tình trạng ngoại lệ mà cả năm biện pháp xử lý được nêu trong Thông tư 116/2008/TT-BTC và Thông tư 74/2010/TT-BTC đều không áp dụng được.
Đối với những hợp đồng gia công sử dụng nguyên phụ liệu quý hiếm hoặc các sản phẩm gia công có giá trị thương mại cao, kiểu dáng công nghiệp đặc biệt..., để bảo vệ tính độc quyền trong kinh doanh, phía thuê gia công thường rất riết róng trong khâu xử lý nguyên liệu dư thừa.
Thông thường, nếu không có hợp đồng tương tự nối tiếp thì nguyên liệu dư thừa phải được xuất trả lại cho người thuê gia công hoặc tiêu hủy tại Việt Nam. Đã có trường hợp phía nước ngoài cử người sang trực tiếp giám sát việc tiêu hủy.
Tuy nhiên, với các mặt hàng thông thường như hàng dệt may, giày thể thao... khi chấm dứt hợp đồng gia công vẫn còn dư thừa một số lượng nguyên liệu (không nhiều) nhưng không có hợp đồng tương tự nối tiếp thì các đối tác nước ngoài thường cố ý “lờ đi”, không muốn nhận lại số nguyên phụ liệu dư thừa này. Lý do thật đơn giản: số chi phí phải bỏ ra để nhập lại nguyên liệu dư thừa nhiều hơn giá trị của chính số nguyên liệu đó.
Từ cuối năm 2007, khi kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, đã phát sinh không ít trường hợp người thuê gia công (nước ngoài) bị phá sản, đơn phương chấm dứt hợp đồng và “mất tích”. Có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhận được điện của người thuê gia công với nội dung: “Tôi đã bị phá sản, đừng gửi hàng cho tôi nữa”, và rồi chấm dứt liên lạc với phía Việt Nam.
Cũng có trường hợp đối tác nước ngoài tự ý chấm dứt liên lạc mà không một lời nhắn gửi về giải quyết bản hợp đồng đang thực hiện. Với những trường hợp “bỏ của chạy lấy người” như vậy thì cả năm biện pháp xử lý đã nêu trong Thông tư 116/2008/TT-BTC đều không thể áp dụng được.
Vì phía nước ngoài đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, không còn liên lạc với doanh nghiệp Việt Nam nữa nên không có hợp đồng tiếp theo để chuyển tiếp nguyên liệu và cũng không có địa chỉ để xuất trả nguyên liệu ra nước ngoài. Cũng có trường hợp tìm được địa chỉ nhưng phía nước ngoài từ chối, không nhận lại nguyên liệu gia công còn thừa nên doanh nghiệp Việt Nam không xuất trả nguyên liệu cho họ được vì không có tiền trả cước phí vận chuyển.
Trong trường hợp này hai biện pháp xuất khẩu trả ra nước ngoài hoặc chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại Việt Nam đều không thể thực hiện được
Biện pháp biếu tặng càng không thể thực hiện, điểm mắc mứu chính của biện pháp này là doanh nghiệp chỉ được biếu tặng khi đã nộp đủ thuế. Cho đến tận thời điểm này thì việc chi tiền ra nộp đủ thuế cho nguyên liệu tồn đọng để rồi biếu tặng nguyên liệu đó cho người khác chưa phải là thói quen phổ biến của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra cũng phải tính đến những nghịch lý là người được biếu tặng lại rất ngại, thậm chí không muốn nhận các lô hàng được biếu tặng dạng này. Đã có trường hợp bán số nguyên liệu được biếu tặng để lấy tiền mua các vật dụng cần thiết khác thì giá bán không vượt quá 30% giá do người tặng công bố. Quá khó để giải thích sự chênh lệch này cho các đối tượng thụ hưởng, vì vậy không nhận là an toàn nhất.
Biện pháp tiêu hủy không phải lúc nào cũng áp dụng được và trên thực tế không phải các trường hợp tiêu hủy đều cần thiết và hợp lý. Theo quy định hiện hành nguyên liệu tiêu hủy vẫn phải nộp thuế, trên thực tế ngoại trừ các trường hợp phía nước ngoài chủ động yêu cầu tiêu hủy nguyên liệu dư thừa để giữ độc quyền sở hữu công nghiệp và họ phải gánh chịu mọi chi phí phát sinh, còn nói chung rất ít khi doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận nộp thuế nguyên liệu để tiêu hủy.
Trường hợp tiêu hủy vải là nguyên liệu gia công dư thừa tại Công ty Vinatex Đà Nẵng cho đến nay vẫn để lại cho chúng tôi những cảm giác rất day dứt. Khi biết tin công ty sẽ tiêu hủy vải là nguyên liệu gia công dư thừa, nhiều công nhân xúm xít vòng trong vòng ngoài để xem. Khi chiếc máy cắt bắt đầu cắt vào những xúc vải nguyên liệu vẫn có thể sử dụng được, nhiều người đã ôm mặt khóc. Tại sao con cái chúng tôi còn thiếu quần áo mặc, các ông lại tiêu hủy vải?
Khi đoàn xe chở vải ra bãi rác để tiêu hủy công nhân chạy theo như xem hội. Vải hủy vừa vứt xuống chưa kịp châm lửa, công nhân tranh nhau nhặt những miếng vải còn tốt về để sử dụng. Từ thực tế này chúng tôi cho rằng biện pháp tiêu hủy chỉ nên áp dụng trong các trường hợp xét thấy thật sự cần (ví dụ hóa chất độc hại, thực phẩm ôi thối, vải in những hình ảnh không phù hợp với văn hóa Việt Nam...). Các trường hợp nguyên liệu gia công dư thừa không phải là sản phẩm độc hại, vẫn có thể tận dụng được thì nên được xử lý theo cách khác kinh tế hơn và cũng nhân văn hơn.
Biện pháp doanh nghiệp nộp thuế cho hải quan rồi bán lại trên thị trường Việt Nam mới nghe thì thấy hợp lý nhưng trên thực tế hầu như không doanh nghiệp nào thực hiện được. Điểm vướng mắc chủ yếu của biện pháp này là theo quy định hiện hành (Thông tư 40/2008/TT-BTC) thì số nguyên liệu gia công dư thừa, tồn đọng được xác định giá trị để tính thuế giống như hàng nhập khẩu thông thường. Thực hiện các quy định hiện hành sẽ dẫn đến tình trạng số tiền doanh nghiệp có thể thu được từ việc bán nguyên phụ liệu gia công tồn đọng sẽ ít hơn số tiền phải chi ra để nộp thuế cho chính những nguyên phụ liệu đó.
Thực tế trên đây đã làm cho không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng “khóc dở mếu dở” mà không biết giải quyết cách nào. Tại Hải Phòng, hai công ty Giày Thống Nhất và Giày Tam Đa đang thực hiện hợp đồng gia công thì đối tác nước ngoài bị phá sản và tự ý “rút lui vô điều kiện”. Những nguyên liệu gia công giày do nước ngoài cung cấp đã hết hạn sử dụng: vải giả da đã bắt dầu phân hủy, keo dán trở thành các khối vật thể rắn hơn đá, hóa chất hết hạn... nhưng vẫn không thể tiêu hủy được vì doanh nghiệp không có tiền nộp thuế mà để lại thì mặt bằng của doanh nghiệp vốn đã chật hẹp lại càng chật hẹp. Tình trạng các doanh nghiệp bất đắc dĩ phải “ôm” nguyên phụ liệu gia công tồn đọng đang khá phổ biến ở các nhóm hàng dệt may, da giày...
Như vậy trong số các biện pháp xử lý nguyên liệu gia công tồn đọng chỉ còn biện pháp bán tại thị trường Việt Nam là khả thi hơn cả. Tuy nhiên, hiện nay quy định về xác định giá trị tính thuế của biện pháp này tỏ ra chưa phù hợp với tình hình thực tế. Chúng tôi cho rằng có thể xử lý nguyên liệu gia công dư thừa theo biện pháp này, trên cơ sở giá trị tính thuế của nguyên liệu gia công dư thừa phải được xác định phù hợp hơn. Cần tính đến các đặc điểm thực tế sau đây:
a. Nguyên liệu gia công là tài sản riêng của người thuê gia công gửi cho người nhận gia công để sản xuất ra những sản phẩm theo hợp đồng đã được hai bên thỏa thuận. Nguyên liệu gia công không phải là hàng hóa mua bán, không có người mua, người bán và cũng không có số tiền đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán. Mặt khác giá nguyên liệu ghi trên các chứng từ gửi hàng không phải là giá thỏa thuận giữa người mua với người bán mà là giá đơn phương áp đặt của người thuê gia công. Không ít trường hợp người thuê gia công cố ý ghi giá nguyên phụ liệu cao hơn thực tế để “phạt vạ” người nhận gia công trong trường hợp nguyên liệu bị mất. Vì những lý do thực tế trên đây nên ta không thể áp đặt khái niệm giá trị hải quan vào lĩnh vực này được.
b. Doanh nghiệp chấp nhận biện pháp nộp thuế để bán lại nguyên liệu tồn đọng trên thị trường nội địa cũng có nghĩa là họ phải chấp nhận tình trạng “nhập khẩu bị động”, doanh nghiệp không được lựa chọn số lượng, chủng loại và chất lượng hàng hóa theo ý mình mà phải chấp nhận thực tế hiện có. Hơn nữa chất lượng thực tế của nguyên phụ liệu tồn đọng cũng có nhiều hạn chế, không phải hàng nguyên đai nguyên kiện mà phần lớn là “đầu tấm”, “đầu miếng” hoặc nguyên liệu thuộc chủng loại, kích thước “ngoài dự kiến” của doanh nghiệp. Đây là lý do thực tế của tình trạng doanh nghiệp không chấp nhận giải pháp nộp thuế cho nguyên liệu gia công dư thừa hiện nay.
Từ những thực tế trên đây, chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan xem xét lại việc áp dụng biện pháp xử lý nguyên liệu gia công dư thừa theo hướng xác định lại giá trị tính thuế đối với số nguyên liệu này. Số nguyên liệu gia công dư thừa của các doanh nghiệp có thể được xác định giá trị để tính thuế theo hướng “mức giá thực tế hợp lý tại thời điểm xác định giá”. Xét về toàn cục, giá này có thể dung hòa được lợi ích kinh tế của Nhà nước và doanh nghiệp. Giải pháp này giúp tận dụng của cải vật chất cho xã hội, Nhà nước có thêm nguồn thu, doanh nghiệp giải tỏa được khối lượng nguyên liệu “bất đắc dĩ” lại thu được lợi nhuận... và điều quan trọng hơn cả là góp phần làm môi trường kinh doanh minh bạch hơn.
___________________
(*) Nguyên Giám đốc Ủy ban Hải quan APEC
Theo Thông tư số 116/2008/TT-BTC ngày 4/12/2008 (điểm 6 mục XII) và Thông tư số 74/2010/TT-BTC ngày 14/5/20106 (mục 6 điều 12) của Bộ Tài chính thì tùy theo sự thỏa thuận trong hợp đồng gia công và quy định của pháp luật Việt Nam, nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, phế thải, máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công được xử lý như sau: a. Bán tại thị trường Việt Nam (thực hiện theo phương thức xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ); b. Xuất khẩu trả ra nước ngoài; c. Chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại Việt Nam; d. Biếu, tặng tại Việt Nam; đ. Tiêu hủy tại Việt Nam. |
(Theo Phạm Ngọc Hữu (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com