Tại ngày làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 30, hôm nay 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Luật Thi hành án hình sự và Luật Trọng tài thương mại.
![]() |
Các thành viên UBTVQH cho ý kiến 2 dự thảo luật sáng 19/4 - Ảnh: Chinhphu.vn |
Các luồng ý kiến khác nhau về hình thức thi hành án tử hình
UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thi hành án hình sự, xoay quanh các nội dung chủ yếu như nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã, trại tạm giam trong thi hành án hình sự, chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân, hình thức thi hành án tử hình, việc giải quyết cho nhận tử thi người bị thi hành án tử hình…
Về hình thức thi hành án tử hình, có 2 luồng ý kiến khác nhau về hình thức xử bắn và tiêm thuốc độc được nêu trong dự thảo Luật Thi hành án hình sự. Một là tán thành hai hình thức thi hành án tử hình này, nhưng đề nghị xác định rõ trình tự, thủ tục cũng như loại tội phạm nào thì áp dụng hình thức xử bắn, loại tội phạm nào áp dụng hình thức tiêm thuốc độc.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, chỉ nên quy định hình thức tiêm thuốc độc. Bởi, kinh nghiệm các nước đã áp dụng hình thức này cho thấy, biện pháp tiêm thuốc độc ít gây đau đớn cho phạm nhân, giảm áp lực về tâm lý cho cán bộ, chiến sỹ trực tiếp thi hành án.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, chỉnh lý lại để trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật này trong Kỳ họp tới.
Cần thiết ban hành Luật Trọng tài thương mại
Về dự thảo Luật Trọng tài thương mại, các thành viên UBTVQH nhất trí việc ban hành Luật là cần thiết, nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dự thảo vẫn chưa quy định rõ ràng về quyền hạn và vai trò của trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại, gây ra tình trạng "nhập nhằng" với quyền hạn của toà án.
Cụ thể, theo dự thảo, sau khi trọng tài ra quyết định, bên bị bất lợi có quyền yêu cầu toà án xem xét huỷ quyết định của trọng tài. Như vậy, các nguyên đơn phía bên kia sẽ có tâm lý ngần ngại, giảm sút lòng tin vào việc chọn cách giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.
Vì thế, các thành viên đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại điểm này, hoàn chỉnh để UBTV thảo luận trong phiên họp tiếp theo.
Liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước về trọng tài, nhiều thành viên cho rằng cần giao cho Bộ Tư pháp trách nhiệm quản lý nhà nước về trọng tài và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhưng cần quy định cụ thể hơn chức năng cho Bộ Tư pháp. Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về trọng tài của cơ quan tư pháp địa phương.
(Theo Giang Oanh // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com