Kể từ ngày 1/6/2010, thay vì được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, các doanh nghiệp mới thành lập sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển kéo theo số lượng doanh nghiệp thành lập mới ngày càng tăng, bình quân mỗi năm có tới hơn 66 ngàn doanh nghiệp được thành lập mới và ngày càng đa dạng về ngành nghề lẫn quy mô. Như một hệ quả của sự phát triển ấy, trong vòng 4 năm trở lại đây, Chính phủ đã có những bước cải tiến nhất định để mở đường cho sự ra đời doanh nghiệp được dễ dàng và thuận lợi hơn.
Nhằm đồng bộ hóa việc áp dụng quy trình đăng ký kinh doanh mới, vào ngày 15/4/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp (Nghị định 43) để thay thế Nghị định 88 với một số điểm tiến bộ đáng kể.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Kể từ ngày 1/6/2010, thay vì được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, các doanh nghiệp mới thành lập sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế trước đây sẽ không bắt buộc phải thực hiện thủ tục đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Tên doanh nghiệp
Tên doanh nghiệp phải viết được bằng các chữ cái trong Bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu, phát âm được, và cả các chữ cái F, J, Z, W. Tên doanh nghiệp sẽ bao gồm tên loại hình doanh nghiệp và tên riêng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khi Nghị định 88 chỉ rõ rằng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể sử dụng tên riêng bằng tiếng nước ngoài đã đăng ký để cấu thành một phần hoặc toàn bộ tên riêng của doanh nghiệp thì Nghị định 43 lại không đề cập đến vấn đề này. Như vậy, không rõ là việc đặt tên riêng bằng tiếng nước ngoài vẫn không có gì thay đổi hoặc sẽ được phép áp dụng cho doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc sẽ không được phép áp dụng cho cả hai loại doanh nghiệp này. Thiết nghĩ, Chính phủ nên quy định rõ về vấn đề này, vì trên thực tế có khá nhiều người thành lập doanh nghiệp muốn đặt tên doanh nghiệp với tên riêng bằng tiếng nước ngoài.
Bên cạnh đó, kể từ ngày 1/1/2011, việc đặt tên của doanh nghiệp sẽ không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi toàn quốc chứ không phải trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như trước đây, trừ những doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giải thể.
Đăng ký qua mạng điện tử
Mặc dù trong thời gian qua, một số tỉnh thành đã áp dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử nhưng trên thực tế vẫn chưa thực sự hiệu quả. Điển hình tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, sau khi doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, người thành lập doanh nghiệp hoặc người đăng ký kinh doanh vẫn phải trực tiếp nộp hồ sơ gốc tại Sở và chờ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế như những doanh nghiệp đăng ký trực tiếp. Nói cách khác, dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng giống như một dịch vụ kiểm tra hồ sơ trực tuyến trước khi nộp.
Nay, theo Nghị định 43, toàn bộ quy trình đăng ký kinh doanh có thể thực hiện qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia và người thành lập doanh nghiệp (nếu chưa có chữ ký điện tử), sau khi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được chấp thuận trên Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, chỉ cần in Giấy xác nhận nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và lấy chữ ký của Người đại diện theo pháp luật, gửi đến Phòng đăng ký kinh doanh để xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Hy vọng, dịch vụ này sẽ thực sự mang lại hiệu quả đáng kể khi triển khai trên thực tế để tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.
Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Một trong những điểm đáng lưu ý và khá tiến bộ của Nghị định 43 là doanh nghiệp có thể nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký và trả phí để nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ chuyển phát. Tuy nhiên, theo thực tế hiện nay, việc nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải do người đại diện theo pháp luật thực hiện, không được ủy quyền và trực tiếp ký tên vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, vì vậy để thủ tục này được triển khai trên thực tế cần phải có một số thay đổi khác trong quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nghị định 43 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/6/2010.
(Theo Dương Thị Mai Hương // Báo Doanh nhân)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com