Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mua nền đất bị giao căn hộ

Hàng chục hộ dân trong số gần 100 người mua nền đất tại phường 4, quận 8, TP HCM, đang khiếu kiện nhiều nơi về dự án họ góp vốn 8 năm qua. Thay vì được giao nhà liên kế, họ bị chủ đầu tư đề nghị nhận căn hộ chung cư.

Năm 2003, những người này mua đất nền dự án khu nhà ở liên kế của Xí nghiệp may xuất khẩu quận 8, nay đổi tên thành Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu quận 8. Người mua là nhân viên xí nghiệp và cán bộ UBND phường 4, quận 8. Đến nay, chủ đầu tư mới là Công ty dịch vụ công ích quận 8. Do có nhiều sai sót về pháp lý và diện tích khu đất, từ ý định ban đầu là xây dựng khu nhà liên kế với 94 nền, dự án giờ chuyển sang làm chung cư cao tầng. Người đã đặt mua đất nền trước đây thay vì nhận đất thì được chủ đầu tư đề nghị chọn căn hộ chung cư.

Không chấp thuận hướng giải quyết này và bảo lưu ý kiến muốn nhận nền nhà như đã từng góp vốn từ năm 2003, hầu hết khách hàng đâm đơn khiếu kiện khẩn cấp nhiều nơi để cầu cứu. Quan điểm của các hộ dân, thời điểm họ chạy vạy mượn nợ góp vốn mua đất, mỗi nền nhà có giá 160 triệu đồng, tương đương 30-31 cây vàng. 8 năm trôi qua với rất nhiều biến động kinh tế về tiền tệ, vàng, thị trường nhà đất, nay phải đổi "ngang" nền đất thành căn hộ chung cư là chưa thấu tình đạt lý.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2002, theo chủ trương của UBND quận 8, Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu quận 8 lập hồ sơ xin giao đất để đầu tư xây dựng khu nhà ở liên kế.

Hiện dự án đã trải qua các bước: được Sở Quy hoạch Kiến trúc thỏa thuận quy hoạch chi tiết 1/500; được Sở Tài nguyên Môi trường trình UBND TP HCM giải quyết hồ sơ dự án; Ủy ban đã có quyết định thu hồi và giao đất và thuận cho thực hiện dự án theo quy hoạch đã được duyệt, cụ thể là phân nền không xây dựng chung cư. Cuối tháng 9/2005, nhiều hộ dân được bốc thăm và giao nền, với cam kết người nhận nền phải kết hợp với chủ dự án xây dựng hoàn chỉnh mẫu nhà đã được duyệt…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án đã phát sinh khiếu nại tố cáo, UBND TP HCM đã giao cho Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra dự án. Sau đó, lãnh đạo thành phố quyết định thay thế chủ đầu tư từ Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu quận 8 sang Công ty dịch vụ công ích quận 8, vào tháng 7/2007. Quy định kèm theo, nếu sau 12 tháng chủ đầu tư mới không đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt, thành phố sẽ thu hồi dự án.

Cuối năm 2008, UBND quận 8 kiến nghị UBND TP HCM cho phép chuyển đổi chủ đầu tư từ Công ty dịch vụ công ích quận 8 sang Công ty địa ốc Thái Bình, để đầu tư xây dựng chung cư cao tầng phục vụ chương trình tái định cư. Phương thức đầu tư là bồi thường cho các đối tượng được phân nền theo giá thị trường đã được cơ quan thẩm quyền thẩm định. Người mua nền được ưu tiên xem xét mua căn hộ chung cư với giá tương ứng giá được bồi thường (nếu có nhu cầu).

Theo phản ánh của người dân, trong năm 2008-2009, họ bị sốc nặng và đứng ngồi không yên khi nhận được thông báo dự án sẽ chuyển từ nhà liên kế sang xây chung cư cao tầng.

Lãnh đạo UBND quận 8 lý giải, việc tiếp tục triển khai thực hiện phần còn lại của dự án giao nền đất gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như: phải tiến hành các thủ tục điều chỉnh ranh giao đất, lập thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, hạn chế vốn đầu tư của Công ty dịch vụ công ích quận 8.

Cũng theo lãnh đạo địa phương, hầu hết người được phân nền dự án này đều đồng tình với chủ trương của quận và yêu cầu khẩn trương thực hiện. Sau khi được đồng thuận của các hộ được phân nền, UBND quận 8 đã tiến hành mời gọi nhà đầu tư có năng lực để thực hiện dự án và đề xuất Công ty địa ốc Thái Bình.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường đánh giá, các kiến nghị của UBND quận 8 có nhiều điểm mâu thuẫn. Do đó, Sở Tài nguyên bác đề nghị của quận 8 về việc giao cho Công ty địa ốc Thái Bình thực hiện dự án theo hình thức xây nhà chung cư.

Trên thực tế, theo điều tra, trong những thư mời họp dân để lấy ý kiến nhằm quyết định “số phận” của dự án vào tháng 10/2009, hầu hết đều được đề nghị phải thực hiện theo chủ trương bàn giao nền đất.

Mâu thuẫn của quận 8 còn thể hiện ở chỗ, năm 2004 UBND quận 8 đã có văn bản “xin” thành phố chấp thuận cho quy hoạch dự án là phân nền. Lý do, vì quỹ nền nhà đã được bố trí cho cán bộ công nhân viên, một số cán bộ hưu trí tại địa phương có khó khăn về nhà ở và bố trí tái định cư tại chỗ cho 10 hộ dân. Công ty đã huy động vốn của cán bộ công nhân viên, đền bù, xây dựng cơ sở hạ tầng, nếu phải chuyển sang chung cư sẽ ảnh hưởng tới tiến độ dự án và rất khó khăn cho công ty trong việc giải quyết chỗ ở cho người lao động.

(VnExpress)

  • Mỗi người Việt Nam có trung bình 18,6 m2 nhà ở
  • Bình Dương: nguồn cung căn hộ dồi dào
  • Đô thị Nam Hoàng Đồng: Điểm nhấn đầu tư vào khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Bất động sản đang bị chao đảo vì… chính sách
  • Một năm bất động sản thăng trầm
  • Bảng giá đất mới: nhiều tuyến đường tăng 40%
  • Bắc Giang 2010: Giá đất điều chỉnh tăng
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!