Tuần này, tập tiếp theo của bộ phim Con đường đau khổ nhiều khả năng sẽ được trình chiếu. Dường như cung đường chông gai nhất sắp hiện ra. Đáy cũ 69 điểm của HNX hoàn toàn có thể bị đe dọa.
Thị trường đã quá phụ niềm tin của mọi người. Sự kiên nhẫn bền bỉ bám sàn của nhiều nhà đầu tư đã chỉ được đền đáp bằng 4/5 phiên giảm trong tuần trước, trong đó phiên cuối tuần tràn ngập sắc đỏ.
Một nhà đầu tư thốt lên: "Lúc trước thì ngóng CPI tháng này đến tháng kia, ngóng hết tin này đến tin kia. Ngóng cái gì mà ngóng hoài không biết, ngóng tới ngóng lui ngóng xuôi ngóng ngược rồi được gì đâu".
Khi tất cả những thông tin tốt đã qua thì như một bài bản "hồi tố", tin tức tiêu cực lại xuất hiện. Tín dụng đối với chứng khoán có khả năng bị thu hẹp chỉ còn 1/6 so với trước đây. Lượng tiền vào TTCK vốn đã bị co hẹp đáng kể trong nhiều phiên trở lại đây, nay vừa mới thoáng chút hy vọng lãi suất có xu hướng giảm thì đã phải rước lấy nỗi thất vọng tràn trề.
Rõ ràng đã không có sự cải thiện nào về dòng tiền sau báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề lãi suất. Thậm chí còn có khuynh hướng ngược lại khi dòng tiền này bị san sẻ bởi thị trường bất động sản khi những ngày gần đây, chính thị trường này chứ không phải TTCK, nhận được nhiều ưu ái hơn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
Như để bồi thêm vào vết thương chưa lành của nhiều nhà đầu tư, thông tin về các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ bắt đầu đóng quỹ vào năm 2012 càng làm cho tình hình trở nên khó xử. Cách đây khoảng 3 tháng, việc đóng quỹ được dự báo đến tận năm 2013 mới bắt đầu. Nhưng với thời điểm năm sau gần cận kề và với tình trạng thanh khoản heo hút như hiện nay, bất cứ một tổ chức quỹ nào cũng phải tính toán đến việc thoát mạnh hàng bằng hình thức khớp lệnh trên sàn dù với giá thấp, hơn là trông chờ ai đó tự nguyện ôm lại toàn bộ "mớ giấy lộn" của mình.
Có lẽ điều an ủi duy nhất đối với thị trường là khối lượng giải chấp đã không thật sự gây áp lực về nguồn cung, ngay cả trong phiên giao dịch cuối tuần khi hai sàn đổ dốc mạnh.
Như chúng tôi đã đề cập trong những bài phân tích trước đây, con sóng tăng từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6/2011 không nhằm mục tiêu nào khác ngoài việc kéo - xả lượng hàng giải chấp với mức giá tốt hơn nhiều so với trước đó. Một công ty chứng khoán cho rằng đã có khoảng 80% số nợ cần thu hồi được hoàn thành.
Sau khi lượng hàng giải chấp đã thoát xong, về cơ bản chỉ còn lại càng nhà đầu tư nhỏ lẻ lôm hàng. Do việc sử dụng margin không được khuyến khích và thực tế cũng chẳng có mấy người dám chơi đòn bẩy tài chính, lượng hàng giải chấp mới không nhiều và do đó nguồn cung giá rẻ cũng vơi đi đáng kể.
Song ở một thái cực khác, lực cầu cũng chẳng thấy đâu. Chính vì vậy mà dù thời điểm 30/6 - thời hạn cuối cho việc giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất về mức 22% theo yêu cầu của Ngân hàng nhà nước - đã trôi qua và cũng chưa thấy có ngân hàng thương mại cổ phần nào bị xử lý, viễn ảnh một sóng tăng mới lại trở nên khá vô vọng. Tâm lý nhà đầu tư lại một lần nữa trôi về dĩ vãng cách đây không quá lâu.
Con đường đau khổ càng lúc càng tra tấn đôi bàn chân rách bươm của thị trường. Không chịu nhiều áp lực giải chấp nhưng cũng hoàn toàn thiếu cầu chủ động, thị trường cứ giảm dích dắc theo cách một bước tiến hai bước lùi, rồi đến một lúc nào đó khi sức bền mỏi của nhà đầu tư đã quá tải, thị trường tất sẽ xảy ra những phiên giảm mạnh.
Tính từ đỉnh phục hồi tạm của con sóng tăng vừa qua, chỉ số HNX đã mất chẵn 10%, trong khi VNI chỉ mất có 5,6%. Lại một kiểu lệch pha quá quen thuộc giữa hai chỉ số mà người ta vẫn thường chứng kiến trong những giai đoạn sụt giảm. Cứ cái đà này, có thể thấy trước là đồ thị VNI sẽ vẫn "đẹp" trong con mắt các nhà quản lý thị trường.
Còn mốc 74-75 điểm của HNX đã bị phá vỡ trong phiên cuối tuần trước. Theo logic, tuần này sẽ chứng kiến cung đường chông gai nhất của Con đường đau khổ: lao dốc mạnh. Tất nhiên, không phải tất cả các cổ phiếu đều giảm mạnh. Nhóm cổ phiếu có vốn hóa siêu nhỏ thậm chí đã biểu hiện mức giảm nhẹ hơn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy vậy, sự tan vỡ tâm lý luôn có thể khiến cho mặt bằng giá chung của các cổ phiếu bị kéo xuống hơn nữa.
Hiện thời, khả năng thị trường hình thành con sóng tăng nối tiếp sóng tăng vừa qua chỉ còn khoảng 10%. Ngược lại, 90% là xu thế giảm vẫn tiếp tục ngự trị. Rõ ràng hơn, đáy cũ của HNX đang bị đe dọa nghiêm trọng. Kịch bản HNX có thể lao thẳng về mốc 69 điểm, hoặc giảm răng cưa nhưng cũng về mốc này, đang hiển hiện.
Giai đoạn thị trường được kéo ngang đến 7 phiên để xả hàng như vừa qua cũng cho thấy xu thế giảm hoàn toàn có thể kéo HNX về dưới mốc 69 điểm. Dưới mốc này, có thể mức 66 điểm là chấp nhận được trong "hoàn cảnh" hiện nay.
Với thực tế tréo ngoe thị trường vẫn giảm dù nhận thông tin tốt, có lẽ sự kiện Bộ Tài chính đề xuất miễn giảm thuế chứng khoán cũng không có tác dụng đáng kể nào đối với sức hồi phục của thị trường.
Một thử thách lớn khác mà TTCK sẽ phải đối mặt là người anh em của nó - thị trường bất động sản - đang có cơ may hơn nhiều. Nếu trong tuần này hoặc tuần sau, một vài thông tin tích cực liên quan đến chính sách "giải cứu" bất động sản được tung ra và sau đó xuất hiện thông tin xác nhận lượng giao dịch nhà đất tăng dần, thì có thể nói hy vọng cho TTCK đón nhận dòng tiền mới sẽ càng trở nên hão huyền. Cũng vì thế mà chỉ số chứng khoán sẽ rất khó được cải thiện ít ra trong ngắn hạn. Có chăng, theo nhận định của Vietstock, nhóm cổ phiếu bất động sản có hy vọng được nhà đầu tư quan tâm hơn các nhóm cổ phiếu khác.
Trong trung hạn và dài hạn, thông tin về việc đóng quỹ và thoái vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài đã là một trong số ít cơ sở mang tính chỉ báo. 63.000 tỷ đồng (theo giá trị hiện tại) sẽ được các quỹ đầu tư này rút ra trong 4 năm tới (giai đoạn 2011-2015) trong điều kiện thị trường bị co thắt về thanh khoản, lại đang đặt ra một giả thuyết mới: chu kỳ suy giảm của TTCK sẽ chỉ kết thúc khi kế hoạch thoái vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài đã thực hiện được ít nhất 80%.
Chưa bao giờ trong lịch sử, kể cả vào thời kỳ khủng hoảng năm 2008, TTCK lại khốn đốn như lúc này. Cũng chưa bao giờ các công ty chứng khoán lại quyết đoán như hiện nay khi tiếp tục đóng cửa hết văn phòng này đến văn phòng kia và còn có thể sẽ cho nhân viên nghỉ việc nhiều hơn nữa. Phải chăng "linh cảm" của các công ty chứng khoán vẫn xấu? Vậy những nhà đầu tư đang ngập tràn hoang mang, hay cả những nhà đầu tư còn hăm hở muốn dùng tiền nhàn rỗi lao vào bắt đáy, nên ứng xử ra sao?
Có lẽ cần nhắc lại lời tán thán từ một vị quan chức có trách nhiệm gián tiếp (nhưng vẫn còn là có trách nhiệm) đối với thị trường: "Bây giờ mà cứ hò hét, thổi niềm tin về sự tươi rói của TTCK tức là chúng ta thúc đẩy những nhà đầu tư vốn đang khó khăn tiếp tục lao vào vực xoáy".
(Diễn đàn Kinh Tế Việt Nam)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com