Đứng trước một số vụ bê bối đã và đang diễn ra trong ngành chứng khoán, UBCK NN mới đây đã bổ sung thêm nội dung “CTCK không được cho khách hàng vay tiền để mua chứng khoán” trong dự thảo “Thông tư về Quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK”. DĐDN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Chu Đức Tuấn - Phó trưởng phòng nghiên cứu - phân tích CTCK Phố Wall xung quanh vấn đề này.
Theo dự thảo “Thông tư về Quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK” của UBCKNN mới công bố, thì “CTCK không được cho khách hàng vay tiền để mua chứng khoán, trừ trường hợp Bộ Tài chính có quy định khác”. Dưới góc nhìn của người trong cuộc, ông có tin rằng quy định này được thị trường ủng hộ và xóa bỏ được tình trạng đòn bẩy tài chính “chui” phổ biến hiện nay ?
Thực tế cho thấy, trên bất kể thị trường nào, nhà buôn bất kể hàng hóa gì đều có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính để tối đa hóa lợi nhuận mục tiêu. Ngay cả trên thị trường chứng khoán, nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính là một trong những nhu cầu tất yếu, nó kích thích thanh khoản và tăng tính hấp dẫn của thị trường. Điều này góp phần vào sự phát triển của kênh huy động vốn lớn nhất trên thế giới hiện nay.
Do vậy, nội dung quy định này đi ngược lại với mong đợi từ rất lâu nay của giới đầu tư chứng khoán. Không những khó tìm được sự ủng hộ của thị trường, mà quy định “cấm” này có thể bị phản tác dụng. Ngay cả khi không có thông tư hướng dẫn cụ thể, thì quy định cấm giao dịch ký quỹ (margin trading) đã bị lách luật khá phổ biến dưới nhiều hình thức như “Hợp đồng hợp tác đầu tư/kinh doanh”, “Hợp đồng bảo lãnh thanh toán tiền mua chứng khoán”,... Thực chất các hoạt động này nhằm cung cấp đòn bẩy tài chính cho nhà đầu tư công khai, nhưng không được kiểm soát và có thống kê cụ thể.
Tình trạng “mù thông tin” về giao dịch ký quỹ mới là mối đe dọa cho thị trường vì nó dễ dẫn đến nguy cơ “vỡ tín dụng chứng khoán” khi không có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, theo quan điểm cá nhân của tôi, UBCKNN thay vì tiếp tục cấm CTCK cho khách hàng vay mua chứng khoán, thì nên quy định cụ thể về giao dịch ký quỹ công khai và kiểm soát chặt chẽ và cung cấp số liệu thực tế về hoạt động giao dịch này. Những nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn công cụ đòn bẩy tài chính trên TTCK sẽ không thu được hiệu quả gì bởi nó đi ngược lại quy luật cung cầu chính đáng của nền kinh tế thị trường.
Cũng liên quan đến hoạt động cung cấp đòn bẩy tài chính, các NHTM hiện nay đang đứng trước áp lực thu hồi vốn đã cung cấp trực tiếp cho NĐT chứng khoán hoặc gián tiếp qua các CTCK, để giảm tỉ trọng tín dụng phi sản xuất về mức 22% trên tổng dư nợ cho vay vào thời hạn 30/6/2011 này. Điều này đã tác động ra sao đến TTCK và liệu có khả năng đạt được mục tiêu trên theo đúng thời hạn ?
Đứng trước áp lực thu hồi vốn của các NHTM và CTCK, hoạt động bán giải chấp cổ phiếu đã diễn ra khá mạnh từ giữa tháng 5/2011. Trong bối cảnh thanh khoản thấp và triển vọng vĩ mô kém khả quan, lượng hàng thoát ra thành công rất nhỏ giọt và đẩy giá cổ phiếu giảm thê thảm trong khoảng 2 tuần. Cú sốc giảm điểm này đã phần nào lấy đi chút hy vọng mong manh của nhà đầu tư trong chuỗi ngày đen tối. Những kỷ lục thấp hơn thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới đã được xác lập và xu thế giảm vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Thêm vào đó, những cú “bulltrap” (bẫy tăng giá) chỉ làm tổn thương thêm vết thương cũ.
Để đạt được mục tiêu giảm dư nợ tín dụng phi sản xuất, các NHTM tập trung thu hồi vốn và không cho vay những hợp đồng mới về chứng khoán và bất động sản,... Trong đó, các khoản cho vay bất động sản là các khoản vay trung hạn với thời gian từ một năm trở lên, do vậy, khả năng thu hồi vốn nhanh tập trung chủ yếu vào các hợp đồng về chứng khoán, khiến áp lực giảm điểm trên thị trường này ngày càng mạnh.
Theo công bố mới đây của NHNN, tỉ trọng phi sản xuất hiện giảm được 1,92% so với mức 18,87% cuối 2010. Như vậy, cơ cấu tín dụng phi sản xuất hiện nay là 16,95% so với mục tiêu 16% vào cuối 2011. Điều này cho thấy toàn hệ thống đã đạt được mục tiêu đưa tỉ trọng tín dụng phi sản xuất về 22%. Áp lực hiện nay có chăng là tại một số NHTM có tỉ trọng này còn ở mức cao và cần xem xét tiếp tục điều chỉnh.
Xung quanh vấn đề mua vào cổ phiếu quỹ, có nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn các DN hiện đang gặp nhiều khó khăn nguồn vốn, khả năng tiếp cận vốn tín dụng thấp và với chi phí cao, nhưng lại có chuyện dư vốn để mua cổ phiếu quỹ. Ông có cho đây là một tín hiệu tốt cho TTCK ?
Hiện tượng mua cổ phiếu quỹ của các DN là hoạt động đầu tư thông thường, nhằm mục tiêu đầu tư sinh lời bằng nguồn tiền mặt nhàn rỗi khi chưa có phương án sử dụng cụ thể. Trong trường hợp khác, DN có thể mua cổ phiếu nhằm đỡ giá “cổ phiếu nhà” trong bối cảnh thị trường giảm điểm. Xét động thái mua cổ phiếu quỹ hiện nay, chúng ta cần thận trọng phân biệt việc đăng ký mua và thực tế mua !
Trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ của nền kinh tế, việc các DN còn tiền để mua vào cổ phiếu quỹ cho thấy chiến lược kinh doanh dài hạn nói chung và khả năng sử dụng tiền mặt ngắn hạn nói riêng của DN đó đang gặp vẫn đề, hoặc DN này có vẻ không tập trung vào lĩnh vực kinh doanh truyền thống mà có xu hướng chạy theo đầu tư tài chính ngắn hạn. Do đó, không phải DN nào mua vào cổ phiếu quỹ nhiều cũng được cho là tích cực, mà chủ yếu cho thấy quan điểm của chủ doanh nghiệp cho rằng cổ phiếu đang ở mức rẻ so với giá trị sổ sách và đặt kỳ vọng vào sự tăng trưởng cổ phiếu.
Xin cảm ơn ông !
( Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com