Tồn tại hay phá sản, lãnh đạo nhiều DN đang vắt óc nghĩ kế xoay tiền, trả bớt nợ ngân hàng và duy trì hoạt động.
Sông Đà Thăng Long (STL) hy vọng thu được khoảng 600 tỷ đồng từ đợt siêu khuyến mại công bố cuối tuần qua, trong khi đó, nhiều DN khác lại sử dụng chiêu tính lãi suất rất cao cho khách hàng nộp tiền nhà trước thời hạn, vay tiền cổ tức của cổ đông, chuyển nhượng một phần dự án…
Chương trình khuyến mại của STL dành cho 200 khách hàng đã nộp tiền mua căn hộ tại tổ hợp Usilk City Khu đô thị Văn Khê, Hà Nội nếu họ quyết định nộp ngay toàn bộ số tiền còn lại của Hợp đồng mua bán căn hộ đã ký kết. Theo đó, những hợp đồng mà giá trị phải nộp còn lại trên 2 tỷ đồng, khách hàng nộp tiền ngay sẽ được tặng miễn phí 35m2 sàn thương mại; những hợp đồng có giá trị nộp còn lại từ 1,2 tỷ đến 2 tỷ đồng, khách hàng được tặng 25m2 sàn thương mại. Những hợp đồng có giá trị nộp còn lại từ 600 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng sẽ được nhận 18m2 sàn thương mại. Ngoài ra, những khách hàng đã đăng ký mua gian hàng tại khu Trung tâm thương mại Usilk City, nếu đồng ý nộp nốt tiền ngay đợt này, sẽ được hưởng thêm 25% diện tích đã mua.
Ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó tổng giám đốc STL cho biết, Công ty kỳ vọng thu được 600 tỷ đồng từ đợt khuyến mại này. Tác dụng của chiêu bán hàng này được ông Việt ví von bằng thực tế có những khách hàng STL phải nhắc nhở nhiều lần vẫn chưa đóng tiền theo tiến độ, nhưng sau khi có chương trình khuyến mại đã mang tiền đến nộp cả phần giá trị còn lại của hợp đồng.
Theo tính toán của STL, với giá bán mỗi m2 trung tâm thương mại khoảng 48 triệu đồng, mức giảm giá cao nhất có thể tới 30-40%/căn hộ. Theo tiến độ, tháng 7 tới, các tòa chung cư sẽ xây xong phần thô, sau giai đoạn hoàn thiện khoảng quý I/2012, STL sẽ tiến hành bàn giao nhà và thu toàn bộ tiền bán nhà.
Ngoài mục tiêu thu hồi vốn thật nhanh, STL còn nhắm đến việc tạo thanh khoản cho sản phẩm căn hộ, đặc biệt là trung tâm thương mại trên thị trường thứ cấp. Trung tâm thương mại Usilk City có diện tích lên tới 70.000 m2, chuẩn bị mở bán và đang cần hỗ trợ để tăng nhiệt chuẩn bị cho đợt giao dịch lớn. Dư luận thì cho rằng, nếu không chịu áp lực trả bớt nợ vay (hiện tổng vốn nợ ngắn, dài hạn của STL hơn 5.000 tỷ đồng), khó có công ty nào tại Hà Nội đưa ra kế hoạch táo bạo như STL.
Động thái của ban điều hành STL gây chú ý và đáng tham khảo, bởi theo kinh nghiệm của giới kinh doanh bất động sản, những giảm giá nhỏ giọt như chiết khấu 2-5-10% giá bán hoặc miễn phí dịch vụ trong mấy năm đầu sử dụng không đủ kích thích nhà đầu tư. Giới kinh doanh bất động sản từng chia sẻ chuyện, năm 2008, Tập đoàn Nam Cường dù giảm giá bán 10% dự án Dương Nội, khách hàng vẫn lèo tèo, thậm chí nhiều người còn rút tiền cọc. Công ty này đã quyết định tăng giá 20% tại dự án để giữ khách hàng đã ký hợp đồng, song song đó khoanh vùng một dự án tại Hải Dương và giảm giá 40-60% sản phẩm dự án này để kích thích sức mua từ khách hàng. Cách bán hàng đó đã giúp DN qua cơn khốn khó.
Không "bán bia kèm lạc" như STL, một số DN họ Vinaconex đã gửi thông báo cho khách hàng kêu gọi họ hỗ trợ tạm ứng tiền đóng trước. Công ty sẽ tính lãi suất 1,5%/tháng cho khoản tiền đó và đến hạn tự động khấu trừ vào tiền nhà cho khách hàng. Kế toán trưởng một DN tính toán, nếu như toàn bộ khách hàng hưởng ứng, vì thời hạn đóng tiền sắp đến gần, số tiền DN thu được cũng lên tới gần 500 tỷ đồng. Trong khi đó, với những khách hàng khó khăn, chậm nộp tiền so với quy định sẽ bị công ty tính lãi phạt 150% lãi vay ngân hàng.
Rất nhiều DN niêm yết lại đang áp dụng cách vay lại tiền cổ tức từ cổ đông với lãi suất ít nhất 1,4-1,5%/tháng. Cổ đông không lĩnh cổ tức, có thể thông báo với công ty và được tính lãi đến khi có nhu cầu rút tiền. Giám đốc tài chính một DN niêm yết quy mô vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng đánh giá, với mỗi cổ đông sở hữu vài ba nghìn cổ phần, công ty trả 10% cũng chỉ tương ứng với vài ba triệu đồng, nhưng cổ đông đồng lòng cho vay lại thì số tiền công ty thu được cũng tới 250 tỷ đồng, hỗ trợ đáng kể vốn lưu động ở thời điểm này.
Trao đổi với Chủ tịch HĐQT một DN niêm yết, vị này chia sẻ, quý III mới là thời điểm khó khăn nhất của DN. Lãnh đạo DN này đang dự kiến tổ chức ĐHCĐ bất thường xin điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm. Với những người như ông, duy trì hoạt động của DN với một bên là cuộc sống của hàng nghìn người lao động, một bên là sức ép lợi nhuận từ các cổ đông, đang đòi hỏi phải "vắt óc" đẻ ra tiền.10 doanh nghiệp niêm yết có tỷ lệ nợ vay lớn nhất trên TTCK(Nguồn: BCTC năm 2010) Mã CK ROE ROA EPS (đông) Vốn điều lệ (tỷ đồng) Vốn chủ sở hữu (tỷ đồng) Nợ/Vốn STL 38,33% 1,81% 5.361,75 150 245,9 21,66 VMD 21,46% 0,97% 2.896,83 81 142 18,08 DDM -76,59% -5,30% (6.069,31) 122 71,9 17,59 TLT 23,86% 1,34% 592,03 69,8 19,14 14,74 PVV 40,34% 3,34% 1.965,32 50 63,69 13,83 SDS 21,30% 1,33% 2.337,13 28 33,39 11,79 SHC -168,64% -51,89% (16.055,71) 37 5,86 11,22 SD8 7,97% 0,68% 701,36 28 25,35 10,23 V21 30,13% 2,66% 6.700,84 17 41,58 10,05 PVA 38,58% 4,72% 5.800,76 100 171,4 9,97
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com