Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mong đợi của thị trường

Chưa biết tới đây Bộ Tài Chính (BTC) sẽ đưa ra giải pháp và lộ trình thực hiện “tổ chức, quản lý TTCK nhằm phát triển ổn định, có hiệu quả, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ra sao, nhưng sự quan tâm tới TTCK trong Nghị quyết 83/NQ-CP ban hành ngày 5/6 đã phần nào làm các nhà đầu tư “hởi lòng hởi dạ”.

Việc “luật hóa” những gì trước đây vốn chỉ được thực thi “lậu” hoặc bằng sự ưu đãi không công bằng là rất cần thiết, nhất là ở góc độ tháo gỡ nút thắt thanh khoản trong những thời điểm dòng tiền trên thị trường khan hiếm
 
Một mặt, nhà đầu tư (NĐT) gỡ bỏ được “mặc cảm bị bỏ rơi” như đã từng có suốt thời gian qua. Mặt khác, lại cũng có cơ sở để dấy lên nhiều hi vọng...

Mong bệnh “lạm phát” sớm dứt điểm

Nhiều ý kiến cho rằng, cũng như Thông tư 74 (TT) mà BTC đã ban hành, yêu cầu “cứu chứng khoán và bất động sản” của Chính phủ vừa qua có ý nghĩa về mặt tâm lý nhiều hơn là thị trường có thể trông đợi vào những giải pháp chính thức đã và sẽ được đưa ra. Nhưng đối với một bộ phận NĐT, việc “luật hóa” những gì trước đây vốn chỉ được thực thi “lậu” hoặc bằng sự ưu đãi không công bằng cho tất cả như mở nhiều tài khoản, giao dịch ký quỹ..., là rất cần thiết, nhất là ở góc độ tháo gỡ nút thắt thanh khoản trong những thời điểm dòng tiền trên thị trường khan hiếm. Một số NĐT khác cho biết “sẽ yên tâm hơn nữa nếu tới đây, BTC cho phép sử dụng những công cụ hỗ trợ như bán khống, quyền chọn, rút ngắn thời gian T+, tạo sức bật đồng bộ cho thị trường”.

Anh Việt, nhà đầu tư sàn ABCS nói: “Chúng tôi không kỳ vọng mọi thứ sẽ lập tức sáng sủa ngay, nhưng rất kỳ vọng sẽ có sự sáng sủa trong dài hạn. Chẳng hạn, những giải pháp, đề xuất nào đó từ BTC có thể sẽ hợp lý, tương thích như một lực đỡ và đòn bẩy cho thị trường trong năm nay, trong năm tới. Nhưng nếu vẫn áp dụng cứng nhắc, nguyên xi một gói giải pháp cho cả những năm tiếp theo, thì chắc chắn sẽ lại bất ổn. Mất hơn 10 năm, khi thị trường gần như kiệt sức, mới có TT 74. Vậy nên chúng tôi cũng mong làn gió mở cửa như thế sẽ không chỉ đến một lần, hai lần, mà phải liên tục, và không phải đợi chỉ khi thị trường suy thoái mới lại bàn đến cải tổ”.

Theo một nguồn tin của DĐDN, trên thị trường hiện tại đang có một dòng tiền đến từ các khoản “vay nóng” với lãi suất khoảng 30%. Nhiều NĐT chấp nhận lãi suất đó, và sẵn sàng “sống chung với lũ lạm phát” từ nay cho đến hết năm. Bởi với sự “cởi mở” của cơ quan quản lý thị trường vừa qua và trong tâm trạng bớt bi quan hiện nay của thị trường, NĐT nào giỏi vẫn có thể tranh thủ các con sóng ngắn và kiếm lợi nhuận với mức khả quan trên mức lãi vay. Nếu kém hơn, họ vẫn được giữ những cổ phiếu “đáng đồng tiền bát gạo” trong tương lai. Tuy nhiên, theo các NĐT này, chỉ khi lạm phát “dứt điểm”, kinh tế ổn định, DN làm ănđược thì cơ hội đầu tư trên TTCK mới thực sự hết bấp bênh.

Thanh lọc và tái cấu trúc thị trường


Dè dặt trong việc đề xuất, góp ý cho giải pháp xây dựng một TTCK ổn định, có đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tổng giám đốc một CTCK nói: “Thú thật, chúng tôi cũng đã nhiều lần tham gia các hội thảo do các cơ quan quản lý tổ chức, cũng đã góp ý, đề xuất... nhưng cuối cùng vẫn thấy mọi quy định được đưa ra hầu như không có sự gắn kết nào với ý kiến của thành viên thị trường”.

Một giám đốc CTCK đề nghị không nêu tên, bày tỏ: “ Chúng tôi cho rằng BTC nên tính tới các biện pháp can thiệp hành chính để xử lý tình trạng thừa CTCK. Chưa bàn đến sự cạnh tranh một cách méo mó hay chất lượng dịch vụ thì riêng ảnh hưởng của các CTCK thua lỗ tới tâm lý NĐT thời gian qua là rất nghiêm trọng. Cần phải giám sát và siết chặt hoạt động của các CTCK thua lỗ hoặc vi phạm nhiều lần các quy định, thậm chí cần rút giấy phép hành nghề của những định chế đã không hoàn thành vai trò trung gian trong một thời hạn có quy định cụ thể, kiểu như phạm luật giao thông ở mức độ nào thì sẽ bị treo bằng lái và thu hồi xe với khoảng thời gian nào. Hiện nay, quy định này đã có tại điểm b Điều 70 Luật Chứng khoán năm 2006, nhưng theo tôi chế tài vẫn chưa đủ mạnh để giải quyết nạn “lạm phát” CTCK và khiến “vài con sâu làm rầu nồi canh”.

Thanh lọc, bổ sung sản phẩm giao dịch, nâng chất lượng dòng tiền đầu tư là đề xuất của ông Nguyễn Hải Thanh, chuyên gia đầu tư của Câu lạc bộ SAFC. Cụ thể, cải cách các quy chế mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài, nới “room” cho vốn ngoại trong một số ngành nghề lĩnh vực, nới biên độ giao dịch, ban hành nhanh chóng và cụ thể hơn nữa những công cụ giúp thị trường phát triển, đồng bộ xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ để quản lý việc ứng dụng các công cụ đó. Và, đừng “lạc” tái cấu trúc thị trường sang những vấn đề thuộc về tái cơ cấu quản lý như tách UBCKNN ra khỏi BTC, hay chọn hình thức phát triển nào cho các Sở giao dịch trong vài ba năm tới - ông Thanh nhấn mạnh.

Đặt lại mục tiêu

Trao đổi với DĐDN, TS Nguyễn Trần Dương, nguyên Thư ký HĐKH TP Hồ Chí Minh cho rằng cải tổ cần nhất đối với TTCKVN hiện nay là đặt lại... mục tiêu. “Trước đây, quy mô thị trường nhỏ nên kế hoạch quản lý, giám sát và đặc biệt là mục tiêu cho dòng vốn chưa thật rõ ràng. Điều đó có thể dễ hiểu và chấp nhận được trong giai đoạn “chập chững tập đi”. Bây giờ, ở quy mô lớn, vốn hóa thị trường có lúc tương đương hơn 40% GDP, thì việc buông lỏng sẽ gây ra hệ lụy. Và hệ lụy cũng đã thấy rõ”.

Những năm qua, chưa có một thống kê chính xác từ bất kỳ cơ quan quản lý hữu quan nào về con số bao nhiêu phần trăm dòng vốn huy động được từ kênh chứng khoán đã chảy vào sản xuất kinh doanh. Đó là một lỗ hổng lớn trong quản lý. Do đó, mọi giải pháp cải tổ thị trường, nếu có, cần phải được định vị trên cái nền mục tiêu “có đóng góp cho mục tiêu kinh tế” này.

Có vẻ như ở một TTCK luôn rộng cửa lấy ý kiến đóng góp của mọi thành viên, thì bất cứ đề xuất, góp ý nào cho những giải pháp cũng có thể được lưu ý và hiện thực hóa trong... tương lai. Và BTC sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, chuyện nghe, nghe tới đâu, mức độ nào không hẳn phụ thuộc vào kinh nghiệm hay chia sẻ, đề xuất từ phía thị trường, mà còn thuộc vào tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách – những người được kỳ vọng sẽ không vì lợi ích nhóm hay cá nhân nào !

(Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!