TTCK VN diễn biến lình xình và suy giảm mạnh trong phần lớn thời gian của quý II đã phản ánh mối quan ngại của nhà đầu tư về kết quả kinh doanh (KQKD) kém khả quan của những DN niêm yết nói riêng và sự tăng trưởng yếu kém của nền kinh tế nói chung.
Đợt phục hồi ngắn hạn và kém bền vững trong tháng 6 vừa qua dường như vẫn chưa đủ sức thuyết phục dòng tiền đầu tư dài hạn tham gia giải ngân. Mặc dù vậy, giới đầu tư đang kỳ vọng vào một đợt sóng tăng dựa trên mùa báo cáo KQKD. Liệu điều này có thể xảy ra trong bối cảnh dòng tiền vẫn đang bị siết chặt ?
Nhìn về tổng thể kinh tế vĩ mô, Tổng cục Thống kê ước tính tăng trưởng (GDP) quý II/2011 tăng 5,67%, cao hơn quý I/2011 khoảng 24 điểm phần trăm, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010 khoảng 73 điểm phần trăm. Như vậy, GDP 6 tháng đầu năm nay ước tăng 5,57%, thấp hơn 61 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm năm 2010. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng năm 2011 tăng 9,7% so với cùng kỳ - cao hơn so với cùng kỳ các năm 2010 (8.0%) và 2009 (4,5%). Dựa trên 2 chỉ tiêu GDP và IIP cho thấy sức tăng trưởng kinh tế khá yếu và ở mức thấp hơn rất nhiều so với mức lạm phát 6 tháng đầu năm (13.29%). Tuy nhiên con số này lại sát với dự báo trước đó, do đánh giá được sự ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt đến tăng trưởng.
Nhìn dưới góc độ kinh tế vi mô, ngoài một số DN thực sự mạnh có khả năng chiếm lĩnh thị trường và có lượng tiền mặt tương đối dồi dào, thì phần lớn các DN khác vẫn đang gặp khó khăn do lãi suất cao cùng với chủ trương thắt chặt đầu tư công của Chính phủ. Bên cạnh đó, các DN có hoạt động đầu tư tài chính sẽ phải thực hiện trích lập dự phòng và có thể khiến các DN này phải báo cáo lỗ.
Trong một vài ngày gần đây, một số DN niêm yết đã công bố sớm về ước tính kết quả kinh doanh quý II/2011 với những con số khá đẹp. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng bằng chìm, chứ không phải phản ánh bức tranh chung.
Trước tiên, những DN lớn có thị phần cao, có thương hiệu mạnh, hoạt động trong những lĩnh vực sản xuất có ưu thế độc quyền cao và có khả năng đẩy “lạm phát” sang người tiêu dùng sẽ có kết quả kinh doanh khả quan, điển hình nhưVNM,FPT,TNC,PXS...
CTCP sữa VN (VNM) cho biết KQKD quý II được dự báo sẽ tiếp tục khả quan, tương đương với quý I.VNMđạt 1.006 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2010. Bên cạnh đó,VNMcòn có khoảng 1.000 tỉ đồng tiền mặt gửi ngân hàng để chuẩn bị triển khai nhà máy sữa bột và sữa nước. Số tiền này được rút dần thanh toán theo tiến độ dự án. Do đó, việc lãi suất tăng không tác động nhiều đến hoạt động củaVNM. Đồng thời, hoạt động trong ngành nhu yếu phẩm nên lạm phát cao cũng không làm thị phần củaVNMbị thu hẹp.
Tập đoànFPTcho biết, tính đến thời điểm này, các thành viên của tập đoàn đều cơ bản đạt được các chỉ tiêu đề ra cho 6 tháng đầu và khẳng định sẽ hoàn thành kế hoạch như đã cam kết. Cụ thể,FPTTelecom cho biết doanh số đạt khoảng 1,545 tỉ đồng, đạt 102% kế hoạch nửa đầu năm và hoàn thành 48% kế hoạch năm 2011, tương ứng lợi nhuận dự kiến là 375 tỉ đồng, hoàn thành lần lượt 101% kế hoạch 6 tháng và 48% kế hoạch năm. CTCP Thương mạiFPT(FTG) tính đến hết tuần 25, đã hoàn thành trên 90% kế hoạch kinh doanh nửa đầu năm 2011. CTCP phần mềmFPT(FPTSoftware) dự kiến doanh thu 6 tháng của Cty đạt trên 550 tỉ đồng, hoàn thành 43% kế hoạch năm và lợi nhuận dự kiến đạt trên 125 tỉ đồng, hoàn thành 43% kế hoạch. Đến nay, các Cty thuộc ngành kinh doanh cốt lõi gần như đã hoàn thành kế hoạch doanh số như đăng ký. Các đơn vị này cũng đang lên kế hoạch để có thể đạt mức doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng 30%/năm theo quyết định của lãnh đạo.
CTCP cao su Thống Nhất (TNC) cho hay, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 114,5 tỉ đồng, tương đương 64,5% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế 62,5 tỉ đồng, tương đương 126% kế hoạch. Mục tiêu 6 tháng cuối năm của Cty là khai thác 1.470 tấn mủ cao su, chế biến 1.357 tấn, đạt doanh thu 103,5 tỉ đồng, lợi nhuận 12,5 tỉ đồng. Với kết quả như trên, phiên họp HĐQT Cty ngày 23/6 đã thống nhất điều chỉnh kế hoạch doanh thu năm 2011 lên 218 tỉ đồng, tăng 22,89% so với kế hoạch cũ; lợi nhuận trước thuế lên 75 tỉ đồng, tăng 51,21% so với kế hoạch trước và tỉ lệ chia cổ tức thay đổi từ mức 10% lên 12 - 18% vốn điều lệ.
CTCP kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PXS), đại diện cho ngành lắp máy, cho biết công ty cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong 6 tháng đầu năm. Dự kiến sản lượng thực hiện 548.64 tỉ đồng, đạt 96.97% kế hoạch, doanh thu gần 431 tỉ đồng, đạt 100.09% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế 66.39 tỉ đồng, đạt 113.63% kế hoạch. Từ nay đến cuối năm,PXSsẽ tập trung nhân lực quản lý và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai.
Ngoài ra, một số DN nhỏ khác công bố sớm kết quả kinh doanh tương đối khả quan. Cụ thể như CTCP SXKD XNK dịch vụ & đầu tư Tân Bình; CTCPDICĐồng Tiến (DID); CTCP phát triển xây dựng đô thị Vĩnh Phúc (IDV); CTCP tập đoàn Đại Châu (DCS),...Tuy nhiên, các Cty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, đầu tư tài chính hoặc các Cty sản xuất vừa và nhỏ có tỉ trọng vay vốn ngân hàng cao, dự báo sẽ có kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý II và trong cả năm nay. Điển hình là các Cty đầu tư tài chính sẽ phải trích lập dự phòng, khiến họ rơi vào tình cảnh lãi kinh doanh, lỗ sổ sách. CTCK VNDirect dự kiến quý II/2011 lỗ 60 tỉ đồng, lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh của Cty đạt 30 tỉ, trong đó trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán là 90 tỉ đồng. Theo số liệu công bố từ UBCK, trên 24 Cty chứng khoán đã thông báo lỗ trong quý I/2011. Sang quý II, số CTCK báo cáo lỗ có khả năng tăng cao.
Nhìn vào “phần nổi của tảng băng chìm” trên có thể khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy lạc quan hơn vào triển vọng kinh doanh của các DN.
Tuy nhiên, như một quy luật bất thành văn, các DN hoạt động kinh doanh tốt thường có xu hướng báo cáo kết quả kinh doanh sớm, trong khi phần lớn những DN làm ăm kém lại chây ỳ trong việc công bố kết quả. Do vậy, còn quá sớm để khẳng định sẽ có đợt sóng tăng từ mùa báo cáo này. Bên cạnh đó, đợt phục hồi vừa qua của TTCK chủ yếu là do dòng tiền đầu cơ khởi xướng, chứ không phải là sự tham gia của dòng tiền đầu tư giá trị phản ánh triển vọng kinh doanh khả quan của các DN.
(Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com