Trong đợt phát hành riêng lẻ mới đây, để sở hữu 10,7 triệu cổ phiếu Vinamilk, NĐT nước ngoài đã móc hầu bao trả 129.359 đồng/CP, cao hơn 30% so với giá thị trường. Không chỉ cổ phiếu sữa, gần đây khối ngoại đã tỏ ra khá hào phóng trong một số thương vụ chuyển nhượng chứng khoán Việt. Đâu là lý do phía sau sự "rộng rãi" bất ngờ này?
Chứng khoán "2 giá"
Tập đoàn đồ uống nổi tiếng thế giới Diageo Plc từ lâu đã quen thuộc với giới sành điệu Việt Nam với nhiều loại đồ uống mang thương hiệu Johnnie Walker, Smirnoff, Bailey, Singleton… Những quý ông ưa thích các đồ uống có cồn cũng không xa lạ với Vodka Hà Nội, thương hiệu nổi tiếng do CTCP Cồn Rượu Hà Nội (Halico) sản xuất. Mới đây, hai thương hiệu nổi tiếng này đã có dịp hội ngộ qua việc ký kết văn bản hợp tác chiến lược toàn diện. Theo thỏa thuận, Diageo đầu tư hơn 50 triệu USD vào Halico.
Ngày 27/5 vừa qua, Streetcar Investment Holding Pte Limited - công ty con của Diageo Plc tại Singapore, công bố nâng tỷ lệ sở hữu tại Halico thêm 6,26%, lên 24,93%. Trước đó, hồi đầu năm, Diageo đã nhận chuyển nhượng 18,67% cổ phần Halico từ VinaCapital, với mức giá gần 11 USD/CP. Đáng chú ý, trước đó, theo báo cáo của VinaCapital, mức giá cổ phiếu Halico được ghi nhận vào khoảng 4 USD/CP.
Tương tự Halico, trong quý I/2011, một công ty ngành hàng tiêu dùng khác là Masan Consumer (công ty con của CTCP Tập đoàn Masan - Masan Group) được Tập đoàn Kohlberg Kravis Roberts (KKR) rót 159 triệu USD để mua lại 10% cổ phần. Với khoản đầu tư này, tính ra KKR định giá trị thị trường của Masan Consumer lên tới 1,6 tỷ USD, tương ứng với mức giá hơn 11 USD/CP. Trong khi đó, cổ phiếu Masan Consumer được giao dịch trên thị trường OTC chỉ bằng phân nửa so với giá mà tập đoàn của Mỹ này chấp nhận trả cho Masan Consumer.
Hiện tượng chứng khoán "2 giá" như Halico hay Masan Consumer không dễ gặp. Thông thường, các doanh nghiệp bán cổ phần cho NĐT chiến lược ngoại có mức giá ngang bằng hoặc thấp hơn so với giá thị trường. Trong quá khứ chỉ có một số trường hợp hiếm hoi trong lĩnh vực tài chính là trả giá cao hơn như HSBC Insurance mua cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt, Morgan Stanley mua 10% cổ phần của CTCP Tài chính Dầu khí (PVFC). Cả hai NĐT chiến lược đều trả giá theo mức giá NĐT nội đấu giá thành công, cao hơn thị trường khi đó 20 - 30%. Tuy nhiên, bản chất sự chênh lệch này không đến từ sự "hào phóng" của khối ngoại, mà xuất phát từ các quy định mang tính pháp lý (Nghị định 109/2007/NĐ-CP quy định về cổ phần hóa DNNN, giá bán cho đối tác chiến lược không thấp hơn mức giá IPO).
Cuối năm ngoái, được sự chấp thuận của cơ quan quản lý, Dragon Capital đã chuyển nhượng vài triệu cổ phiếu Vinamilk cho một đối tác ngoại. Mức giá giao dịch cao hơn giá thị trường 25%. "Hàng hiệu" dĩ nhiên được bán với giá cao là bình thường. Thế nhưng, trái ngược với xu hướng này, khi chuyển nhượng 68,5% vốn góp tại CTCP Bourbon Tây Ninh (SBT), Tập đoàn Bourbon (Pháp) đã chấp thuận mức giá 10.000 đồng/CP. Khi ấy, giá cổ phiếu SBT trên thị trường cao hơn mức giá chuyển nhượng 20%. Trong khi đó, SBT sở hữu thiết bị sản xuất đường hiện đại nhất Việt Nam và trong số những người "đánh tiếng" với Tập đoàn Bourbon có nhóm NĐT sẵn sàng mua với mức giá 15.000 đồng/CP. Thế nhưng, tập đoàn của Pháp này lại chọn người trả giá thấp nhất - CTCP Sản xuất thương mại Thành Thành Công và nhóm công ty liên quan.
Tầm nhìn vượt giá
Tại sao khối ngoại tỏ ra rộng rãi bất thường? Với Vinamilk, ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc tư vấn tài chính doanh nghiệp của CTCK Bản Việt (đơn vị tư vấn phát hành) giải thích, để có thể sở hữu 3% cổ phần Vinamilk, NĐT nước ngoài phải chấp nhận trả mức giá rất cạnh tranh. Về yếu tố cơ bản, Vinamilk là công ty sữa hàng đầu có mạng lưới phân phối rộng khắp, cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho một thị trường 86 triệu dân.
Trong quá khứ, Vinamilk có tốc độ tăng trưởng ấn tượng và tương lai có thể duy trì tốc độ này. Xét về mặt định giá, Vinamilk là cổ phiếu blue-chip với các chỉ số định giá hấp dẫn. Ngoài ra, "room" của cổ phiếu Vinamilk cho NĐT nước ngoài đã đầy, nên không phải NĐT ngoại nào cũng có thể sở hữu cổ phiếu này. Đợt phát hành riêng lẻ là cơ hội hiếm có cho các NĐT mới "shopping" loại cổ phiếu hàng hiệu, vì thế giá cả không phải vấn đề chính yếu.
Với Halico, lý do không khác Vinamilk là bao. Bàn về sự hợp tác, trong lễ ký kết, thông cáo báo chí dẫn lời ông Gilbert Ghostine, Chủ tịch châu Á - Thái Bình Dương của Diageo: "Halico là nhà sản xuất rượu nội địa lớn nhất tại Việt Nam, với sản phẩm hàng đầu là Vodka Hà Nội. Hệ thống phân phối vững mạnh của họ và việc gần đây đầu tư vào cơ sở sản xuất hiện đại đã thể hiện rõ tham vọng trong việc dẫn đầu trên thị trường. Đây là lý do khiến Diageo quyết định đầu tư vào Halico".
Giới quan sát đánh giá, bên cạnh yếu tố cơ bản hấp dẫn (4 năm qua, Halico tăng trưởng 25 - 30%, EPS năm 2011 có thể đạt 10.000 đồng), mức giá "đắt đỏ" trên còn là cái giá mà tập đoàn sở hữu nhãn hàng Johnnie Walker thâm nhập vào phân khúc đồ uống có cồn bình dân Việt Nam.
Về sự hợp tác KKR - Masan Consumer, theo nguồn tin riêng của ĐTCK từ Tập đoàn Masan, thông tin công bố ra thị trường chỉ là phần nổi của một hợp đồng có nhiều điều khoản phức tạp, rắc rối. Trong văn bản ký kết giữa hai bên, Masan Consumer cam kết sẽ niêm yết trên TTCK vào năm 2017. Nếu không, KKR có quyền chuyển đổi cổ phần nắm giữ tại Masan Consumer qua cổ phiếu của Tập đoàn Masan (MSN) theo công thức định giá đã thống nhất từ trước.
Ở Việt Nam, Tập đoàn Bourbon được biết đến nhiều với mảng bán lẻ (chuỗi siêu thị Cora, nay là Big C) và sản xuất mía đường. Thế nhưng, ở chính quốc, ngành nghề chính của Tập đoàn lại là hàng hải. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua, các cổ đông lớn của tập đoàn mẹ đã yêu cầu Bourbon rút lui ở tất cả các lĩnh vực không thuộc ngành nghề lõi trên toàn cầu. Thực tế, SBT là nhà máy đường cuối cùng mà Bourbon thoái vốn. Thành Thành Công trả giá thấp nhất, nhưng đề án mua cổ phần lại lọt vào mắt xanh của đối tác Pháp: trong kế hoạch mua lại SBT, Thành Thành Công cam kết phát triển giữ vững thương hiệu, đảm bảo sự hoạt động ổn định liên tục của nhà máy, vài năm tới nâng công suất khai thác của SBT lên 80% (kể từ khi đi vào hoạt động, SBT chỉ đạt được trên dưới 50% công suất do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu).
Dù xuất phát từ các lý do khác nhau, nhưng sự xuất hiện các thương vụ chuyển nhượng cổ phần đáng chú ý của khối ngoại nêu trên là những điểm sáng tích cực. Điều này cho thấy, bất chấp sự đi xuống của thị trường và bất ổn kinh tế vĩ mô, các lĩnh vực có dư địa tăng trưởng lớn vẫn dành được sự quan tâm từ khối ngoại. Những cuộc chuyển nhượng cổ phần có "tầm nhìn vượt giá" đang được NĐT nước ngoài âm thầm thực hiện theo chiến lược bài bản, tính toán dài hơi. Đáng tiếc, đây là điều mà các NĐT tổ chức nội địa đang thiếu và yếu, dù nắm nhiều lợi thế trên sân nhà.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com