Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường chứng khoán tìm xu thế cuối năm

 Bước sang tháng 7, TTCK tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, dòng tiền trên thị trường bị siết chặt hơn...

Những vẫn đề nóng của tháng 6 như dấu hiệu giảm tốc của lạm phát, sự thành công của các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ, lộ trình giảm tỉ lệ tín dụng phi sản xuất hay các quy định mới về giao dịch ký quỹ sẽ tiếp tục được nhà đầu tư (NĐT) quan tâm trong nửa cuối năm và sẽ đem lại nhiều tác động mang tính cơ bản.

Những yếu tố hỗ trợ


Thứ nhất, lạm phát tiếp tục giảm tốc trong tháng 7 với dự báo tốc độ tăng chỉ số CPI khoảng 0,7-0,9%. Mặc dù vậy, mục tiêu lạm phát của Chính phủ mới được điều chỉnh tăng từ 15% lên 17% cho cả năm cũng rất khó thực hiện, bởi CPI 6 tháng đầu năm đã tăng quá 13% và chỉ còn lại gần 4% dư địa cho 6 tháng cuối năm.

Thứ hai, lãi suất đang có xu hướng điều chỉnh giảm dần theo sự giảm tốc của lạm phát. Biểu hiện đầu tiên là lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây và sự thành công của các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ với lãi suất thấp.

Thứ ba, dư địa cho tăng trưởng tín dụng 6 tháng còn lại là khá lớn nếu so với hạn mức. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng chỉ đạt hơn 7% và tổng phương tiện thanh toán tăng gần 2.5%, trong khi hạn mức cho cả năm lần lượt là 20% và 16%.

Thứ tư, tỉ giá được duy trì ổn định nhờ những quy định khắt khe về kinh doanh ngoại tệ. Thông tư số 13/2011/TT-NHNN quy định bắt đầu từ ngày 1/7, các tập đoàn nhà nước, các TCty nhà nước phải bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng (TCTD) theo quy định của NHNN. Đồng thời, NHNN tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các TCTD thêm 1%, giảm trần lãi suất huy động bằng USD của tổ chức xuống còn 0,5%/năm, của các cá nhân còn 2%/năm.

Thứ năm, thị trường đón nhận nhiều chính sách hỗ trợ tích cực và quy định giao dịch thông thoáng hơn. Cụ thể, Thông tư 74/2011/BTC của Bộ Tài chính cho phép nhà đầu tư được mua bán chứng khoán cùng phiên và mở nhiều tài khoản, cho phép Cty CK thực hiện giao dịch ký quỹ bắt đầu từ ngày 1/8; Sở giao dịch chứng khoán TP HCM dự kiến áp dụng lệnh giao dịch MP (lệnh thị trường). Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất phương án miễn thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư chứng khoán từ 1/8/2011 đến hết năm 2012.

Thứ sáu, giá cổ phiếu hiện vẫn đang ở mức thấp và hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn. Nếu chỉ xét trên cơ sở định giá, thì thời điểm hiện nay là cơ hội hiếm hoi cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Theo hai chỉ tiêu P/E và P/B thì  TTCK VN đang được định giá thấp hơn so với thời điểm khủng hoàng kinh tế toàn cầu 2008-2009.

Những yếu tố kìm hãm

Thứ nhất, lạm phát đã và đang giảm tốc từ tháng 5 đến nay, nhưng khả năng tăng tốc trở lại sẽ sớm xuất hiện từ khoảng tháng 8 theo tính chất vụ mùa. Đặc biệt khi giá hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng trong khi không thể khống chế giá tại trong nước.

Thứ hai, mặc dù lãi suất có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao do Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ đến hết năm 2012. Dòng tiền đòn bẩy trên TTCK tiếp tục bị hút ra để thực hiện mục tiêu giảm tỉ lệ tín dụng phi sản xuất xuống còn 16% vào thời điểm cuối năm nay.

Thứ ba, quan trọng nhất là kết quả kinh doanh của các DN niêm yết trong 6 tháng đầu năm sẽ kém khả quan và khó thực hiện được chỉ tiêu kinh doanh cả năm đề ra. Tuy nhiên, TTCK trong thời gian gần đây không quá phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản của từng DN mà chủ yếu là từ tác động vĩ mô đến thị trường chung và dòng tiền đầu cơ đến từng mã cổ phiếu cụ thể. Do vậy, sẽ không có nhiều biến động mạnh khi các báo cáo KQKD quý 2 được công bố. Nhưng đây sẽ là nền tảng để các NĐT đưa ra cái nhìn của mình vào triển vọng kinh doanh và TTCK trong dài hạn.

Thứ tư, thống kê từ sàn TP HCM, từ đầu tháng 4 có 16 DN được chấp thuận niêm yết và có thể chào sàn trong thời gian tới. Tại sàn Hà Nội, hiện có 7 DN đã nộp hồ sơ niêm yết và chỉ còn chờ ngày giao dịch đầu tiên. Như vậy, ít nhất có 23 DN đang chờ niêm yết với tổng cộng trên 1 tỉ cổ phiếu niêm yết. Bên cạnh đó, hàng chục DN khác đang xúc tiến làm hồ sơ ở Cty CK trước khi chính thức chuyển đến Sở GDCK xin phép chào sàn.

Có thể nhận thấy TTCK sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong nửa cuối của năm 2011. So với các kênh đầu tư khác hiện nay, thì kênh đầu tư chứng khoán vẫn còn rất nhiều rủi ro trong khi cơ hội đem lại lợi nhuận ở mức thấp. Đối với các NĐT lướt sóng, khả năng tham gia thị trường bị hạn chế khi xu thế không thực sự hỗ trợ. Ngược lại, các NĐT giá trị, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thể coi đây là giai đoạn thích hợp để thực hiện giải ngân hay thực hiện các chiến lược M&A đầy lợi thế.

(Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!