Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu tư nước ngoài năm 2010: Chú trọng giải ngân

Cân nhắc những tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009 và tình hình đàm phán với các đối tác tiềm năng, các chuyên gia về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho rằng, số vốn FDI đăng ký mới trong năm 2010 có thể không cao hơn năm 2009, khoảng xấp xỉ 20 tỷ USD.

Năm 2009: Kết quả chưa cao, nhưng khả quan

Mặc dù ở thời điểm này chưa có những số liệu thống kê chính thức về vốn FDI của tháng 12, nhưng theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhìn chung trong tháng cuối năm không có thêm những dự án lớn thuộc loại “đột phá”. Tổng vốn thu hút được trong cả năm 2009 ước chừng 20,5 tỷ USD, chưa bằng 1/3 so với năm 2008. Mức vốn đăng ký mới này được coi là con số khá cao trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy ở Việt Nam tiềm năng tăng trưởng.

Nguồn vốn FDI đã có mặt ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tính chung đến thời điểm này TPHCM vẫn là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất, song Bà Rịa – Vũng Tàu đang vươn tới rất sát TPHCM, tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận… Tuy nhiên, một chỉ tiêu quan trọng hơn và thể hiện hiệu quả của FDI thực chất hơn chính là số vốn thực hiện. Vốn FDI thực hiện trong năm 2009, ước khoảng 10 tỷ USD, tương ứng 90% số vốn thực hiện của năm 2008.

Về vốn thực hiện, nhìn chung các dự án FDI đều đang triển khai phù hợp với tiến độ dự kiến. “Trong bối cảnh suy giảm đáng kể FDI tại hầu hết các nước tiếp nhận trên thế giới, FDI vào Việt Nam tuy có sụt giảm nhưng mức sụt giảm ít hơn các nước trong khu vực và so với dự kiến giải ngân từ đầu năm thì tiến độ giải ngân này là phù hợp. Tôi cho rằng với những điều kiện hiện nay thì nền kinh tế cũng chỉ có khả năng hấp thụ mỗi năm khoảng 10 - 11 tỷ USD vốn FDI”, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực này, bình luận.

Năm 2010: Nên tập trung giải ngân số vốn đã đăng ký

Vẫn theo ông Phan Hữu Thắng, đến thời điểm này đã có thể nói khá chính xác về khả năng thu hút dòng vốn FDI của năm 2010 chứ không chỉ là “dự báo”, bởi mỗi dự án FDI vào Việt Nam đều là kết quả của cả một quá trình tìm hiểu, đàm phán, thương thảo lâu dài, công phu. Và như vậy rất có thể, số vốn đăng ký vào Việt Nam năm 2010 không vượt quá con số thực tế thu hút được năm 2009 (ước 20,5 tỷ USD).

Năm 2010, nền kinh tế thế giới được coi là chưa phục hồi một cách bền vững. Nhiều đối tác truyền thống của Việt Nam trong lĩnh vực FDI vẫn còn gặp khó khăn lớn, trong khi một số đối tác “mới nổi” đến từ Trung Đông, trong đó có Tập đoàn Dubai World (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) đã bộc lộ “gót chân A-sin”. Hồi tháng 10 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn này tuyên bố coi Việt Nam là 1 trong 5 thị trường trọng điểm đầu tư của Tập đoàn, nhưng theo ông Nguyễn Quang Khai, Đại sứ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đóng tại Abu Dhabi, tình trạng khó khăn tài chính của Dubai World không thể không ảnh hưởng đến các dự án của họ đang đầu tư tại Việt Nam, nhất là những dự án lớn, dài hơi, cần nhiều vốn.

Chính vì vậy, thay vì quá tập trung vào việc tìm kiếm thêm dự án mới, ông Phan Hữu Thắng khuyến nghị chú trọng mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hiệu quả của các dự án FDI. Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định: “Việc chuyển số vốn đăng ký (với quy mô rất lớn từ nhiều năm trước và trong năm 2009) thành vốn thực hiện cũng là thách thức không nhỏ. Với những điều kiện như hiện nay về quy mô của nền kinh tế, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng cũng như năng lực quản lý hiện tại của các cấp quản lý FDI... thì sức hấp thụ vốn cũng có giới hạn, không thể kỳ vọng một con số giải ngân rất ấn tượng được. Tôi hy vọng vốn giải ngân trong năm 2010 sẽ cao hơn năm nay một chút, khoảng 11 tỷ USD, trong đó, vốn “ròng” FDI (vốn thực sự từ nước ngoài chuyển vào, không kể phần góp của đối tác trong nước) từ 8,5 - 9 tỷ USD”.

Những giải pháp quan trọng để nâng cao tỷ lệ vốn được hiện thực hóa thực ra không gì mới mà đã được chỉ ra từ rất lâu, vấn đề là cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2010 của ngành kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh các nhóm giải pháp về chính sách pháp luật, quy hoạch, cải thiện cơ sở hạ tầng, chuẩn bị nguồn nhân lực, quản lý nhà nước và xúc tiến đầu tư.

Trong đó, mối lo ngại hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ tại Diễn đàn Doanh nghiệp được tổ chức hồi đầu tháng 12 này vẫn là cơ sở hạ tầng. Khoản tiền bỏ ra để xây một khu cảng lớn và hiện đại sẽ mất đi rất nhiều ý nghĩa nếu đường vào không có hoặc nguồn cung cấp điện không đủ đáp ứng công suất hoạt động của cảng. Giải phóng mặt bằng cũng là nỗi “ngán ngẩm” mà nhiều nhà đầu tư từng bày tỏ, nhất là các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, đề xuất của một số địa phương về xây dựng mô hình quỹ ứng vốn giải phóng mặt bằng do các nhà đầu tư đóng góp theo quy mô sử dụng đất của dự án vẫn chưa được bàn tới một cách chính thức…


(Theo Anh Thư/SGGP)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Ai quản lý vốn nhà nước ở Vietcombank?
  • Đầu tư năm 2010, cần lựa chọn cẩn thận
  • Hệ thống tiền tệ toàn cầu: Thêm cột trụ mới?
  • Quanh việc mua bán cổ phiếu quỹ
  • Thị trường tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương Năm 2010: ba rủi ro chính
  • Thắt chặt tiền tệ gây yếu kém thanh khoản ngân hàng?
  • Trái phiếu chuyển đổi: Lợi ích kép
  • TTCK 2010: Tiếp tục xu thế tăng dài hạn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!