Thị trường bất động sản: nhìn từ tầm vĩ mô
(Theo Lê Văn Tứ // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
Một khu đô thị mới ở TPHCM. |
Sau một thời gian dài trầm lắng, thị trường bất động sản (*) đã bắt đầu ấm trở lại. Nhiều người dự đoán thị trường sẽ hồi phục và tăng trưởng sau một hai năm nữa. Có hai vấn đề hay được nói đến về thị trường bất động sản: 1) Sốt chu kỳ, từ nóng đến rét (trầm lắng, đóng băng); 2) Giá quá cao.
Vì sao thị trường bất động sản từ sốt đến rét? Sốt là triệu chứng cung cầu mất cân đối. Khi cầu lớn hơn cung, hàng thiếu, thị trường nóng, ngược lại, hàng thừa, thị trường rét. Hiện nay thị trường bất động sản đang rét. Nhiều người cho rằng đó là hậu quả của đầu cơ. Thật vậy chăng? Theo Bộ luật Hình sự, đầu cơ là một tội với hành vi trục lợi bằng cách thu gom và găm giữ hàng hóa, gây khan hiếm giả tạo. Đó là dấu hiệu đặc trưng của đầu cơ và cũng là đường ranh phân biệt đầu cơ với sở hữu nhiều nhà đất. Không nhận rõ đường ranh này dễ dùng biện pháp chống đầu cơ làm biện pháp chống sở hữu nhiều nhà đất. Thực tế ở nước ta đã từng có nơi có lúc diễn ra cảnh người ta chen lấn, tranh giành nhau ghi tên mua nhà dự án. Nhưng ngay khi thị trường có vẻ nóng như thế, có người đã cho rằng đó chỉ là những màn kịch, vì thấy hầu hết người tham gia chỉ đóng vai “diễn viên”, người thật sự muốn mua nhà để sử dụng không nhiều. Chính bởi thế, sau nóng nhất thời, thị trường hạ nhiệt nhanh, rồi trở rét và trầm lắng dài dài. Tình trạng đó chứng tỏ thị trường không khan hiếm. Đầu cơ là có thực. Tuy nhiên đầu cơ bất động sản không dễ. Phải có vốn cực lớn đủ sức khuynh đảo thị trường hoặc/và có những đặc quyền nào đó. Vốn của các nhà đầu cơ bất động sản chắc hẳn không hề nhỏ, nhưng vẫn cần đặt câu hỏi: trong điều kiện thị trường trầm lắng kéo dài, nếu chỉ dựa vào vốn của mình, các nhà đầu cơ bất động sản có đủ lực để một mặt tiếp tục các dự án đầu tư, mặt khác vẫn giữ giá bất động sản cao hay không? Phải chăng họ có những điều kiện tài chính và hành chính thuận lợi để thu gom và găm giữ bất động sản? Đây là giả thiết cần chứng minh nếu muốn tìm giải pháp chống đầu cơ, ổn định thị trường.
Cũng có thể tìm thấy câu trả lời trong chính sách tín dụng. Có ba đối tượng vay vốn liên quan tới bất động sản: 1) Nhà đầu tư sơ cấp, chủ các dự án đầu tư, cũng là những con nợ lớn. Với cơ chế tín dụng nặng tính chất “hiệu cầm đồ”, nếu chưa bán được, bất động sản - vật thế chấp vẫn còn, có nghĩa là chủ đầu tư chưa buộc phải trả nợ. Vậy tội gì vội bán mà không găm chờ giá; 2) Nhà đầu tư thứ cấp, người mua buôn bất động sản để bán buôn lại cho nhà đầu tư thứ cấp khác và bán lẻ cho người tiêu dùng. Là nhà đầu tư nhỏ, chân rết của nhà đầu tư sơ cấp, họ cũng có thể vay và cũng lấy ngay bất động sản đã mua làm vật thế chấp để vay tiếp, để rồi lại mua, lại thế chấp, lại vay nữa và mua nữa... Vốn vay cứ tích tụ lại, có thể lớn hơn cả giá trị bất động sản - vật thế chấp. Từng món vay của họ tuy không quá lớn, nhưng cộng dồn lại rất lớn, và hơn nữa rất khó thống kê, tổng hợp, do đó cũng khó kiểm soát; và 3) Người mua nhà để sử dụng. Họ chỉ có thể trả được nợ nếu nguồn trả nợ nằm trong khả năng thu nhập thường xuyên ổn định của họ.
Điều đã rõ là đầu tư bất động sản không thể thiếu vốn vay. Nhưng khi thị trường đã trầm lắng, rất cần xem lại tỷ số vốn vay/vốn có. Tỷ số này cần được xây dựng hợp lý và coi là căn cứ chủ yếu điều tiết vốn tín dụng thay cho cơ chế thế chấp bằng bất động sản. Thực tế ở nhiều nước phát triển cao như Mỹ, Nhật... đầu tư bất động sản chủ yếu dựa vào vốn vay sẽ dễ lâm vào tình trạng tăng trưởng bong bóng. Khủng hoảng tài chính và kinh tế bắt nguồn từ đấy.
Những điều nêu trên cho thấy: sốt và đầu cơ bất động sản không chỉ là vấn đề của thị trường bất động sản, mà còn là vấn đề quản lý vĩ mô, trong đó chính sách đất đai rất quan trọng. Sửa đổi Luật Đất đai đã nhiều lần được nêu ra tại diễn đàn Quốc hội như một vấn đề kinh tế bức xúc. Song, được biết tới năm 2013 việc này mới có thể thực hiện! Có nghĩa là nó chưa được đặt vào vị trí bức xúc cần có.
Hiện nay dự luật Thuế Nhà đất đang trong quá trình hoàn thiện để có thể trình Quốc hội thông qua vào giữa năm 2010. Song dường như dự luật này đang đi lạc hướng, khi mục tiêu chống đầu cơ bất động sản được đặt lên hàng đầu, còn các mục tiêu khuyến khích sử dụng hiệu quả đất, tăng nguồn thu ngân sách, điều tiết hoa lợi thu được từ sử dụng đất dường như không được đề cập, mà đó mới chính là những mục tiêu đích thực và là cơ sở để quyết định những nội dung cơ bản của thuế nhà đất. Cứ theo hướng như thế, thuế nhà đất có thể trở thành công cụ phân phối lại tài sản và hạn chế sở hữu nhà đất hợp pháp, trái với đường lối, chính sách trong giai đoạn hiện nay, cũng trái với Hiến pháp hiện hành.
Vì sao giá bất động sản quá cao
Theo đánh giá chung hiện nay, so với thu nhập của đa số dân cư và với giá ở nhiều nước, giá bất động sản ở ta quá cao. Điều này không có gì phải bàn cãi. Vấn đề là xác định nguyên nhân. Trước hết có thể khẳng định mà không cần chứng minh rằng nguyên nhân không phải do giá xây dựng cao. Cũng không phải do giá đền bù đất cao. Hiện nay 80% số vụ khiếu kiện của dân liên quan tới đất đai, trong đó chủ yếu là khiếu nại giá đền bù thấp. Theo Thông tư 14/2009/TT-BTNMT ngày 1-10-2009 của Bộ Tài nguyên - Môi trường, giá đền bù đất (tính cả nhiều loại trợ cấp khác) đã được nâng thêm. Cho nên chỉ có thể nói giá đền bù đất hiện hành đang thấp.
Đã có nhận định cho rằng giá bất động sản cao vì các nhà đầu tư dựa quá nhiều vào vốn vay. Khi bất động sản tiêu thụ chậm, lãi về vốn vay sẽ tích tụ lại, dẫn tới chi phí ngày càng lớn. Điều này rất cần nghiên cứu vì nó liên quan tới tính bền vững của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, có một yếu tố cực kỳ quan trọng và cần thiết cho việc đánh giá về giá bất động sản lại chưa thấy ai nghiên cứu: tỷ suất sinh lợi kinh doanh bất động sản. Chưa tính được tỷ suất này, chưa đủ cơ sở để kết luận giá nhà đất hiện hành có quá cao hay không?
Khi phân tích giá nhà đất còn phải tính tới ảnh hưởng liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường chứng khoán, thị trường vàng, thị trường tiền tệ, bởi vì bất động sản không chỉ là nhà đất, mà còn là vật bảo tồn giá trị. Với chức năng này, nó có giá trị sử dụng như vàng. Cho nên nghiên cứu về giá bất động sản cần tính tới nhiều nhân tố kinh tế - xã hội tác động đan xen, nhiều khi ngược chiều nhau. Chớ nên suy nghĩ đơn giản, nhất là ở tầm vĩ mô.
______________________________________
(*) Thị trường bất động sản nói trong bài này giới hạn trong phân khúc nhà đất dự án (cao ốc, khu nhà biệt thự, đất nền... thuộc các dự án đầu tư). Trong các phân khúc khác, tính chất thị trường chưa rõ.
Chính sách vĩ mô và tiền tệ đã tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Năm 2010 được dự báo có tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5%, chỉ tiêu lạm phát khoảng 7%, tổng phương tiện thanh toán cũng như tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 25%, thâm hụt NSNN khoảng 6,2% GDP... Đây là những con số đưa ra rất tích cực nhưng…
"Uy lực" của chính sách
Nhà đầu tư theo dõi thông tin tại sàn chứng khoán SSI. Ảnh: Linh Tâm
Năm 2009, đứng trước suy giảm kinh tế và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán (TTCK), Chính phủ đã áp dụng một số biện pháp gián tiếp kích cầu trên TTCK như miễn giảm và giãn thuế thu nhập cá nhân năm 2009, miễn thuế đối với những khoản thu nhập từ đầu tư vốn và chuyển nhượng vốn... Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách tiền tệ (CSTT) nới lỏng với trọng tâm là giảm lãi suất và hỗ trợ lãi suất 4% trong năm 2009 cũng được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần kích cầu chứng khoán. Kết quả, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước phải gồng mình vượt qua suy thoái, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sản xuất - kinh doanh phải chống chọi với khó khăn để duy trì đà tăng trưởng, TTCK đã có một năm về đích ngoạn mục, với nhiều kỷ lục được tạo lập sau hơn 9 năm phát triển. Không ít kỷ lục đã vượt xa mong đợi của các nhà đầu tư (NĐT) cũng như dự báo. Bên cạnh ấn tượng, có cả thăng trầm khi TTCK đảo chiều, xuống dốc vào cuối năm. Nhìn chung, diễn biến TTCK năm 2009 có hai giai đoạn quan trọng nhất, đó là tăng trưởng, từ 25-2 đến 10-6 khi VN-Index tăng khoảng 118%; từ 22-7 đến 22-10, TTCK bùng nổ mạnh mẽ khi có thêm sự hỗ trợ mạnh bởi các dấu hiệu hồi phục kinh tế trong nước và quốc tế, đặc biệt là đòn bẩy tài chính từ các công ty chứng khoán.
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, từ tháng 11-2009 đến nay, TTCK bước vào giai đoạn thoái lui và thận trọng. Sau thời kỳ doanh số giao dịch lớn kỷ lục, thị trường đi vào chu kỳ điều chỉnh bởi sự tác động từ chính sách vĩ mô và tiền tệ. Bên cạnh các yếu tố như căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng, diễn biến bất thường của giá vàng, ngoại tệ, nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt CSTT đã chứng tỏ "uy lực" khi ngay lập tức có những tác động lớn đến TTCK.
Ổn định vĩ mô
Lý giải như thế nào về sự đảo chiều của chính sách vĩ mô và tiền tệ với TTCK, cũng như phân tích và dự báo ra sao về diễn biến của TTCK trong giai đoạn tới? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.
Những cung bậc thăng trầm trên TTCK chịu tác động rất lớn từ chính sách vĩ mô và CSTT. Thực tế cho thấy, trong thời kỳ nỗ lực vượt qua khủng hoảng, các chính sách tài chính, tài khóa kích cầu, giải cứu nền kinh tế đã được Chính phủ cân nhắc và đưa ra một cách hợp lý, tránh cho nền kinh tế rơi sâu vào suy thoái. Sau khoảng 2/3 chặng đường của năm 2009, các chính sách này đã có những thành công và hiệu quả rõ rệt. Điển hình là việc thông qua gói kích cầu với hình thức bù 4% lãi suất khi các doanh nghiệp (DN) vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Lãi suất cơ bản cũng được điều chỉnh giảm từ 8,5% xuống 7% - bằng một nửa so với mức đỉnh của năm 2008 - và duy trì liên tục tới cuối tháng 11-2009.
Tuy nhiên, chính sách kích thích kinh tế cũng tạo ra tác dụng phụ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cơ chế hỗ trợ lãi suất làm cho tăng trưởng tín dụng diễn ra khá nhanh (tăng trưởng tín dụng trong 10 tháng đầu năm 2009 đạt trên 33%) đã gây sức ép tăng lãi suất, dẫn đến hệ quả là tăng chi phí vốn, làm tăng giá thành sản xuất, đồng thời làm cho việc huy động vốn trái phiếu chính phủ gặp nhiều khó khăn (nhiệm vụ huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ năm 2009 là 126.000 tỷ đồng, 9 tháng của năm 2009 mới thực hiện được 20.870 tỷ đồng). Cơ chế hỗ trợ lãi suất tác động còn ảnh hưởng không thuận lợi đến việc ổn định lãi suất và tỷ giá, gây sức ép tăng lãi suất VND, ảnh hưởng đến cán cân thanh toán (cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt 1,9 tỷ USD), dự trữ ngoại hối giảm, thị trường ngoại hối có biểu hiện căng thẳng về cung - cầu, NHNN đã phải can thiệp.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đã bắt đầu ra khỏi suy thoái và hồi phục trở lại, những dấu hiệu của lạm phát đã xuất hiện, thị trường tiền tệ có những biểu hiện bất ổn với sự căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng và diễn biến bất thường của giá vàng, ngoại tệ, NHNN đã bất ngờ thắt chặt CSTT, đồng thời chính sách vĩ mô cũng có những thay đổi. Vào cuối tháng 11-2009, NHNN nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8% sau khi đã cam kết ổn định CSTT đến hết năm 2009, đồng thời chấp nhận phá giá VND ở mức thấp. Sự điều chỉnh này thể hiện thay đổi trong chính sách vĩ mô từ hỗ trợ tăng trưởng sang hướng ổn định vĩ mô (kèm theo là hạn chế tín dụng) sau khi kỳ họp Quốc hội kết thúc.
Mặc dù các chính sách của NHNN có tác động tích cực cho nền kinh tế trong trung và dài hạn nhưng điều này gây sốc cho cả DN và NĐT trên TTCK, những mầm mống khó khăn trong thanh khoản của ngân hàng xuất hiện, quan ngại về việc DN khó vay vốn với lãi suất cao. Sự đảo chiều của chính sách đã tạo ra những tác động thực đến luồng tiền vào TTCK cũng như những tác động tâm lý thái quá khiến cho các chỉ số chứng khoán rơi vào chu kỳ giảm điểm từ tháng 11 năm 2009. Tính từ đỉnh cao xác lập trong năm, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng (tháng 11 và 12-2009), chứng khoán mất trên 30% giá trị thì VN-Index đã mất khoảng 30% về điểm số đến cuối năm.
Những thăng trầm của TTCK trong năm qua cho thấy sức mạnh của CSTT đối với TTCK và tâm lý NĐT là rất lớn do liên quan đến mức tăng trưởng tín dụng nói chung và dòng tín dụng chảy vào TTCK nói riêng, vì CSTT của NHNN còn tác động trực tiếp lên điều kiện chặt chẽ hoặc dễ dãi trong hoạt động cho vay của NHTM.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Năm 2010 được dự báo có tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5%, chỉ tiêu lạm phát khoảng 7%, tổng phương tiện thanh toán cũng như tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 25%, thâm hụt NSNN khoảng 6,2% GDP... Đây là những con số đưa ra rất tích cực nhưng các chỉ tiêu này có thực sự giúp ổn định kinh tế vĩ mô, linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa và CSTT, giúp nền kinh tế phục hồi bền vững, giúp nâng cao được sức cạnh tranh của nền kinh tế hay không?… Bên cạnh đó, để đạt được các chỉ tiêu này thì các vấn đề lạm phát, tỷ giá, lãi suất, CSTT, chính sách tài khóa cần được xử lý một cách uyển chuyển, nhịp nhàng và hợp lý.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nền kinh tế mới phát triển với các ngành công nghiệp và thị trường tài chính - tiền tệ non trẻ thì các giải pháp quá "sốc" thường ít được áp dụng và nếu có thì nó thường dễ gây tổn thương cho thị trường. Đối với Việt Nam, các giải pháp của Chính phủ nhằm cố gắng chặn đứng lạm phát là đúng nhưng rõ ràng phản ánh năng lực dự báo còn hạn chế của các cơ quan có liên quan trước các diễn biến phức tạp hiện nay. Sự phản ứng chính sách "gấp gáp", "đuổi theo thị trường" dường như đang tác động ngược lại với các mục tiêu lớn và nhất là có thể càng tạo nên những "cú sốc" đối với thị trường tiền tệ, TTCK. Với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và chứng khoán hiện nay, các chính sách của Chính phủ cần ưu tiên ổn định tiền tệ và phải bảo đảm đồng thời kích thích được TTCK và không làm đình trệ thị trường tiền tệ. Phản ứng của thị trường vừa qua cho thấy, Chính phủ không nên dựa quá nhiều vào CSTT (bằng cách sử dụng các liệu pháp quá mạnh thắt chặt tiền tệ) mà cần có sự phối hợp với các chính sách khác và có các giải pháp phù hợp thực hiện đồng bộ.
(Cổng thông tin kinh tế Việt Nam và thế giới - tinkinhte.com)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com