Bỏ trần huy động, khống chế đầu ra? Khống chế cả 2 đầu? Chưa bao giờ bài toán giảm lãi suất lại nóng như hiện nay khi dòng vốn chảy vào sản xuất đã bị nghẽn lại bởi lãi suất cho vay tăng quá cao. Quan trọng hơn, tìm đáp án cho bài toán này lại đang rơi vào bế tắc.
Tuần qua, rất nhiều ý kiến cho rằng đã có trần huy động thì cũng nên có trần cho vay để chấm dứt tình trạng các ngân hàng đẩy lãi suất lên quá cao như hiện nay. Về lý thuyết thì điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế sẽ thấy việc đẩy lãi suất cho vay lên cao của các ngân hàng cũng là việc "cực chẳng đã". Bởi dù khống chế trần huy động là 14% nhưng chúng ta đều biết mặt bằng lãi suất huy động trung bình của các ngân hàng trên thị trường đã lên tới 17% - 18%. Đáng lo hơn là bất chấp mức lãi suất huy động đã được đẩy lên cao như nói trên, tháng 4.2011, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước giảm 1,09% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VND giảm 1,84%. Điều đó có nghĩa là, mức lãi suất tiết kiệm này vẫn chưa đủ hấp dẫn người gửi tiền. Vì vậy, nếu khống chế đầu ra (lãi vay), lãi suất đầu vào chắc chắn sẽ giảm xuống. Khi đó, các ngân hàng càng khó khăn hơn trong việc huy động vốn. Không có vốn thì không thể cho vay. Bài toán vốn rẻ cho sản xuất chưa tìm được lời giải. Giải pháp "đảo chiều không chế", bỏ trần huy động thay vào đó là trần lãi suất cho vay cũng không khả thi bởi lãi suất huy động luôn phải "nhìn" vào đầu ra. Đầu ra cao, huy động cao và ngược lại. Nếu đầu ra bị khống chế, lãi suất huy động cũng sẽ giảm xuống. Kết quả là ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng nguồn vốn, dẫn đến thiếu thanh khoản và không có vốn cho vay như nói trên. Đó là chưa kể, nếu chúng ta áp dụng trần lãi vay, ngân hàng vẫn có thể "lách" với nhiều chiêu thức như vẫn đang làm với trần huy động hiện nay. Như vậy có thể khẳng định sử dụng biện pháp hành chính là áp dụng trần lãi vay trong bối cảnh hiện nay không giải quyết được vấn đề giảm lãi suất trên thị trường.
Lãi suất cao hay thấp phụ thuộc vào chỉ số lạm phát nên muốn giảm lãi suất phải kiềm chế được lạm phát. Muốn kiềm chế được lạm phát phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa như Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đề ra. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy bế tắc trong bài toán giảm lãi suất nếu chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ như nói trên. Việc phải làm hiện nay là tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm tổng cầu trong nền kinh tế để giảm lạm phát. Khi đó, lãi suất sẽ tự động giảm xuống. Hãy giải quyết tận gốc vấn đề thay vì làm rối thêm thị trường bằng những biện pháp tình thế.
(Thanh Niên)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com