Trước những yêu cầu về bình ổn kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bài toán vốn trở nên khó giải hơn với hầu hết DN Việt. Đầu năm mới, trò chuyện cùng Báo DĐDN, Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định: Khi dòng tín dụng được mở ra cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì những lo ngại về vấn đề tăng chỉ số CPI, mất cân đối cán cân thương mại, phương tiện thanh toán... theo đó cũng được tháo bỏ. Theo ông, DN Việt vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay NH. Khi dòng vốn này trở nên đắt đỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ sẽ góp phần làm nảy sinh những bất ổn về kinh tế vĩ mô. Đáng chú ý nhất là mục tiêu kiềm chế giá tiêu dùng ở mức hợp lý sẽ không đạt được, do hàng hóa trên thị trường trở nên khan hiếm.
- Năm Tân Mão được kỳ vọng sẽ là năm phục hồi của hoạt động sản xuất – kinh doanh. Theo ông, DN Việt cần những điều kiện nào để nắm bắt được thời cơ mới ?
Chỉ bàn riêng về góc độ vốn có thể thấy rằng, khó khăn lớn nhất trong năm 2010 của DN là lãi suất ngân hàng quá cao. Với mức tín dụng cho vay khoảng 20%, DN phải có lợi nhuận khoảng từ 25 – 30% mới có thể đáp ứng. Rủi ro tăng từ cả phía DN lẫn NH đương nhiên khiến cho việc tiếp cận vốn càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi các quốc gia khác, như Mỹ và Châu Âu, đã giảm lãi suất chiết khấu xuống mức rất thấp trong cuộc khủng hoảng vừa qua, thì việc phải gánh chi phí vốn quá cao làm giảm khả năng cạnh tranh của DN Việt. Do đó, cần phải đưa lãi suất ngân hàng hiện nay về mức hợp lý hơn, DN mới có vốn để đầu tư sản xuất và nâng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt.
- Tuy nhiên, thưa ông, câu chuyện về lãi suất - lạm phát vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều, còn ông nhìn nhận thế nào ?
Đúng là trong năm qua VN phải đối mặt với những lo ngại về lạm phát. Mục tiêu tăng trưởng của chúng ta đã đạt được nhưng kéo theo CPI tăng. Tuy nhiên, ở đây điều tôi muốn nói là, đang có một sự mơ hồ về cách hiểu lạm phát và tăng chỉ số giá tiêu dùng. Nhiều người hiểu, CPI tăng lên là lạm phát. Đây chỉ là một khía cạnh thôi. Về nguyên lý kinh tế, giá tiêu dùng cũng có thể tăng lên khi sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu.
Chính vì vậy, nguyên lý nói rằng “phanh” DN lại là không đúng, mà “phanh” tiêu dùng lại cũng không đúng. Chúng ta có đi vay tiền để tiêu dùng đâu ? Thành ra, phương thức thắt chặt tiền tệ đẩy lãi suất lên cao để giảm cái gọi là lạm phát - mà thực chất không phải là lạm phát, giảm CPI lại trở nên phản tác dụng.
- Theo ông, mức lãi suất nào được coi là phù hợp cho DN Việt tăng tốc trong năm 2011 ?
DN người ta nói rằng lãi suất 7- 8% là tốt nhất, 10% đã có sự khó khăn. Nếu tính toán thấy lãi suất cho vay theo đề xuất trên là hợp lý thì NHTƯ nên chiết khấu cho NHTM vay với lãi suất 3 - 4%.
Để hạ lãi suất cho DN mình phải đi từ từ, trước tiên làm sao cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tiếp cận được tín dụng thấp. Tôi còn đề nghị Chính phủ cho vay với lãi suất 0%. Đây là chính sách mà Chính phủ đã và đang làm. Ví dụ trong thời kỳ vừa qua, đã ưu đãi cho Vinafood 1, Vinafood 2 vay với lãi suất 0% để mua lúa gạo tích trữ ở ĐBSCL, hay việc cho DN thu gom cà phê vay với mức rất thấp... Tuy nhiên, chính sách này không thể áp dụng đại trà được.
Để quản lý hiệu quả đồng vốn, sử dụng đúng mục đích, NHTM nên cho vay theo dự án chứ không phải theo đối tượng, lĩnh vực. Dự án nào được thẩm định có cơ hội phát triển tốt, có hiệu quả kinh tế tốt, đáp ứng được nhu cầu thị trường sẽ được hỗ trợ vốn. NH cũng cần phải tư vấn cho DN những điểm hạn chế trong dự án để tránh rủi ro và tăng hiệu quả.
Chúng ta nên phân rõ lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực dịch vụ, phục vụ cho thị trường nội địa hay xuất khẩu. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải tính đến vấn đề tín dụng theo đúng mục đích, đúng dự án.
- Nếu hạ lãi suất NH sẽ rất khó huy động tiền nhàn rỗi từ dân. NH thiếu tiền cũng sẽ quay trở lại với vấn đề DN thiếu vốn, thưa ông ?
NHTƯ có nhiệm vụ điều tiết lưu lượng tiền trên thị trường. Nếu tính toán cho thấy không đủ tiền cho sản xuất, kinh doanh thì phải cung ứng đủ, bằng cách phát hành thêm tiền. Nếu NHTƯ cung ứng tín dụng cho NHTM ở mức 3 – 4% thì sẽ giảm được áp lực NHTM phải huy động từ dân ở mức 13 – 14%.
- Thưa ông, nếu NHTƯ cứ tiếp tục bơm tiền cho NHTM thì chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với một nguy cơ khác là sự mất giá nội tệ. Như vậy chẳng phải, năm Tân Mão, DN chưa hết niềm vui có vốn lại phải đối mặt với nỗi lo tỷ giá ?
Đây là một vấn đề khác. Để nói đồng VN mất giá hay không so với ngoại tệ sẽ liên quan đến nhiều vấn đề, như dự trữ ngoại hối, cán cân thương mại, cán cân thanh toán... Chúng ta đang nói riêng về vấn đề nội địa. Trong một nền kinh tế, cần đo lường được nội tệ có đủ cân bằng cho nền kinh tế phát triển hay không. NHTƯ phải giữ vai trò điều tiết, có các hướng dẫn, quy định, có quy chế để đồng vốn bơm ra được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nhất.
Từ chính sách tiền tệ sẽ thấy được tác động của nó đến mọi mặt kinh tế, từ việc đảm bảo cạnh tranh, từ sử dụng lao động, phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, đến tỷ giá, cân bằng cán cân ngoại hối... Nếu nền kinh tế không đủ tiền để đầu tư sản xuất thì chúng ta không có sản phẩm bán ra thị trường, khả năng cạnh tranh kém, không thúc đẩy xuất khẩu được. Như thế, sự mất cân bằng trong cán cân thương mại cũng dẫn đến sự mất giá của đồng VN so với ngoại tệ.
Môi trường cho DN phát triển tốt sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Động cơ nền kinh tế là DN.
- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ với độc giả DĐDN nhân dịp đầu xuân Tân Mão.
----------------------------------------------
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com