![]() |
Suy thoái kinh tế khiến nhiều người Nhật bị mất việc, mất nhà, phải tạm trú ở công viên. Ảnh AP |
Đồng tiền Nhật Bản hôm nay lên mức cao nhất trong 14 năm so với đô la Mỹ, làm dấy lên lời đồn đoán rằng chính phủ Nhật sắp can thiệp vào thị trường để điều chỉnh tỷ giá.
Đô la Mỹ giảm mạnh so với đồng yen Sáng nay thứ Sáu 27-11, đồng yen Nhật có lúc lên tới 84,82 yen ăn 1 đô la Mỹ, trước khi trở về mức 85,9 yen ăn 1 đô la Mỹ vào trưa nay – mức giá cao nhất kể từ tháng 7-1995. Kết thúc phiên giao dịch ở New York hôm qua, tức sáng nay giờ Đông Á, đồng yen vẫn ở mức 86,59 yen ăn 1 đô la Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Nhật Hirohisa Fujii sáng nay nói với các nhà báo rằng ông “hết sức lo lắng và đang cẩn thận theo dõi thị trường và có thể có biện pháp thích hợp”. Mặc dù ông Fujii không nói rõ rằng chính phủ Nhật sẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối – bằng cách bán đồng yen để mua đô la Mỹ - nhưng mối băn khoăn của một nhà hoạch định chính sách cao cấp như ông Fujii đang ảnh hưởng rất mạnh tới tâm lý của giới kinh doanh. Đồng đô la Mỹ suy yếu so với đồng yen, cũng như với nhiều đồng tiền chính của thế giới, là một phần trong xu thế giảm giá kéo dài nhiều năm nay, bắt nguồn từ mối lo ngại về nền kinh tế Mỹ và khối nợ nần chồng chất của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Gần đây mối lo ngại đó càng tăng thêm vì không có khả năng chính phủ Mỹ sớm nâng lãi suất cơ bản. Đối với Nhật, sự suy yếu của đồng đô la có ảnh hưởng rất lớn vì kinh tế Nhật vẫn chưa thoát khỏi suy thoái sâu. Nếu đồng yen mạnh lên thì hàng xuất khẩu của Nhật sẽ trở nên đắt đỏ, nhu cầu mua hàng Nhật sẽ giảm tại Mỹ và nhiều nước khác, và đó là điều mà nền công nghiệp hướng tới xuất khẩu của Nhật không cáng đáng nổi. Lợi nhuận của các công ty Nhật cũng sẽ giảm mạnh vì khi bán hàng thu đô la Mỹ ở nước ngoài, họ phải chuyển lợi nhuận về nước và chuyển đổi sang đồng yen Nhật. Các chuyên gia của tập đoàn Toyota tính ra rằng, nếu tỷ giá đồng yen-đô la Mỹ thay đổi 1 yen theo hướng đồng yen tăng giá thì lợi nhuận của công ty giảm đi 30 tỉ yen. Chính vì thế, sáng nay chỉ số chứng khoán Nikkei 225 giảm 1,8%, dẫn đầu bởi cổ phiếu của các công ty xuất khẩu lớn như Sony, Toshiba, Toyota, Nissan và Honda.
Hồi đầu thập niên này, Nhật Bản thường can thiệp vào thị trường tiền tệ để làm yếu đồng yen, từ đó giữ cho hàng hóa xuất khẩu có lợi thế về giá trên thị trường nước ngoài. Nhưng từ ngày 16-3-2004, Nhật Bản đã ngừng chính sách can thiệp đó khi có những dấu hiệu ngày càng tăng từ Washington rằng các nền kinh tế hướng tới xuất khẩu của châu Á không nên tiếp tục dựa vào người tiêu dùng Mỹ để phát triển.
Trong chuyến viếng thăm châu Á tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục các nước xuất khẩu như Trung Quốc và Nhật Bản để cho đồng tiền của mình tăng giá, phát triển tiêu dùng nội địa thay vì dựa vào xuất khẩu sang Mỹ. Ông Obama quan tâm tới cái mà giới khoa học kinh tế gọi là “sự mất cân bằng toàn cầu”: Mỹ bị thâm hụt thương mại và thâm hụt tài khoản vãng lai rất lớn, trong khi phần còn lại của thế giới được thặng dư. Ông Obama kêu gọi người dân Mỹ bớt chi tiêu vào hàng hóa nhập khẩu và gia tăng tiết kiệm, và người tiêu dùng châu Á hãy chi tiêu nhiều hơn.
Bối cảnh hiện thời là một thách thức đối với chính phủ Nhật Bản. Ông Osamu Takashima, chuyên gia của ngân hàng Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, nhận định: “Hoàn cảnh quốc tế khiến cho chính phủ Nhật không thể mạnh tay can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn chặn hay đảo ngược xu thế tăng giá của đồng yen”.
Còn Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama hôm qua nói với báo chí rằng, “Đồng tiền tăng giá quá nhanh là điều không mong muốn. Song điều quan trọng là chúng ta phải xử lý việc quản lý kinh tế một cách thích hợp. Cần có biện pháp tức thời để tránh rơi vào suy thoái trở lại”.
Lãi suất và xuất khẩu
Các nhà xuất khẩu của Nhật đã khốn khổ vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Triển vọng tăm tối của ngành xuất khẩu cũng đang đẩy giá cổ phiếu của Nhật xuống thấp, làm tăng nguy cơ giảm phát thêm nữa.
Lần mới đây nhất mà đồng yen tăng cao so với đô la Mỹ là năm 1995, sau khi các nền kinh tế lớn trên thế giới ký hiệp định Plaza Accord, đồng ý một chính sách chung nhằm làm giảm giá trị đồng đô la Mỹ để xử lý thâm hụt thương mại của Mỹ.
Trong suốt một thập niên sau đó, Nhật áp dụng lãi suất thấp gần 0% để thúc đẩy tăng trưởng; chính sách này làm lấy lên trào lưu đầu cơ gọi là “yen carry trade”: thương nhân vay vốn tại Nhật với lãi suất thấp, rồi đem cho vay lại tại các nước có lãi suất cao hơn. Hoạt động đầu cơ dựa trên chênh lệch tỷ giá này đã khiến cho đồng yen tràn ngập thị trường phương Tây, đẩy giá trị của nó xuống thấp, có lợi lớn cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản. Cho đến đầu năm ngoái, 1 đô la Mỹ vẫn còn ăn được 110 yen Nhật, nhiều hơn bây giờ 25 yen, và hồi tháng 4 năm nay, 1 đô la Mỹ vẫn đổi được 101 yen Nhật. Trong thập niên này, Nhật thu được thặng dư thương mại khổng lồ.
Nhưng từ khi nổ ra khủng hoảng kinh tế vào cuối năm 2007, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã đẩy lãi suất cơ bản của Mỹ xuống thấp hơn của Nhật, trong khoảng 0%-0,25% khiến cho việc găm giữ đô la không còn có lợi nữa. Tình trạng bấp bênh của thị trường chứng khoán và thị trường nhà đất Mỹ cũng làm đảo ngược xu thế của giới đầu cơ tiền tệ: người ta lại vay tiền ở Mỹ với lãi suất thấp, hoặc bán tháo cổ phiếu, lấy tiền trả những món vay ở Nhật. Đồng đô la Mỹ từ đó giảm giá mạnh so với đồng yen Nhật, kéo dài đến tận hôm nay.
Bà Tomoko Fujii, nhà phân tích thị trường tiền tệ tại ngân hàng Bank of America Merrill Lynch nói rằng, bà thấy đang có nhiều khả năng chính phủ Nhật sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ nếu đồng yen tăng quá mức 85 yen ăn 1 đô la Mỹ.
(Theo Thái Bình // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com