Với khoản tiền gửi từ một tỷ đồng trở lên, một nhà băng cổ phần cho khách hàng hưởng lãi suất trên 17% một năm. Một số nhà băng khác cũng đưa lãi suất lên xấp xỉ mức này để giữ khách.
Cùng thời điểm với việc tung ra mức lãi suất thưởng 3% một năm cho các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một tháng, nhà băng cổ phần cỡ vừa còn bổ sung ưu đãi cho khách hàng gửi tiền lớn. Theo đó, với các khoản tiết kiệm từ một tỷ đồng trở lên, mức lãi suất tổng cộng là trên 17% một năm và mức thưởng sẽ căn cứ vào từng khoản tiền gửi.
Phó tổng giám đốc một tổ chức tín dụng tại TP HCM cho biết, do nguồn tiền gửi bị rút đi trong vài ngày gần đây, nhà băng này đã phải có những điều chỉnh thích hợp để giữ khách hàng.
Trong vài tháng gần đây, lãi suất tiết kiệm thực tế thường cao hơn mức danh nghĩa do ngân hàng công khai. Ảnh: Hoàng Hà
Theo phân tích của vị lãnh đạo này, mặt bằng lãi tiết kiệm trên thị trường đã ở 16-17% với những ngân hàng tầm trung, nhỏ từ trước Tết Nguyên đán nhưng chưa công khai mạnh, và chỉ tập trung ở một số đối tượng khách hàng hẹp. Tuy nhiên, ra Tết, cùng với việc chỉ số CPI tăng cao là việc giá xăng dầu, giá điện đồng loạt tăng báo hiệu khả năng lạm phát có thể còn căng thẳng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi là phải ưu tiên kiềm chế lạm phát, nên việc công khai hóa ở mức cao hơn mặt bằng lãi suất tiết kiệm thực mới “bung ra”.
Chuyên gia tiền tệ cấp cao của một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội phân tích, trước đây khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm thực là 13-14% thì mức đồng thuận của các nhà băng là 11% một năm. Khi mặt bằng đã lên tới 16-17% thì Hiệp hội Ngân hàng đề xuất đưa về 15% nhưng cuối cùng lại ép xuống 14%. “Khi lãi suất tiết kiệm bị ép như lò xo thì đến một lúc nào đó nó sẽ bung ra, giống như tỷ giá vừa qua vậy”, chuyên gia này phân tích.
Trong khi đó, một vị tổng giám đốc ngân hàng bình luận: “Với việc giá cả tăng cao, người dân cũng kỳ vọng mức lãi suất tiết kiệm phải phản ánh được điều đó và cũng là điều bình thường. Kỳ vọng này cũng tương tự như tỷ giá. Khi thị trường bị méo mó quá mức, nó sẽ làm phát sinh những cú bật mạnh”.
Vị chuyên gia ngân hàng này phân tích, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước là khi CPI giảm thì lãi suất cũng xuống. Thế nhưng, giá cả tiếp tục tăng, thông điệp kiềm chế lạm phát được đưa lên số một và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phải giảm xuống dưới 20% thì chưa đề cập đến việc lãi suất sẽ ra sao. “Hệ quả của tất cả những điều trên là lãi suất bắt buộc phải tăng chứ không thể giảm được”, ông này nhận định.
Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo ngân hàng cổ phần cỡ vừa tại Hà Nội nói: "Tình hình lãi suất hiện biến động từng giờ nên ai cũng phải quan sát rất kỹ động thái của 'đội bạn' để kịp thời điều chỉnh, nhằm tránh bị rút tiền. Chúng tôi không đưa ra một mức chuẩn mà cho phép một số chi nhánh được linh hoạt theo từng địa bàn để phản ứng kịp thời với diễn diến của thị trường".
Còn tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP HCM thì từ chối bình luận việc lãi suất tiết kiệm vọt lên trên 17% một năm với lý do: "Giờ thị trường đang hơi lộn xộn nên khó có thể đưa ra nhận định chính xác".
(VnExpress)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com