Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đang dần được hình thành ở mức mới, vượt xa so với trần quy định 14%/năm đối với lãi suất huy động. Dù vậy, thanh khoản của một số ngân hàng vẫn chưa được cải thiện đáng kể, ngay cả trong bối cảnh ngân hàng phải thu hẹp tín dụng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Theo các ngân hàng, dù đã tăng thêm tính hấp dẫn cho các khoản tiền gửi thông qua các chương trình khuyến mãi, quà tặng, song việc huy động vốn vẫn rất khó khăn. Phó giám đốc phụ trách khu vực TP. HCM của một ngân hàng có trụ sở chính ở Hà Nội cho biết, với diễn biến của thị trường hiện nay và khi kỳ vọng lạm phát chưa giảm thì người gửi tiền vẫn đòi hỏi lãi suất tiết kiệm cao hơn. Ngoài ra, chính sự cạnh tranh giữa các ngân hàng cũng góp phần làm khó thêm công tác huy động.
"Nhiều khách hàng đang gửi tiền ở ngân hàng mình đã vội rút trước hạn hoặc tất toán hợp đồng khi đáo hạn để chuyển sang gửi nơi khác có lãi suất cao hơn. Do đó, Ngân hàng cũng phải tìm cách giữ khách hàng, bởi dù sao việc đó cũng khả dĩ hơn là thu hút khách hàng mới", vị phó giám đốc trên nói.
Báo cáo của NHNN vừa đưa ra cho thấy, tháng 4/2011, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước giảm 1,09% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VND giảm 1,84%, tiền gửi ngoại tệ tăng 1,46%. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước tăng 0,46%. Các tháng đầu năm, tăng trưởng huy động vốn so với cuối năm 2010 giảm dần qua các tháng, lần lượt là 2,46%, 1,9% và 1,56% cho các tháng 1, 2 và 3.
Riêng tại TP. HCM, theo NHNN chi nhánh Thành phố, tính đến ngày 30/4, tổng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 791.300 tỷ đồng, chỉ tăng 0,5% so với tháng 3/2011. Nhưng trong đó, vốn huy động vốn bằng VND tính đến cuối tháng 4/2011 giảm 6,9% so với cuối năm 2010.
Theo đánh giá của TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP. HCM, hiện một số ngân hàng tiếp tục căng thẳng về vốn, phần vì tăng trưởng dư nợ tín dụng 4 tháng qua vẫn theo đà tăng, trong khi huy động vốn giảm. Để đảm bảo việc thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận đề ra, một số ngân hàng vẫn tăng cường cho vay bởi nhu cầu vốn của khách hàng vẫn có, dù lãi suất ngày một tăng. Mặt khác, nguồn tiền gửi của khách hàng trong thời gian qua chủ yếu là kỳ hạn ngắn, trong khi ngân hàng lại cho vay trung - dài hạn.
"Tiền không quay về thì ngân hàng lấy đâu ra thanh khoản để tiếp tục cho vay, nên ngân hàng lại phải nâng lãi suất tiền gửi để hút vốn", TS Dương nhận định.
Một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng cho rằng, muốn giảm được lãi suất huy động vốn thì ngoài việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chính sách đưa ra, cần thắt chặt tín dụng một cách nghiêm ngặt dưới 20%. Theo vị lãnh đạo này, tỷ lệ tín dụng kiểm soát dưới 20% mà NHNN đưa ra chưa rõ tính như thế nào, cho cả một năm hay từng thời điểm. Nếu tính tổng cả năm thì chắc chắn các ngân hàng sẽ có tính toán để làm sao đến cuối năm giảm đúng về con số 20% theo quy định. Do đó, trong lúc này họ vẫn có thể đẩy mạnh hoạt động cho vay - vốn được xem là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất cho lợi nhuận của các nhà băng hiện nay.
Thực tế, dù đã được lãnh đạo NHNN nhắc nhở, nhưng trong Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm nay của một số ngân hàng vẫn để chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trên mức quy định 20%. Đơn cử như NamA Bank, Ngân hàng đặt mục tiêu tổng dư nợ tăng 47,11% so với năm 2010 (dự kiến đến cuối năm nay đạt 7.800 tỷ đồng). Trong nội dung của Nghị quyết ĐHCĐ Ficombank cũng thể hiện, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đưa ra cho năm nay cao hơn 119,92% so với năm trước, dự kiến đến cuối năm đạt 3.297 tỷ đồng dư nợ.
TS Lê Thẩm Dương cho rằng, nếu lãi suất tiền gửi tăng, ngân hàng sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho vay lên, song điều đáng lo ngại là lãi suất cao sẽ đẩy rủi ro khoản vay lên cao và việc "bóp méo" cơ cấu kỳ hạn giữa nguồn vốn và cho vay sẽ làm tăng rủi ro thanh khoản.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com