Việc Chính phủ quyết tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ theo Nghị quyết 11 đã bắt đầu có tác động lớn đến thị trường bất động sản và tài chính
Hội thảo về toàn cảnh thị trường bất động sản (BĐS) - tài chính năm 2011 đã diễn ra tại Hà Nội ngày 9-4. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng vàng và USD đang mất dần lợi thế đầu tư vào hai thị trường quan trọng này.
Rủi ro cao
Tiếp theo động thái đóng cửa thị trường ngoại tệ tự do được thực hiện từ tháng 2-2011, Ngân hàng (NH) Nhà nước (SBV) vừa có quyết định khống chế trần lãi suất huy động ngoại tệ của cá nhân ở mức 3%/năm, đồng thời tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thêm 2%. Như vậy, các NH buộc phải giảm huy động bằng ngoại tệ khiến tính hấp dẫn của đồng USD không còn.
TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết kể từ nay, Chính phủ hạn chế tối đa nhận tiền gửi và cho vay bằng ngoại tệ vào hệ thống NH. Chiến lược này được kiên quyết thực hiện trong vài năm để đạt được mục tiêu “trục xuất” toàn bộ tài khoản tiền gửi và cho vay bằng ngoại tệ ra khỏi hệ thống NH, chuyển từ quan hệ cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán, chấm dứt tình trạng đô la hóa.
TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định việc mua bán vàng miếng sắp tới sẽ chỉ được thực hiện ở thị trường chính thức do SBV cấp phép. Theo đó, SBV hoặc một công ty của SBV được độc quyền dập vàng miếng có đóng dấu của NH này. Đây là vàng chuẩn của Việt Nam, có quyền giao dịch tại nội địa và quốc tế.
Việc giao dịch vàng miếng chỉ thực hiện tại các công ty được ủy quyền của SBV và sàn vàng (sẽ được mở lại). Với chính sách này, người dân vẫn được mua bán, cất trữ vàng miếng bình thường. Các cửa hàng vàng chỉ được cấp phép mua bán vàng trang sức nhưng việc mua bán ngoại tệ và vàng miếng như hiện nay sẽ bị chế tài rất mạnh. Chính sách này sẽ sớm được công bố.
Theo Tổng cục Thống kê, tính từ tháng 12-2010 đến tháng 2-2011, mức giá hàng hóa chung tăng gần 2%/tháng nhưng mức tăng giá vàng và USD có xu hướng đứng yên hoặc giảm so với tháng trước. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng với những chính sách kiểm soát thị trường tài chính đang triển khai, đầu tư vào vàng, USD lúc này rất rủi ro.
Tăng mua bất động sản để giữ tiền
Trong khi đó, việc thắt chặt tín dụng đối với BĐS đã khiến vốn trở thành vấn đề khó khăn lớn nhất trong năm 2011 nhưng lại không gây sốc cho thị trường. Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh, cho biết dòng tiền từ các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, USD đang dịch chuyển sang BĐS. Người dân đang tăng mua BĐS để giữ tiền. Gần đây, một dự án 800 đất nền của Đất Xanh chỉ bán trong một buổi sáng đã hết.
Trên thị trường BĐS, căn hộ cao cấp và dự án lớn đang đóng băng nhưng đất nền và căn hộ có giá dưới 1,2 tỉ đồng được giao dịch rất sôi động từ Hà Nội đến Đà Nẵng và các tỉnh, TP phía Nam. So với vàng, đất đang rẻ đi. Nếu 10 năm trước, bán từ 5-10 lượng vàng mới mua được 1 m2 đất thì hiện nay, 1 lượng vàng mua được 5 m2 đất phía Nam của TPHCM.
“Nhiều người lo ngại siết chặt tín dụng ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS nhưng tôi cho rằng nguồn cung còn dồi dào vì nhiều dự án đã đầu tư từ trước. Nếu có ảnh hưởng, đến năm 2012 mới xuất hiện” - ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và BĐS - Bộ Xây dựng, nhận xét.
Theo ông Trương Đình Tuyển, BĐS đang là nơi “trú ẩn” an toàn. Thị trường này rất tiềm năng và tạo sức tăng trưởng kinh tế nhưng tất cả các cuộc khủng hoảng kinh tế hầu hết đều do BĐS mà ra. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách quản lý BĐS phù hợp, chặt chẽ.
(Báo Người Lao động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com