Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cải thiện môi trường đầu tư ở Quảng Nam

 
Với những chính sách thông thoáng trong thu hút đầu tư, Quảng Nam đã nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Từ một tỉnh thuần nông, Quảng Nam đã có hàng loạt dự án được triển khai, nhiều nhà máy được xây dựng; tạo nên một diện mạo mới, sức bật trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Tuy vậy, để lôi cuốn và "níu chân" các nhà đầu tư, Quảng Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường, đổi mới công tác thu hút đầu tư...
 
Kết quả bước đầu

Từ năm 2000, Quảng Nam là một trong những tỉnh ở khu vực miền trung mạnh dạn ban hành những chính sách thông thoáng như: ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế hợp lý... để mời gọi các nhà đầu tư. Từ việc ưu đãi về chính sách thuế, mặt bằng cùng với đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời các thủ tục đầu tư, bước đầu Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong công tác thu hút đầu tư. Nổi bật nhất trong công tác này, trước hết phải kể đến thành công trong thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Ðiện Nam - Ðiện Ngọc (CNÐN-ÐN). Chủ tịch UBND huyện Ðiện Bàn Thân Văn Lào cho biết: Hiện nay, Ðiện Bàn đã hình thành nhiều KCN, nhưng chỉ có Khu CNÐN-ÐN là mang lại hiệu quả cao nhất, với 42 dự án đang triển khai thực hiện, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 2.020 tỷ đồng và gần 137 triệu USD. Ðến nay đã có 38 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 16.000 lao động tại địa phương.

 Thăm Cụm công nghiệp (CCN) Trường Xuân - sau hơn hai tháng cơn bão số 9 đi qua, không khí lao động tại các cơ sở rất sôi động. Tuy quy mô không bằng Khu CNÐN-ÐN, nhưng lại là nơi thu hút đầu tư nhanh nhất của TP Tam Kỳ. Mới tờ mờ sáng mà tại cổng các xưởng may Kim Anh và Tuấn Ðạt công nhân đã hối hả đi vào. Chị Nguyễn Thị Hồng, nhân viên của Công ty TNHH Tuấn Ðạt cho biết, mấy tháng cuối năm, đơn đặt hàng nhiều, nên chị em phải làm thêm giờ để hoàn thành kế hoạch. Mới hình thành từ năm 2003, nhưng đến nay, CCN Trường Xuân đã thu hút được 13 dự án, gồm các ngành như: may xuất khẩu, chế biến gỗ, đúc cột điện... giải quyết việc làm ổn định và tăng thu nhập cho gần 2.200 lao động, đồng thời đóng góp một khoản ngân sách đáng kể cho địa phương. Phần lớn các doanh nghiệp đều hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH Tân Bình, Công ty TNHH Tuấn Ðạt... đã đầu tư thêm vốn để mở rộng cơ sở sản xuất. Giám đốc Công ty TNHH Tân Bình Doãn Văn Tân đưa chúng tôi đi thăm nhà xưởng mới đưa vào hoạt động, phấn khởi nói: "Nhờ thành phố bố trí thêm 4.000 m2 đất, nên vừa qua công ty đã đầu tư gần bảy tỷ đồng mở thêm xưởng đúc cột điện; bình quân mỗi tháng sản xuất khoảng 750 cột điện các loại và tạo việc làm cho 50 lao động".

Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai, với chính sách linh hoạt của tỉnh, gần đây, Ban Quản lý KKTM Chu Lai đã đặc biệt quan tâm công tác thu hút đầu tư. Ðồng chí Nguyễn Văn Lúa, Phó trưởng Ban quản lý tâm sự: Hiện nay, chúng tôi không kêu gọi đầu tư một cách chung chung, ồ ạt như những năm trước, mà thu hút có chọn lọc. Trước hết là ưu tiên những dự án lớn, những ngành nghề không gây tác hại lớn đến môi trường. Với cách làm đó, từ năm 2007 trở lại đây, vừa rà soát thu hồi hàng chục dự án không triển khai, Ban quản lý KKTM Chu Lai cũng đã thu hút thêm nhiều dự án mới. Tính riêng, năm 2009, đã thu hút được sáu dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn ba nghìn tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Trần Văn Tri cho biết, trong năm 2009, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành cấp phép cho 54 dự án đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký 16.840 tỷ đồng và năm dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn đăng ký 4.150 triệu USD. Như vậy, tính từ năm 2006 đến cuối năm 2009, tỉnh Quảng Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 189 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 41.342 tỷ đồng và 70 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn đăng ký 5.020 triệu USD... Theo số liệu thống kê mới đây, toàn tỉnh hiện có 3.800 doanh nghiệp trong nước, với tổng số vốn điều lệ khoảng 16.075 tỷ đồng... Phần lớn các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả và đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động và tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. Ðiều thành công rõ nét nhất là, qua thu hút đầu tư có hiệu quả đã làm cho cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Từ một tỉnh nông nghiệp, đến nay, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đã chiếm 77% và tổng nguồn thu nội địa từ 140 tỷ đồng (năm 1977) đã lên 1.600 tỷ đồng (năm 2009)...


Kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng
ở Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô-tô Chu Lai Trường Hải.

Cần những giải pháp đột phá

So với thời điểm cách đây năm năm, công tác thu hút đầu tư vào Quảng Nam thời gian vài năm trở lại đây bị chững lại. Ðiều này, ngoài ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và các vướng mắc trong các quy định, thủ tục đầu tư, còn có nhiều nguyên nhân khác. Ðề cập vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Minh Ánh, thẳng thắn nhìn nhận: Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập. Khâu xúc tiến đầu tư còn đơn điệu; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Hơn nữa, công tác cải cách hành chính tuy có cải thiện, nhưng vẫn chưa thật công khai, minh bạch. Khâu thỏa thuận địa điểm, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn nhiều vướng mắc, làm tốn nhiều thời gian, chi phí của nhà đầu tư. Mặt khác, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng, nguồn nhân lực kỹ thuật cao chưa được quan tâm đào tạo... đây là những cản trở lớn trong công tác thu hút đầu tư.

Ðể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Ðặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục thành lập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhờ thế, đã rút ngắn được thời gian làm thủ tục đầu tư. Trưởng phòng Doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Ðầu tư) Ðoàn Ngọc Minh cho biết, trước đây, phải mất 15 ngày và bảy lần đi đến các cơ quan để làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, nay chỉ còn năm ngày, với hai lần đi lại là xong. Mặt khác, tỉnh đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước; các cơ quan, ban, ngành của tỉnh có trách nhiệm công bố thông tin liên quan đầu tư trên trang web của cơ quan mình để các doanh nghiệp tiện việc truy cập, nắm bắt thông tin.

Ðồng chí Lê Minh Ánh cho biết, trong chiến lược thu hút đầu tư, Quảng Nam luôn coi trọng công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng. Bên cạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong năm 2009, tỉnh đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch. Trong đó, việc khởi công nạo vét luồng vào Cảng Kỳ Hà, xây dựng công trình cầu Cửa Ðại và loạt công trình giao thông, điện, nước tại KKTM Chu Lai và các KCN khác đã tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tuy đã có những chuyển biến bước đầu, nhưng công tác thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ. Cái khó nhất hiện nay mà các nhà đầu tư thường gặp phải là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Ðây là vấn đề mà địa phương cần tập trung giải quyết. Ðồng thời, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng, hạn chế tình trạng cơi nới chiếm dụng đất trái phép; kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm, cản trở công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tới đây, tỉnh sẽ thành lập cơ quan chuyên trách điều hành chung về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư toàn tỉnh để chỉ đạo, đôn đốc và trợ giúp các địa phương có các dự án lớn.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã có chủ trương trợ giúp chi phí cho người lao động trong việc nâng cao tay nghề theo cơ chế doanh nghiệp - Nhà nước - người lao động cùng lo. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch cử cán bộ, công chức đi đào tạo về chuyên môn, kiến thức pháp luật, ngoại ngữ, tin học để nâng cao năng lực xúc tiến, quản lý đầu tư; củng cố, nâng cấp trung tâm xúc tiến đầu tư và hoàn thiện cơ chế hỗ trợ để nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để họ tiếp tục "lôi kéo" các nhà đầu tư khác... Ðồng thời, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư; tránh tình trạng kiểm tra trùng lắp làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

(Theo TẤN NGUYÊN // Báo Nhân dân điện tử)

  • Rộng cửa đón nhà đầu tư
  • Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2009: nhìn từ 10 dự án lớn nhất
  • WB cho vay 500 triệu USD cải cách đầu tư công Việt Nam
  • Ban hành Quy định mới về giám sát và đánh giá dự án đầu tư
  • “Cuộc đua” gọi vốn nước ngoài
  • Vay mới, áp lực mới
  • Thêm một dự án đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng
  • Tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bình Định
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!