Hai tháng - thời gian chưa đủ dài cho quá trình vay vốn của DN, nhưng kết quả bước đầu cho thấy cơ chế hỗ trợ lãi suất đã giúp nhiều DN giảm chi phí vốn vay, duy trì được sản xuất trong điều kiện khó khăn.
Tính đến 3/4, tổng dư nợ cho vay HTLS trên toàn quốc đạt 202.131 tỷ đồng. Nếu tính tỷ trọng theo nhóm các tổ chức tín dụng (TCTD): Các NHTM nhà nước và quỹ TDNDTƯ chiếm 74,7%; NHTM cổ phần 20,9%, còn lại là các nhóm TCTD khác. Hiện nay, các Cty tài chính có tốc độ tăng dư nợ cho vay HTLS so với tuần trước cao nhất (17,22%) vì mới được phép cho vay.
Chưa có số liệu dư nợ cho vay HTLS theo phân ngành kinh tế toàn hệ thống, nhưng qua số liệu của từng địa bàn có thể dự đoán: Tại các TP trực thuộc T.Ư như Hà Nội và TP. HCM, dư nợ cho vay ngành thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, môtô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng trên/dưới 30%). Thứ nhì là ngành công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng gần 30%, tiếp theo là ngành xây dựng. Tuy nhiên, nếu tính theo hệ thống thì có thể ngành nông nghiệp và lâm nghiệp, công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao.
Cơ sở của dự đoán này là Hà Nội và TP. HCM là 2 trung tâm kinh tế lớn nhất chiếm trên 60%/tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống, nhưng dư nợ cho vay HTLS của 2 TP này hiện chỉ khoảng 30% tổng dư nợ cho vay HTLS, số còn lại là của các tỉnh, TP khác. Bên cạnh đó, NHNo&PTNT là NH có dư nợ cho vay HTLS khá cao. Trong bối cảnh hiện nay thì việc xuất khẩu lúa gạo và cá ba sa là tương đối khả quan.
Giảm chi phí lãi vay của DN
Hiệu quả của vay được HTLS đối với các DN thể hiện trên khá nhiều mặt, nhưng nổi bật nhất là giảm chi phí lãi vay trong giá thành sản phẩm và tránh rủi ro tỷ giá. Một chi nhánh NH cho biết, sau khi được HTLS 4%, mức LS vay VND tương đương mức LS vay USD nên các DN nhập khẩu thuộc đối tượng được HTLS đều vay VND mua USD để thanh toán, tránh được rủi ro tỷ giá. NH nào cũng đưa ra các ví dụ thuyết phục về việc giảm giá thành của DN. Đây có lẽ là kết quả rõ rệt nhất vì chi phí lãi vay là một bộ phận cấu thành của giá thành sản phẩm. Qua khảo sát thực tế, hầu hết các DN được vay vốn HTLS đều cho biết điều này.
Theo đánh giá của NH liên doanh Lào-Việt, HTLS tiền vay làm giảm từ 10%-25% chi phí tài chính của DN, hộ sản xuất và giảm được từ 15%-20% giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của DN. Công ty Thép Sông Hồng với tổng dư nợ vay được HTLS là 66,6 tỷ đồng kỳ hạn 6 tháng, tính ra số tiền lãi khách hàng được hỗ trợ hàng tháng trung bình là 222 triệu đồng, giá thành giảm khoảng 132.000 đồng/tấn thép thành phẩm...
Còn DN cần, nhưng không đủ điều kiện vay
Điều khiến nhiều NHTM băn khoăn là còn nhiều DN đang gặp khó khăn về đầu ra, chưa có đơn hàng mới, hàng sản xuất tiêu thụ chậm nên không dám vay vốn (dù LS thấp) vì khó bán được hàng để trả lãi. Đối với các khoản dư nợ phát sinh trước ngày 1/2/2009 vẫn phải chịu LS cao do không được hỗ trợ nên vẫn ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh. Vì vậy, có ý kiến cho rằng chỉ giảm bớt chi phí LS thôi cũng chưa đủ vì yếu tố thị trường hiện quan trọng hơn yếu tố chi phí.
Hai vấn đề nữa cũng được nhiều NH đề cập là: Thông lệ các DN phát sinh nhu cầu vay vốn để thanh toán (chủ yếu là công nợ đã phát sinh trước thời điểm vay). Hàng đã được tiêu thụ nhưng chưa đến kỳ thanh toán, mà theo quy định thì hàng hoá đã tiêu thụ thì không thuộc diện HTLS, trong khi nhu cầu của DN là chính đáng và nếu không được HTLS thì không kích thích DN luân chuyển hàng hoá và phát triển SXKD; đối với cá nhân, hộ gia đình do làm ăn nhỏ, lẻ, món vay số tiền không lớn, hoạt động kinh doanh thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, không có báo cáo tài chính nên khó đủ căn cứ để xác định thuộc diện được HTLS nên không tiếp cận được vốn HTLS. Hiện nay tỷ trọng dư nợ của các cá nhân và hộ gia đình trong tổng dư nợ cho vay được HTLS rất thấp (khoảng trên/dưới 4%).
Còn vướng đối tượng nhập khẩu
Trong 2 tháng triển khai, vẫn có phải là hàng nhập khẩu hay không? Đặc biệt là hàng hoá đó đã được mua bán qua nhiều trung gian. Bên cạnh đó việc HTLS hay không đối với các khoản vay để nộp thuế, cho vay mua hàng theo phương thức trả chậm cũng được nhiều NH còn thắc mắc.
Đến nay, dù chưa phát hiện các trường hợp tiêu cực hay vi phạm cơ chế cho vay được HTLS, nhưng theo một số ý kiến thì với cơ chế cho vay HTLS, các DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ nên dễ nảy sinh các tiêu cực, nhất là DN lợi dụng chính sách để vay vốn nhưng sử dụng không đúng mục đích. Do vậy, ngoài việc các cơ quan quản lý tăng cường thanh tra, kiểm tra, bản thân các NHTM cũng phải thực hiện theo dõi, kiểm soát thường xuyên các khoản cho vay HTLS để kịp thời phát hiện và xử lý các tiêu cực.
Lãi suất VND có nhiều biến động
Theo NHNN, lãi suất huy động VND tiếp tục tăng 0,1-0,3%/năm, cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng hiện phổ biến ở mức 7,9%/năm (NHTMCP) và 7,56%/năm (NHTMNN). Báo cáo của các TCTD cho thấy, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường tiền tệ liên NH có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn (qua đêm, 1 tuần và 2 tuần). Ngoại trừ lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tháng không đổi và lãi suất bình quân kỳ hạn 3 tháng tăng nhẹ so với tuần trước đó với mức biến động lớn nhất 0,26%/năm. Ngược lại, lãi suất giao dịch bình quân bằng USD có xu hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn, ngoại trừ kỳ hạn 6 tháng giảm 0,25%/năm so với tuần trước đó.
(Theo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com