Ngày 21-9, nhật báo Pháp Le Figaro dành cả một trang báo để viết về cuốn sách sắp phát hành của cựu tổng thống Valéry Giscard d’Estaing (người Pháp thường gọi tắt là Giscard), một điều hiếm thấy. Sự kiện này lập tức gây được sự chú ý của cả làng báo quốc tế, đặc biệt là báo chí Anh.
Cựu tổng thống Valéry Giscard d’Estaing và công nương Diana năm 1994 tại lâu đài Versailles.
Ảnh: Reuters
Nằm ngay trên đầu trang báo là bức ảnh chụp ông Giscard và công nương Diana nhìn nhau rất tình tứ. Đó là bức ảnh chụp năm 1994 tại lâu đài Versailles. Lúc đó, ông Giscard không còn làm tổng thống. Cả hai đang tham dự một sự kiện từ thiện. Tờ báo đặt câu hỏi: “Hư cấu hay sự thật?” rồi tự trả lời: “Chỉ có cựu tổng thống Cộng hòa Pháp nắm được chìa khóa của câu chuyện khêu gợi này”. Rồi tờ báo xì ra luôn nội dung cuốn tiểu thuyết.
Patricia là hình ảnh của Diana
Cuốn sách mang tựa đề Công nương và tổng thống miêu tả mối tình của một vị tổng thống Pháp đương chức năm 1980 với một công nương xứ Wales rất đẹp, rất nổi tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng bất hạnh trong cuộc sống gia đình. Ông tổng thống có tên là Jacques-Henri Lambertye (gọi tắt là Henri) và người mà ông thầm yêu trộm nhớ là Patricia, một công nương ở Cardiff, “một thành phố ở xứ Galles”. Tác giả đã nói rõ như vậy (người Pháp gọi xứ Wales là xứ Galles).
Mở đầu cuốn sách là một tiêu đề bí ẩn “Lời hứa đã được thực hiện”. Với tiêu đề này có vẻ như ông Giscard muốn trả một món nợ nào đó vượt thời gian và có thể vượt cả cái chết. Nợ ai? Cuối cuốn sách, tác giả viết: “Cô ấy nói với tôi: “Anh có hỏi viết ra câu chuyện của em được không. Em cho phép đó nhưng hãy hứa với em một điều”. Điều gì thì chỉ có tác giả biết mà thôi, tờ Le Figaro nhấn mạnh.
Cuộc gặp đầu tiên giữa tổng thống Lambertye và công nương xứ Wales diễn ra tại lâu đài Buckingham (Anh) trong bữa tiệc chính thức kết thúc hội nghị G7. Ông tổng thống Pháp lúc đó góa vợ, còn công nương đang đau khổ vì chồng. Nàng thổ lộ với tổng thống: “Mười mấy hôm trước ngày cưới, người chồng tương lai của tôi thừa nhận đã có người yêu và quyết định tiếp tục cuộc tình ấy sau khi cưới tôi”. Vì vậy, Patricia theo đuổi những mối tình không có ngày mai và dấn thân vào công tác từ thiện quốc tế như giúp đỡ trẻ em mắc bệnh AIDS, tham gia các chiến dịch đấu tranh chống mìn cá nhân...
Lời tỏ tình không thành lời đầu tiên của Henri diễn ra trên tàu lửa của các quan chức đi dự lễ kỷ niệm quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandie tổ chức năm 1984. Henri bồi hồi nắm tay công nương Patricia dưới gầm bàn ăn. Henri và Patricia sau đó gặp nhau trong các lâu đài vương giả hoặc là di sản quốc gia. “Tổ ấm” của họ là Kensington (ở Anh) hoặc Soucy và nhất là lâu đài Rambouillet ở Pháp.
Tác giả đã dành nhiều trang giấy để mô tả chi tiết cuộc sống ở Rambouillet nơi mà thuở còn đương chức, ông Giscard thường tổ chức những cuộc đi săn lớn.
Cuốn tiểu thuyết của ông Giscard có thể phân ra làm hai phần, theo nhận xét của Le Figaro. Phần thứ nhất khá sát với thực tế. Độc giả sẽ không khó khăn gì nhận ra ở nhân vật Patricia con người và tình cảm của công nương Diana, cựu phu nhân của thái tử Charles, công nương xứ Wales, tử nạn trong một tai nạn giao thông bí ẩn ở Paris cách nay 12 năm. Còn nhân vật Lambertye rất giống tác giả, cựu tổng thống Valéry Giscard d’Estaing.
Phần thứ hai, tác giả đưa vào truyện những sự kiện chính trị tưởng tượng. Chẳng hạn như ông Lambertye tái đắc cử tổng thống lần thứ hai với tỉ lệ áp đảo 56% số phiếu (ông Giscard chỉ làm được một nhiệm kỳ. Tái ứng cử lần thứ hai, bị ông Francois Mitterrand đánh bại). Rồi ông thoát chết trong một vụ mưu sát khi cắt băng khánh thành một cuộc triển lãm sách. Thủ phạm là một người Kosovo bất mãn với chính sách cấp tiến của tổng thống Lambertye đối với người Serbia.
Sự kiện này làm người ta nhớ lại cựu tổng thống Pháp Charles de Gaulle và nhất là cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan hoặc Giáo hoàng Jean-Paul II, nạn nhân của những vụ mưu sát.
Trả nợ một lời hứa
Nhưng tình tiết cuối cùng gây sốc nhất trong cuốn tiểu thuyết này là nhân vật chính Lambertye mơ tưởng đến một cuộc hòa giải với Anh vì mối tình “mù quáng” của ông đối với công nương Patricia. Ông quên đi những nỗi nhục mà người Anh khắc sâu vào lòng tự trọng của người Pháp (Chiến tranh 100 năm, Jeanne d’Arc, Napoléon).
Tóm lại, Công nương và tổng thống là một cuốn tiểu thuyết pha trộn hiện thực và sự tưởng tượng. Đọc quyển sách này, người ta nghĩ ngay là ông Giscard từng yêu thầm nhớ trộm công nương Diana. Nhiều người cũng nghi ngờ rằng ông Giscard dùng văn chương – vốn là một thế mạnh của ông, một viện sĩ hàn lâm danh giá của nước Pháp - để bày tỏ nỗi lòng thầm kín với một người nổi tiếng đã đi vào cõi vĩnh hằng.
Đợi cho mọi người thả sức suy luận, bàn tán và nghi ngờ suốt 48 giờ, ngày 23-9, ông Giscard mới chịu nói thật trong một cuộc phỏng vấn của tuần báo Le Point phát hành ngày 1-10, trùng với thời điểm phát hành cuốn Công nương và tổng thống: “Tôi đã hư cấu các sự kiện nhưng địa điểm và bối cảnh thì thật hoàn toàn”. Ông cho biết đã viết cuốn tiểu thuyết này sau khi hứa với công nương Diana sẽ viết một cuốn sách miêu tả “những mối tình của các nhà lãnh đạo nước lớn”.
(Theo THẢO HƯƠNG // Người lao động online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com