Bởi vì đây là một chuyến đi riêng tư, ông Bill Clinton không được chính quyền Obama tài trợ đồng nào hay cung cấp phương tiện di chuyển. Chỉ có các nhân viên an ninh tháp tùng ông Clinton được nhà nước trả lương. Vậy thì ông Clinton lấy tiền và sử dụng máy bay của ai để thực hiện sứ mệnh bí mật của mình?
Dựa vào bạn bè
Theo báo The Washington Post, ông Clinton dựa vào bạn bè vốn là những người từng gắn bó với Đảng Dân chủ và cá nhân ông trong quá khứ và hiện tại. Từ nhà riêng ở hạt Westchester, bang New York bay đến Bình Nhưỡng, ông Clinton cần hai chiếc máy bay. Chiếc thứ nhất bay từ nhà đến Burbank, bang California, do Công ty Dow Chemical, cụ thể là Tổng Giám đốc Andrew Liveris, cung cấp.
Theo hãng tin AP, ngoài mối quan hệ với ông Clinton, Dow Chemical hình như còn có mối quan hệ đặc biệt với hai nữ nhà báo Euna Lee, 36 tuổi và Laura Ling, 32 tuổi, của đài truyền hình Current TV. Tuy nhiên, mối quan hệ này không được công ty làm rõ.
Ông Liveris chỉ ra một bản thông cáo báo chí xác nhận rằng chiếc máy bay là của công ty và nó đã được dùng như “một phần của sứ mệnh (của ông Clinton) trong mấy ngày qua”.
Hai nhà báo này bị CHDCND Triều Tiên bắt ngày 17-3-2009 gần biên giới Trung Quốc - CHDCND Triều Tiên. Họ bị kết án 12 năm tù ngày 18-6-2009 theo dạng “cải tạo lao động” nhưng trên thực tế chỉ bị quản thúc trong một căn nhà.
Bill Clinton và Steve Bing (ảnh nhỏ). Chiếc máy bay chở ông Clinton đến Bình Nhưỡng. Ảnh: REUTERS
Chiếc máy bay thứ hai kiểu Boeing 737, thuộc Công ty Hàng không Avjet, bay từ Burbank đến Bình Nhưỡng do Steve Bing, một nhà sản xuất phim nổi tiếng ở Hollywood, cung cấp.
Là con trai thừa hưởng gia tài của một nhà kinh doanh địa ốc giàu có ở New York, Steve Bing là một trong những người quyên góp tiền bạc nhiều nhất cho quỹ từ thiện Bill Clinton nói riêng và cho Đảng Dân chủ nói chung. Bing, bạn thân lâu năm của ông Clinton, đã từng ủng hộ ít nhất 100.000 USD cho chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton hồi năm ngoái. Ông cũng từng tặng 10 triệu USD cho quỹ từ thiện và thư viện Bill Clinton sau khi ông này về hưu.
Dưới thời ông Obama hiện nay, Bing ủng hộ mạnh mẽ chương trình làm trong sạch môi trường của ông Obama. Công ty Xây dựng Shangri-La của ông đã xây nhiều cao ốc và nhà chứa máy bay sử dụng hiệu quả năng lượng, tạo ra nhiều “việc làm xanh”.
Marc J. Foulkrod, 54 tuổi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Hàng không Avjet, cho biết thêm: Chuyến bay từ Burbank đến Bình Nhưỡng có ba chặng. Chặng thứ nhất từ Burbank đến căn cứ không quân Mỹ Elmendorf ở bang Alaska. Chặng thứ hai từ căn cứ không quân này đến căn cứ không quân Misawa ở Nhật Bản. Máy bay được tiếp tế nhiên liệu tại hai sân bay quân sự này. Sau đó, chiếc máy bay mới thực hiện chặng cuối đến Bình Nhưỡng.
Tốn hơn 100.000 USD tiền xăng
Toàn bộ chuyến bay kéo dài 26 giờ ngốn hơn 100.000 USD tiền xăng. Tiền liên lạc điện thoại qua vệ tinh và chi phí linh tinh khác vào khoảng 50.000 đến 100.000 USD. Trên đường về, nhờ còn xăng, chiếc máy bay thẳng từ sân bay Misawa về
Cũng theo Foulkrod, thủ tục xin giấy phép bay khá gian nan bởi quy định của Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấm tất cả máy bay đăng ký ở Mỹ hạ cánh xuống CHDCND Triều Tiên. Công ty chỉ nhận được lệnh của ông Bing sáng sớm ngày 31-7. Công ty phải làm việc cật lực với FAA và Bộ Ngoại giao ở cấp cao nhất trong ngày 1-8 để có thể cất cánh lúc 3 giờ sáng 3-8, theo kế hoạch.
Chỉ sau khi làm xong thủ tục bay nói trên, ông Clinton mới gút lại nhân sự và nội dung chuyến đi của ông với các quan chức Nhà Trắng. Phái đoàn của cựu tổng thống Clinton gồm có John Podesta - nguyên chánh văn phòng của ông; Roger Band - bác sĩ riêng của ông Clinton, một cựu chuyên gia Bộ Ngoại giao và các sĩ quan an ninh (số lượng không được tiết lộ).
Kỳ tới: Tại sao ông Clinton được chọn?
(Theo VĂN ANH // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com