Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Eurozone đang bị đe dọa

Cuộc khủng hoảng tài chính của châu Âu kéo dài hơn ba năm qua đang cản trở sự phục hồi kinh tế ở các nước sử dụng đồng euro. Hậu quả kinh tế bất lợi mà đồng euro mang lại bao gồm cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước châu Âu, tình trạng mong manh của các ngân hàng lớn ở châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cao trên toàn khu vực và thâm hụt thương mại lớn đang như căn bệnh dịch lây lan hầu hết các quốc gia khu vực Eurozone.

Trong khi các giới chức tài chính đang cố gắng tìm một giải pháp tháo gỡ tình hình này thì đã có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về một sự thất bại của đồng euro.

Giáo sư Martin Feldstein, Đại học Harvard, trong một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs gần đây cho rằng có thể đồng euro là một thử nghiệm không thành công của Liên minh châu Âu. Thất bại này không phải là một tai nạn hoặc là kết quả của việc quản lý yếu kém hay quan liêu, mà là hậu quả không thể tránh khỏi khi áp đặt một đồng tiền duy nhất trên một nhóm các nước rất không đồng nhất.

Có thể thấy, động lực ban đầu dẫn đến việc hình thành Liên minh Tiền tệ châu Âu và đồng euro là chính trị chứ không phải kinh tế. Các chính trị gia lập luận rằng việc sử dụng một đồng tiền chung sẽ thấm vào trong tâm trí người dân châu Âu cảm giác thuộc về một cộng đồng chung. Không những vậy mà sự thay đổi trách nhiệm về chính sách tiền tệ từ chính quyền các quốc gia sang một ngân hàng trung ương duy nhất tại Frankfurt đã báo hiệu sự thay đổi quyền lực chính trị của châu Âu.

Ngân hàng Trung ương châu Âu phải tạo ra chính sách tiền tệ dựa trên điều kiện tổng thể của tất cả các nước trong liên minh tiền tệ

Một thời gian dài trước khi đồng euro ra mắt hồi năm 1999, các nhà kinh tế đã tiên liệu những tác dụng phụ mà một đồng tiền duy nhất có thể tác động đến nền kinh tế của các nước châu Âu. Khi sử dụng một đồng tiền chung thì tất cả các nước trong liên minh phải có cùng một chính sách tiền tệ và tỷ lệ lãi suất cơ bản, với mức lãi suất các khách hàng vay khác nhau. Một đồng tiền duy nhất cũng có nghĩa là tỷ giá hối đoái cố định và tất cả các nước phải có cùng tỷ giá hối đoái. Nhưng do trình độ khác nhau giữa các nước, đồng euro sẽ dẫn đến những biến động về sản lượng và việc làm, cũng như tạo ra sự mất cân bằng thương mại liên tục giữa châu Âu và phần còn lại của thế giới.

Về lý thuyết, khi một nước có chính sách tiền tệ riêng thì có thể ứng phó với một sự giảm cầu đồng tiền bằng cách hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế. Nhưng với đồng tiền chung euro, Ngân hàng Trung ương châu Âu phải tạo ra chính sách tiền tệ dựa trên điều kiện tổng thể của tất cả các nước trong liên minh tiền tệ. Điều này tạo ra tình huống lãi suất quá cao ở các nước thất nghiệp gia tăng và thấp ở các nước đồng lương tăng nhanh.

Đồng euro đã tồn tại 13 năm tại thị trường tài chính của 11 quốc gia châu Âu hồi năm 1999, nhưng cho đến 1-1-2002 đồng tiền này mới chính thức được lưu hành bằng việc phát hành các tờ tiền giấy và đồng kim loại tại 12 quốc gia châu Âu.

Tính đến giữa năm 2011, tổng cộng đã có 14,2 tỉ tờ tiền giấy và 95,6 tỉ đồng tiền kim loại với tổng trị giá 870 tỉ euro được lưu hành tại 17 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu. Không chỉ là biểu tượng cho sự hội nhập của châu Âu, việc ra đời đồng euro đã tạo ra sự thay đổi lớn trong hệ thống tiền tệ thế giới.

Chỉ một năm sau khi chính thức đi vào lưu hành, đồng tiền chung của Liên minh châu Âu đã có những bước đi ngoạn mục. Từ mức ban đầu 1 euro gần bằng 1 USD, sau đó đồng euro dần dà tăng giá trị, thậm chí có những thời điểm trong năm 2008, 1 euro đổi được 1,6 USD. Đặc biệt khu vực Eurozone chỉ chiếm 16,5% sản lượng kinh tế toàn cầu, nhưng đồng euro lại chiếm tới 27% dự trữ ngoại hối của thế giới.

Ảnh minh họa

Không chỉ mang những ý nghĩa lớn lao về kinh tế trong thời kỳ đầu đi vào lưu thông, đồng euro còn mang biểu tượng rõ nét về bản sắc thống nhất của khu vực. Báo chí thế giới đã không tiếc giấy mực ca ngợi đồng tiền chung đầu tiên trên thế giới với sự thán phục về khả năng hợp lực của 15 nước châu Âu đầu tiên tham gia.

Chưa tính tới các giá trị kinh tế do đồng euro mang lại, chỉ với giá trị tinh thần không thôi thì đồng euro cũng đã xứng đáng trở thành niềm tự hào của người dân châu Âu. Sự ra đời của đồng euro còn mang theo tham vọng của các nhà quản trị châu Âu rằng euro sẽ trở thành một loại vũ khí có thể làm đối trọng với đồng USD đang thống trị toàn thế giới, một đối thủ đáng gờm của USD trên phương diện thanh toán, một đồng tiền chiếm vị trí đáng kể trong dự trữ của nhiều nước ngoài Eurozone.

Tham vọng đó không phải thiếu cơ sở, bởi trên thực tế với hai đầu tàu kinh tế hùng mạnh lúc bấy giờ là Đức và Pháp, hơn 300 triệu người dân châu Âu hoàn toàn bị thuyết phục vào một tương lai tươi sáng của đồng tiền chung.

Tuy nhiên, những kết quả tiêu cực đã xảy ra trong những năm gần đây khiến các nước châu Âu bị dập vùi trong những cơn bão khủng hoảng liên tục. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua chưa kịp khắc phục hậu quả, các nước châu Âu đã phải đối mặt với khủng hoảng nợ công. Sự cố bắt đầu từ Hy Lạp rồi lan rộng sang Ý, Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và nay đến Slovenia, dường như đang điểm thời khắc thách thức cho sự tồn tại của đồng euro.

Kết quả là sau 10 năm đồng tiền chung lưu hành, các thành viên khu vực sử dụng đồng euro lần lượt mất điểm tín nhiệm AAA của các tổ chức lượng giá quốc tế và đang lún sâu vào một cuộc khủng hoảng nợ công.

Người dân châu Âu hoang mang rời bỏ giấc mơ và chuyển sang nỗi lo sợ về sức khỏe của đồng tiền chung đang góp phần vào sự tăng giá phi mã các mặt hàng tiêu dùng, gây khó khăn cho đời sống. Tạp chí hướng dẫn người tiêu dùng Que Choisir của Pháp trong số báo đầu năm 2012 đã nêu ra một vài con số đáng lo ngại: Giá một ổ bánh mì trong 10 năm qua nhảy vọt từ 67 xu lên 85 xu euro, tăng 27%, giá một tách cà phê tăng 45% trong một thập niên. Đáng báo động hơn nữa là trong 10 năm qua, giá một ký-lô táo tăng 65%, hay giá thịt gà hiện tại đắt gấp rưỡi so với 10 năm về trước.

Giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng vọt cùng với tình trạng nợ công đang đè nặng thêm trên đôi vai của những người dân trong ngôi nhà chung châu Âu.

Bản đồ 17 nước khu vực Eurozone

Ngay cả Pháp và Đức, hai đầu tàu kinh tế của Eurozone cũng bị đe dọa. Trong mắt nhiều người Pháp, đồng euro bị coi là nguyên nhân dẫn tới lạm phát, khác với ngày đầu tiên của năm 2002 họ đã hào hứng đón nhận đồng tiền chung. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và nhà kinh tế Pháp đã nghĩ đến một vài tình huống có thể khiến đồng euro sẽ không tồn tại trong thời gian không xa, điều mà chỉ cách đây vài tháng chưa ai nghĩ đến.

Còn ở Đức, một cuộc khảo sát mới đây cho thấy 85% người dân nước này đổ lỗi lạm phát cao là do đồng euro. Người Đức cũng cảm thấy không thể chịu đựng được khi đứng nhìn từng đồng thuế do mồ hôi nước mắt của mình bị chuyển ra nước ngoài để dùng vào việc cứu trợ cho các nước khác.

Cuộc khủng hoảng đồng euro càng rõ nét bởi sự tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ mắc nợ tư và công cao, một tình trạng dễ bị tổn thương lớn của hệ thống tài chính và ngân hàng châu Âu, tình trạng bất ổn xã hội ngày càng tăng trong đó có vấn đề thất nghiệp.

Những nhân tố này tạo thành một vòng xoắn ốc kéo nền kinh tế nhiều nước lần lượt đi xuống. Tầm quan trọng của những khoản nợ công và thâm hụt ngân sách cùng với viễn cảnh tăng trưởng xấu đã dẫn đến tình trạng mất lòng tin của các nhà đầu tư.

Nhu cầu trái phiếu của các nhà nước đang bị đe dọa trên thị trường thứ cấp mà nếu tình trạng này kéo dài thì gánh nặng các khoản lãi sẽ càng tạo một áp lực lớn cho ngân sách mỗi quốc gia.

Nợ nhà nước tăng thêm, lòng tin của các nhà đầu tư vào việc giúp đỡ và hoàn trả các khoản nợ giảm. Trong cố gắng tránh một sự bùng nổ về nợ, các chính phủ đã từng bước cải thiện số dư ngân sách của họ và thông qua các chương trình tiết kiệm hà khắc. Để bù vào các khoản cho vay đã được chấp thuận, Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã tiến hành những cam kết quan trọng về tiết kiệm và cải cách cơ cấu. Chính Ý, Tây Ban Nha, Pháp và các nước khác thuộc khu vực đồng euro cũng đưa ra những biện pháp củng cố trên phạm vi rộng.

Cho đến nay, Hy Lạp vẫn đang là điểm nóng đe dọa sức khỏe - thậm chí là sự tồn tại - của đồng euro. Vấn đề lớn nhất đang được cân nhắc là liệu Hy Lạp có đáng được nhận khoản cứu trợ kế tiếp 31,5 tỉ euro để thoát khỏi cảnh vỡ nợ gây tác hại lên toàn bộ Eurozone. Theo điều kiện thỏa thuận cứu trợ, Hy Lạp phải chứng tỏ có thể dành dụm 11,5 tỉ euro thông qua cắt giảm chi tiêu công. Điều này quả thật rất khó khăn vì hiện nay tình hình kinh tế ngày một xấu đi do ảnh hưởng đến việc thu thuế mà lâu nay một bộ phận lớn người Hy Lạp chưa xem đó là một nghĩa vụ, thậm chí họ còn ví von là một "môn thể thao".

Khổ nỗi sự thất bại trong việc cứu Hy Lạp sẽ dẫn đến sự rạn nứt giữa các nước trong EU càng làm cho đồng euro suy yếu. Trong khi người dân Hy Lạp đã chọn ở lại Eurozone thì lại có những lời đe dọa của một số nước đòi rút khỏi khu vực đồng tiền chung này. Nói không quá đáng, tương lai đồng euro tùy thuộc nhiều vào tình hình Hy Lạp và các nước đang trông chờ sự cứu giúp của Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng như sự hào phóng của các đầu tàu kinh tế.

  • Tác giả: Viết Đỉnh (tổng hợp)
    Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'