Từ nay tới cuối 2011, liệu các nền kinh tế toàn cầu có còn tiếp tục "vùng vẫy" trong nợ nần? Hay các gói giải cứu và chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ đủ mạnh để cứu thế giới khỏi những cơn gió chướng?
Bước vào đầu năm 2011, theo Tạp chí Tài chính Toàn cầu (Mỹ), kinh tế thế giới năm 2011 khá bi quan, theo đó: Mỹ, Nhật Bản và hầu hết các nước châu Âu, tiếp tục vùng vẫy trong nợ nần (Bộ Tài chính thông báo nợ công của Mỹ chạm mức trần 14,3 ngàn tỷ USD vào ngày 16/05/2011; hiện các khoản nợ của chính quyền bang và khu vực ở Mỹ chiếm 22% GDP cả nước. Cựu thị trưởng Los Angeles, Richard Riordan, cảnh báo 90% các bang và thành phố ở Mỹ có thể phá sản trong 5 năm tới.
Bộ trưởng tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/5/2011 bắt đầu tiến hành cuộc họp để bàn về khả năng cấp cho Hy Lạp gói cứu trợ tài chính thứ hai sau gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro (156 tỷ USD) từ EU và IMF trong năm 2010. Tổng số các khoản nợ trên thế giới đã tăng gấp đôi từ 57.000 tỷ USD năm 2000 lên trên 110.000 tỷ USD năm 2010. Thế giới sẽ cần nợ thêm 100.000 tỷ USD nữa để hỗ trợ "tăng trưởng kinh tế" trong thập kỷ tới.
Quả bóng nợ của toàn bộ nền kinh tế toàn cầu có thể tan vỡ bất cứ lúc nào và sẽ đẩy thế giới vào rối loạn. Lạm phát, lãi suất và nguy cơ bùng nổ bong bóng USD có xu hướng tăng cao. Giá lương thực tiếp tục leo thang; còn giá dầu lửa toàn cầu tăng mức kỷ lục. Chí phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ hơn (ở Mỹ, trong vòng 20 năm qua học phí trong các trường đại học đã tăng 286%; các khoản viện phí, nghỉ dưỡng và các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tăng 269%).
Thị trường bất động sản vẫn trì trệ hoặc tình trạng bong bong giá ẩn chứa nhiều rủi ro (năm 2010, toàn nước Mỹ chỉ xây dựng 703.000 ngôi nhà mới - con số thấp kỷ lục và giảm 17% so với mức năm 2009). Thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh có thể biến năm 2011 trở thành năm ác mộng cho các nhà sản xuất nông nghiệp.
![]() |
Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế Eurozone, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực này ở mức 1,6% trong năm 2011 và 1,8% trong năm 2012, còn lạm phát lần lượt là 2,3% và 1,7%. Trong đó tăng trưởng kinh tế của các nước Đông, Trung và Đông Nam Âu (trừ những nước Eurozone, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và Thổ Nhĩ Kỳ) ước đạt 4,3% trong năm nay và năm tới. Tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế chủ chốt sẽ chậm lại do xuất khẩu giảm sút và chính sách thắt chặt tài khóa.
Ngoài ra, khu vực này còn gặp phải các "cơn gió chướng" như lãi suất và lạm phát gia tăng bởi giá cả hàng hóa, nhất là dầu mỏ, tăng cao cùng với bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi. Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn có nguy cơ lan rộng sang các quốc gia Eurozone khác và các nền kinh tế đang nổi tại khu vực Đông Âu.
Ngày 13/05/2011, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) thông báo nền kinh tế của 17 quốc gia Eurozone tăng trưởng 0.8% trong 3 tháng đầu năm 2011. Đây là tốc độ tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2007. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1 của Eurozone tăng 2.5% (cả hai số liệu trên đều cao hơn so với dự báo 0.6% và 2.2% của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Dow Jones Newswires).
Kết quả thăm dò mới đây đăng trên tờ Wall Street Journal ngày 11/4/2011 cho biết dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 3,6% trong quý IV/2011, tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 8,3% vào cuối năm 2011 so với mức 8,8% hiện nay, giá tiêu dùng trong năm 2011 sẽ tăng 2,8% và giá dầu thế giới sẽ quay về mức dưới 100 USD/thùng vào cuối năm 2011.
Đặc biệt, Nhật Bản và Trung Quốc - hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ- trong khi đặt mục tiêu đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối và cắt giảm tỷ lệ trái phiếu kho bạc Mỹ, vẫn xem trái phiếu kho bạc Mỹ là kênh đầu tư an toàn nhất trong bối cảnh tồn tại quá nhiều bất ổn xung quanh tình hình nợ công tại châu Âu.
Còn theo tờ China Securities Journal 14/5/2011, Trung Quốc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể tăng trưởng 9.3%-9.4% trong năm 2011, thấp hơn so với năm ngoái, và sẽ duy trì mức tăng trưởng bình quân 9% trong vòng 5 năm tới. Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng khẳng định hạ thấp lạm phát là một trong những "ưu tiên hàng đầu" của nước này, vì vậy, bên cạnh chỉ đạo các ngân hàng cắt giảm các khoản vay mới, ngày 12/05/2011, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nâng dự trữ bắt buộc ngân hàng lần thứ 5 thêm 0,5% với hiệu lực từ ngày 18/05/2011. Kể từ tháng 10/2010 đến nay, Trung Quốc đã 8 lần nâng dự trữ bắt buộc và 4 lần nâng lãi suất nhằm ghìm cương lạm phát đã lên tới 5,3% vào tháng 4/2011.
Một bức tranh tương đối ảm đạm bao trùm kinh tế toàn cầu trong năm 2011, nhưng với nỗ lực như vậy của các quốc gia, liệu có thể hy vọng một kịch bản sáng hơn?
-----------------------------
Tác giả: TS. Nguyễn Minh Phong // Theo VEF
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com