Các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc kiến nghị cần sớm có cơ chế đặc thù nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Công thương và đại diện các tỉnh miền Bắc có chung đường biên giới với Trung Quốc vào cuối tuần qua tại Hà Nộim với nội dung chính là đẩy mạnh xuất khẩu hàng sang thị trường này, hầu hết các địa phương đều có chung ý kiến rằng, cơ sở hạ tầng hạn chế đang là rào cản lớn nhất.
"Mặc dù đã được nâng cấp, nhưng Quốc lộ 70 mới chỉ rộng có 5,5 m và đủ phục vụ được 50% nhu cầu vận chuyển. Đường sắt Lào Cai - Hà Nội từ 100 năm nay hầu như vẫn giữ nguyên và chỉ phục vụ được 1/3 nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách. Trong khi đó, phía bạn đã có đường cao tốc hiện tại nối tới tận cửa khẩu. Sắp tới, Trung Quốc sẽ đưa vào vận hành đường tàu hướng tới cửa khẩu Lào Cai có đường ray rộng 1,4 m, trong khi đường ray của phía Việt Nam vẫn là khổ 1 m, nên chắc chắn sẽ phát sinh những vấn đề trong vận tải đường sắt liên vận", ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nêu những khó khăn về cơ sở hạ tầng trên địa bàn.
Mặc dù phấn khởi trước việc tuyến đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai đã bắt đầu được khởi công xây dựng từ tháng 3/2009, nhưng ông Vịnh cho rằng, thời gian 4 năm tới khi con đường này hoàn thành thì áp lực từ cơ sở hạ tầng đối với hoạt động xuất khẩu trên địa bàn vẫn còn rất lớn. Ông Lý Hải Hầu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nêu ra thực tế là, nhiều cửa khẩu trên địa bàn tỉnh này vẫn còn sử dụng những cây tre để làm barie. Hình ảnh này cho thấy, cơ sở hạ tầng của các cửa khẩu từ nhiều năm nay vẫn còn rất sơ sài và chưa được đầu tư thích đáng.
Tình trạng cơ sở hạ tầng còn yếu kém cũng xảy ra ở các địa phương khác như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Lạng Sơn hay Quảng Ninh. Theo phân tích của các địa phương trên, nguyên nhân của việc cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư tương xứng với nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu là do nước ta chưa xây dựng được cơ chế đặc thù cho xuất khẩu.
Lý giải về sự cần thiết phải có một cơ chế đặc thù với một thị trường lớn ngay bên cạnh như Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, khi có cơ chế đặc thù thì các địa phương mới phát huy được khả năng và vị thế riêng của mình để đẩy mạnh xuất khẩu. "Phía Trung Quốc đã thực hiện chính sách phân cấp rất mạnh cho các địa phương, nên các địa phương chủ động trong việc điều hành hoạt động xuất nhập khẩu. Chúng ta đang điều hành xuất khẩu sang thị trường này giống như các thị trường khác, nên địa phương khó có thể vận dụng để phát huy lợi thế của địa phương cũng như khai thác tốt thị trường", ông Thanh nói.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng kiến nghị rằng, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có được định hướng phát triển, xây dựng quy hoạch rõ ràng, có những chính sách cụ thể để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bản thân chính sách đặc thù được ban hành sẽ giúp cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng được thực hiện quyết liệt hơn và đáp ứng nhu cầu của thực tế.
Đại diện của Sở Công thương tỉnh Điện Biên cũng kiến nghị, việc xây dựng và duy trì các chợ vùng biên là hết sức quan trọng. Điều này vừa giúp cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng được thị trường phân phối, vừa tạo điều kiện cho việc thực hiện xuất khẩu được thuận tiện hơn. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng những chợ này phải được sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế dù không sử dụng nghiệp vụ thanh toán qua ngân hàng tại các địa bàn quá khó khăn.
"Ngay cả việc thu thập thông tin về chính sách thương mại biên mậu của Trung Quốc thì các địa phương đang mạnh ai nấy làm. Đơn cử, tỉnh nào cũng sang phía bạn để đàm phán mở cửa khẩu quốc tế sẽ khiến cho việc xử lý khó khăn hơn. Chúng tôi mong Chính phủ sẽ có quy hoạch chi tiết về hệ thống cửa khẩu tại các địa bàn để các địa phương biết và thực hiện", ông Hoàng Đình Châm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang kiến nghị. Lãnh đạo các tỉnh trên cũng nhận định rằng, việc không có hệ thống thông tin về chính sách thương mại biên mậu của Trung Quốc do cơ quan chức năng của Việt Nam tìm hiểu và cung cấp đang khiến cho các địa phương gặp khó khăn trong công tác điều hành xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, theo kiến nghị của các địa phương, Bộ này sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án cơ chế đặc thù để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt nhằm giúp cho việc đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc. "Thực tế trong những năm qua cho thấy, thị trường Trung Quốc là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng cao. Tới năm 2010, con số này sẽ vượt 20 tỷ USD. Riêng năm 2008, nước ta đã nhập siêu từ Trung Quốc hơn 11 tỷ USD. Do đó, nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là cần phải tiếp tục khai thác thị trường có nhiều tiềm năng này, đẩy mạnh xuất khẩu bằng cơ chế phù hợp", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng đề nghị, trong khi chờ Chính phủ cũng như các cơ quan hữu quan ban hành những cơ chế đặc thù trên, các địa phương cũng cần tiếp tục chủ động sáng tạo trong công tác điều hành như đã làm trong thời gian qua. "Muốn xuất khẩu mạnh thì cần phải có sản xuất. Làm đựơc điều này đòi hỏi các tỉnh phải tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư vào địa bàn thông qua việc phát huy những lợi thế so sánh và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính bên cạnh việc hợp tác chặt chẽ với các địa phương bạn", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kết luận.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com